Lộ diện tàu hộ vệ tên lửa mới của Hải quân Mỹ

Lộ diện tàu hộ vệ tên lửa mới của Hải quân Mỹ

Sau nhiều thập kỷ theo đuổi các chiến hạm hạng nặng, cuối cùng Hải quân Mỹ vẫn phải quay về với các tàu hộ vệ tên lửa thông thường và để nhận ra điều này họ đã mất tới hàng nghìn tỷ USD.

Trong khuôn khổ hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Hải quân mặt nước đang tổ chức gần Washington DC, Tập đoàn Lockheed Martin bất ngờ tiết lộ mô hình tàu hộ vệ tên lửa dành cho Hải quân Mỹ.

Trước đó, tháng 7/2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Yêu cầu Thông tin (RFI) để ngành công nghiệp đóng tàu biết Hải quân Mỹ đang tìm kiếm thiết kế tàu hộ vệ tên lửa FFG-(X). Cuộc đấu thầu trong chương trình FFG-(X) nhằm tìm kiếm thiết kế tàu chiến hiện đại có thể đáp ứng các yêu cầu về năng lực tác chiến theo quy định của Hải quân Mỹ.

Lộ diện tàu hộ vệ tên lửa mới của Hải quân Mỹ
 Mô hình tàu hộ vệ tên lửa mới được tập đoàn Lockheed Martin công bố. Ảnh: Navy Recognition. 

Hải quân Mỹ muốn tàu hộ vệ tên lửa mới có thể theo kịp nhóm tác chiến tàu sân bay, cũng như tiến hành các sứ mệnh độc lập. FFG-(X) sẽ tập hợp thành nhóm tấn công và nhóm hoạt động mặt nước lớn. Tuy nhiên, các tàu hộ vệ tên lửa phải có khả năng tự bảo vệ trong quá trình tiến hành nhiệm vụ độc lập, hoặc kết nối vào mạng lưới tàu chiến.

Tàu hộ vệ có thể sống sót trong các tình huống phức tạp, thực hiện nhiệm vụ trong môi trường tác chiến điện tử mạnh và chống lại tên lửa chống hạm. Tàu hộ vệ tên lửa mới dự kiến thay thế cho tàu chiến đấu ven biển (LCS) bị chỉ trích vì hỏa lực kém.

Hải quân Mỹ muốn chương trình FFG-(X) phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ sau: Tác chiến chống tàu mặt nước từ bên ngoài đường chân trời, tác chiến chống ngầm, hộ tống đoàn tàu hậu cần, chiến tranh điện tử và thu thập thông tin tình báo.

Mời độc giả xem video: Cận cảnh lớp chiến hạm FFG-(X) Lockheed Martin phát triển cho Hải quân Mỹ. (Nguồn DefenseWebTV)

Tàu hộ vệ tên lửa FFG-(X) có lượng choán nước từ 4.000-6.000 tấn. Hải quân Mỹ đặc biệt quan tâm đến các nhà thầu cung cấp thiết kế phù hợp với hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 cho tên lửa hải đối không ESSM và Standard Missiles.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hải quân Mỹ không chế tạo tàu hộ vệ tên lửa sau khi ngưng chương trình tàu hộ tống lớp Oliver Hazard Perry. Hải quân Mỹ hiện chỉ tập trung vào tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Chương trình LCS được đánh giá là một thất bại.

Quốc Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận