Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên của một con gấu trúc khổng lồ trong lăng mộ của hoàng đế nhà Hán có niên đại hơn 2.000 năm. Ngôi mộ nằm ở thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, con vật có thể đã được hiến tế và chôn cất cùng với Hán Văn Đế vào năm 157 trước Công Nguyên như một biểu tượng của quyền lực và địa vị.
Phần hộp sọ của con gấu trúc được tìm thấy trong một ngôi mộ thời nhà Hán khác, chỉ có phần xương thân mình của con vật nằm cùng hố với ngôi mộ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một bộ xương gấu hoàn chỉnh được phát hiện chôn cất theo cách như vậy.
Việc chôn cất gấu trúc khổng lồ cùng với hoàng đế được cho là mang ý nghĩa biểu tượng rằng con vật này sẽ hộ tống Hán Văn Đế - người trị vì từ năm 180 đến 157 trước Công nguyên - sang thế giới bên kia.
Hu Songmei, nhà khảo cổ học tại Học viện Khảo cổ học Thiểm Tây, cho biết đây là lần đầu tiên một bộ xương gấu trúc hoàn chỉnh được tìm thấy trong lăng mộ của một hoàng đế. Bà cho biết trước đó các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hộp sọ của nó trong ngôi mộ của mẹ Hán Văn Đế vào năm 1975 nhưng không tìm thấy dấu tích của phần thân.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy rất nhiều loại động vật hoang dã trong các lăng mộ hoàng gia ở tỉnh Thiểm Tây. Họ tin rằng tập tục này mang tính biểu tượng cho địa vị của các đế vương nhà Hán.
Hu cho biết nhóm của bà đã tìm thấy bộ xương của một con heo vòi châu Á trong ngôi mộ. Đây là loài động vật rừng quý hiếm đã tuyệt chủng ở Trung Quốc khoảng 1.000 năm trước và hiện được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hổ và bò Tây Tạng cũng được phát hiện chôn cất cùng với hoàng đế. Trong khi đó, ngôi mộ của mẫu thân hoàng đế thường có có hài cốt của sếu đầu đỏ, công, khỉ mũi hếch và rùa.
Trước đây, các nhà khảo cổ học tìm thấy một loài vượn hiện đã tuyệt chủng trong lăng mộ của Hạ Cơ phu nhân, bà nội của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng.
Theo giới khảo cổ, những động vật hoang dã quý hiếm thường chỉ xuất hiện trong lăng mộ của hoàng đế, hoàng hậu và mẹ của hoàng đế, đồng thời lưu ý rằng một số trong số này có thể là lễ vật từ miền nam Trung Quốc.
Bà Hu cho rằng sự xuất hiện của nhiều gấu trúc ở Thiểm Tây vào thời nhà Hán cho thấy khí hậu ở tỉnh này từng ẩm ướt và ấm hơn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để tre phát triển.
Các nhà khảo cổ sẽ tiến hành phân tích DNA của các loài động vật để xác định xem những loài này đến từ đâu và tiêu thụ những loại thức ăn gì.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtc.vn
Tham gia bình luận