Bến Tre: Bờ sông Giao Hòa bị sạt lở nghiêm trọng, 26 hộ phải di dời

Bến Tre: Bờ sông Giao Hòa bị sạt lở nghiêm trọng, 26 hộ phải di dời

Ben Tre: Bo song Giao Hoa bi sat lo nghiem trong, 26 ho phai di doi hinh anh 1(Ảnh minh họa. Hồng Đạt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh vừa ban hành Quyết định Số 2454/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành.

Tổng chiều dài sạt lở khoảng 800m. Điểm đầu tại cầu An Hóa trên địa bàn xã An Hóa; điểm cuối, mốc giải phóng mặt bằng Công trình Cống An Hóa - Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) trên địa bàn xã Giao Long.

Hiện nay, khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, mất đất sản xuất, nhà ở và ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của hơn 300 hộ dân. 26 hộ dân bắt buộc phải di dời khẩn cấp đi nơi khác. 

Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ĐH.03 dọc theo bờ Sông Giao Hòa. Tuyến đường này đã bị sạt lở hoàn toàn xuống Sông Giao Hòa, tổng chiều dài 45m. Hiện tại, phải cắt giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp, gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng hiện có như cầu An Hóa, tuyến đường Quốc lộ 57B.

Theo Quyết định, tỉnh Bến Tre áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả, nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Cụ thể, tỉnh triển khai sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực; sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm (nếu có). Mặt khác, ngành chức năng thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Cùng với đó, địa phương thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

[Thanh Hóa: Bờ tả sông Bưởi tiếp tục sạt lở, đe dọa 22 hộ dân]

Trước đó, Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ bổ sung 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gồm dự án sạt lở sông bờ Sông Giao Hòa, huyện Châu Thành khoảng 100 tỷ đồng và dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, khoảng 200 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, trong khoảng 10 năm gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với 3 huyện ven biển.

Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.

Hiện nay, tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.

Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng như sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ Sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam./.

Công Trí (TTXVN/Vietnam+)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận