Cảnh giác với chiêu trò cảnh báo để bán dịch vụ chữ ký số

Cảnh giác với chiêu trò cảnh báo để bán dịch vụ chữ ký số

Kèm theo đó là mời chào mua dịch vụ chữ ký số gấp đôi nếu chậm trễ, ngoài ra, doanh nghiệp sẽ bị ngừng ký tờ khai thuế và token sẽ báo động đỏ trên hệ thống Tổng Cục Thuế.

Cảnh giác với chiêu trò cảnh báo để bán dịch vụ chữ ký số

Cảnh báo hay dọa nạt?

Anh N.T.Hải, chủ một doanh nghiệp chuyên ngành nội thất tại quận Bình Thạnh cho biết, trong email gửi đến công ty mình, nội dung thông báo rất chi tiết: “kể từ 5 ngày nhận được thông báo, nếu Quý công ty không liên hệ với chúng tôi để tiến hành gia hạn và nâng cấp, hệ thống sẽ tự động hủy và không thể nâng cấp được nữa. Khi đã hủy, toàn bộ dữ liệu liên quan - tờ khai, thông báo, cơ sở dữ liệu,... sẽ bị xóa khỏi máy chủ và không thể khôi phục được”.

Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, thông báo này có thể gây hoang mang vì thường thì các ông chủ doanh nghiệp ít để ý đến việc chữ ký số mình mua từ tháng nào, đã đến hạn chưa. Và với thông tin hết sức khẩn thiết như vậy, 100% doanh nghiệp sẽ vội vã yêu cầu bộ phận kế toán nhanh chóng đăng ký dịch vụ ngay để không bị gián đoạn việc nộp thuế.

Song, tôi chắc nhiều doanh nghiệp không ngờ rằng, phần lớn các email cảnh báo này chỉ là chiêu trò của các đại lý dịch vụ chữ ký số. Giữa năm 2016, bản thân tôi cũng gặp email tương tự nhưng lời lẽ nhẹ nhàng hơn với nội dung nhắc nhở, dịch vụ chữ ký số của công ty sắp hết hạn và cần nhanh chóng đăng ký mới. Kèm theo đó là số điện thoại, địa chỉ liên hệ, email để đăng ký mới.

Trước thông tin này, ban đầu tôi cũng rất lo và gọi vào tổng đài dịch vụ kiểm tra thời hạn dịch vụ cũng như xác nhận xem thông tin trên có phải do đơn vị cung cấp dịch vụ gửi đến hay không. Câu trả lời chắc chắn là không. Đơn vị cung cấp dịch vụ cũng hướng dẫn tôi có thể tự kiểm tra thời hạn để tránh bị mất tiền oan. Anh Hải phân tích thêm.

“Chiêu trò” để bán token giá cao

Với những thông tin cảnh báo trên, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo chủ động kiểm tra token mà vội vã liên lạc đến các thông tin trong email sẽ được chào bán dịch vụ chữ ký số với giá cao. Đơn cử theo như email trên, gói dịch vụ chữ ký số có giá lần lượt là: 1.827.000đ/gói 1 năm; 2.420.000đ/gói 2 năm và 2.519.000đ/gói 3 năm. Đáng lo ngại là chào giá như vậy nhưng không thể hiện rõ gói dịch vụ của nhà cung cấp nào.

Trong khi đó, với các nhà cung cấp dịch vụ lớn, thường thì thời hạn đăng ký cho cả nói là 3 năm, mức chiết khấu đều khá cao nên chi phí thực trả khá thấp. Ví dụ như: VNPT-CA: 1.499.000 đ/3 năm; New CA: 1.699.000đ/3 năm; FPT CA: 1.890.000đ/3 năm. Như vậy, mức giá 2.519.000đ mà email gửi đến dịch vụ cho Token gói thời hạn 3 năm là giá quá cao, đắt hơn 1 triệu đồng so với đăng ký dịch vụ từ các đơn vị uy tín.

Sơ sơ có thể thấy, nếu vội vàng đăng ký gói dịch vụ 3 năm theo hướng dẫn của email, doanh nghiệp mất đi một khoản chi phí lớn. Chưa kể, vì nóng vội không kiểm tra kỹ thời hạn của token hiện tại, doanh nghiệp tiếp tục mất đi khoản thời hạn đáng lẽ vẫn được dùng trên token đã và đang dùng.

Lẽ tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện theo cảnh báo của email nhưng có thể nhận định không ít doanh nghiệp đã bị “dính bẫy” thông tin từ email mang tính dọa nạt hơn cảnh báo này. Bằng chứng thể hiện ở lời cảnh báo ngày càng được nâng cấp, đánh đúng vào tâm lý luôn lo lắng với các vấn đề có liên quan đến thuế, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu bộ phận kế toán chuyên nghiệp.

Đừng để sập bẫy chiêu trò

Diễn ra từ lâu nhưng đến nay, các nhà cung cấp vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hoặc cảnh báo thường xuyên để doanh nghiệp biết. Để bảo vệ doanh nghiệp mình trước những thông tin không chính xác, đặc biệt là các vấn đề về kê khai thuế, doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh để nhận diện từ nội dung thông tin đến công tác kiểm tra, đối soát thời hạn token.

Cụ thể, các biểu hiện của email dạng này thường có nội dung dọa nạt hơn là cảnh báo nhằm bán dịch vụ chữ ký số: Thông tin sai lệch về việc bắt buộc phải nâng cấp token lên phiên bản 5.0; chào bán dịch vụ với giá cao hơn nhiều các đại lý khác đang chào bán; thông tin mang tính dọa nạt về việc ngưng sử dụng dịch vụ.

Thực chất, chỉ có cơ quan Thuế hoặc doanh nghiệp chủ động ngừng sử dụng dịch vụ chữ ký số chứ các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số không thể tự ý dừng dịch vụ của doanh nghiệp còn thời hạn sử dụng dịch vụ.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là doanh nghiệp chủ động kiểm tra thời hạn token để biết mình còn hay đã sắp hết thời hạn đăng ký dịch vụ. Chỉ cần cắm token vào cổng USB trên máy tính, nhập mã pin, sau đó nhấp đúp vào tên doanh nghiệp sẽ thấy hạn sử dụng còn lại.

Hơn thế, các đơn vị cung cấp chữ ký số hiện nay đều có bộ phận bán và chăm sóc khách hàng khá tốt. Chỉ cần token doanh nghiệp sắp hết hạn, bộ phận này sẽ trực tiếp liên hệ, hướng dẫn cách kiểm tra thời hạn token cũng như gửi hợp đồng đăng ký dịch vụ để doanh nghiệp biết và tiếp tục đăng ký chứ không có chuyện gửi email với lời lẽ nặng nề như thế.

Theo VietNamNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận