Tại sao Su-27 là "di sản" đáng quý của Liên Xô dành cho không quân Nga?

Tại sao Su-27 là "di sản" đáng quý của Liên Xô dành cho không quân Nga?

Chuyên gia Brandon Weichert của Tạp chí quân sự The National Interest của Mỹ đánh giá: “Tầm quan trọng của máy bay Su-27 và các biến thể đối với lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga là không thể đo đếm”.

Kết quả từ cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh

Lịch sử của Su-27 (tên định danh của NATO: Flanker) bắt nguồn từ cuối những năm 1960, khi Liên Xô biết về mối đe dọa từ sức mạnh ngày càng tăng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Mỹ và đồng minh. Máy bay chiến đấu Mig-29 đã được phát triển thành máy bay đánh chặn tầm ngắn hạng nhẹ. Tuy nhiên, Không quân Liên Xô cần một dòng máy bay chiến đấu hạng nặng có phạm vi hoạt động rộng để kiểm soát không phận và giành ưu thế trên không, thậm chí là thực hiện các cuộc tấn công tầm xa.

Su-27 là kết quả của sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Lenta 

Cục Thiết kế Sukhoi dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư Mikhail Simonov, được giao nhiệm vụ thực hiện một chương trình táo bạo và phát triển một loại máy bay chiến đấu đáp ứng được tất cả các yêu cầu này. Kết quả là Su-27 ra đời.

Dựa trên ý tưởng của những người tiền nhiệm, nhưng đồng thời kết hợp và áp dụng những cải tiến công nghệ, nguyên mẫu đầu tiên của Su-27 có tên mã là T-10 đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên 1977, thời điểm được coi là nóng bỏng của Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Các lần bay thử nghiệm đầu tiên cho thấy mẫu thử T-10 có nhiều vấn đề về khí động học và khó có thể hoạt động ổn định trên không. Sau đó là toàn bộ thiết kế được rà soát và thực hiện lại. Mẫu thử T-10S sau đó đã minh chứng sự hiệu quả và được chấp nhận vào biên chế Không quân Liên Xô năm 1981 với tên gọi chính thức là Su-27.

Sau nhiều lần thử nghiệm và cải tiến, Su-27 bắt đầu trực chiến từ năm 1985, nhưng không đạt được khả năng sẵn sàng hoạt động hoàn toàn cho đến năm 1990 do hệ thống điện tử hàng không phức tạp và những biến động chính trị trước khi Liên Xô tan vỡ.

Ở thập kỷ 1980, thiết kế của Su-27 đã cơ bản ổn định với thiết kế thân máy bay và cánh kết hợp mượt mà, mang lại lực nâng lớn và khả năng hoạt động ổn định cả tốc độ cao và thấp. Ưu thế khí động học này cho phép Su-27 thực hiện các động tác phức tạp và nhào lộn như động tác “Cobra” nổi tiếng. Danh tiếng của Su-27 sau đó vang xa qua các triển lãm quân sự có sự góp mặt của nó.

Su-27 được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt AL-31F từ Nhà thiết kế NPO Saturn với mỗi động cơ tạo ra lực đẩy 12.500kgf ở chế độ đốt tăng lực. Những động cơ này giúp Flanker đạt tốc độ tối đa trên Mach 2,35 (khoảng 2.500km/giờ) và bán kính chiến đấu là 1.500km.

Được thiết kế cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không, Su-27 thực sự nguy hiểm trên bầu trời. Hệ thống điều khiển bay fly-by-wire tiên tiến vào thời điểm đó giúp khắc phục và tận dụng đặc điểm khí động học bất ổn của máy bay, giúp phi công có thể thực hiện các động tác chiến đấu phức tạp mà không loại máy bay chiến đấu phương Tây nào có thể thực hiện.

Su-27 còn được trang bị có hệ thống radar hàng không xung Doppler N001 “Sword” có thể theo dõi và dẫn bắn vào nhiều mục tiêu ở tầm xa. Vũ khí của Su-27 bao gồm pháo Gryazev-Shipunov GSh-30-1 30mm. Ngoài ra, máy bay có thể mang theo một loạt tên lửa không đối không ấn tượng, bao gồm R-27 và R-73 có khả năng cơ động cao cho khả năng tác chiến hiệu quả cả trong cận chiến hoặc không chiến ngoài tầm nhìn.

Su-35 được coi là một biến thể mạnh mẽ và hiện đại của gia đình máy bay Su-27. Ảnh: TASS 

Di sản đáng quý từ thời Liên Xô

Chiến tranh Lạnh kết thúc đã xóa bỏ nhiệm vụ ban đầu của Su-27 là tiêm kích đánh chặn và tiêu diệt máy bay chiến đấu F-15 thế hệ thứ 4 của Mỹ. Thực tế là chúng chưa bao giờ chạm trán nhau trên không. Sau khi Liên Xô tan vỡ, phi đội Su-27 được chia cho các quốc gia kế thừa, phần lớn thuộc về Nga và Ukraine.

Su-27 lần đầu tiên tham chiến trong Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994–1996). Không quân Nga chủ yếu sử dụng nó trong nhiệm vụ tuần tra trên không và tấn công mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, tiềm năng chiến đấu thực sự của nó chỉ được bộc lộ trong các cuộc xung đột sau này. Trong Chiến tranh Eritrea-Ethiopia năm 1999, máy bay Su-27 của Ethiopia đã bắn hạ một số máy bay Mig-29 của Eritrea để chứng minh tính ưu việt của loại máy bay này trong không chiến.

Các biến thể của Su-27 sau này đã phục vụ Không quân Nga trong một số cuộc xung đột, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, nơi chúng yểm trợ trên không và thực hiện các cuộc tấn công chính xác. Nhờ tính linh hoạt trong vận hành và khả năng nâng cấp, máy bay này vẫn không mất đi tính phù hợp cho đến ngày nay, ngay cả khi các loại máy bay Su-35 và Su-57 mới nhất xuất hiện.

Ngoài Không quân Nga, các biến thể của Su-27 còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số quốc gia châu Phi. Việc sử dụng rộng rãi giúp củng cố danh tiếng của dòng máy bay chiến đấu này như một nền tảng hàng không quân sự đáng tin cậy và mạnh mẽ.

Nhiều đặc điểm thiết kế của Su-27 vẫn còn ảnh hưởng tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Ảnh: RIAN 

Với thời gian phục vụ dài, có ảnh hưởng đến các nền tảng hàng không hiện đại khác và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, máy bay chiến đấu Su-27 vẫn là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại quan trọng nhất của Quân đội Nga.

Theo đánh giá của Tạp chí Topwar, giá trị và hiệu quả của dòng máy bay chiến đấu Su-27 và các biến thể đối với Không quân-Vũ trụ Nga là không thể bàn cãi. Chỉ vì lý do này thôi, nó cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng không chỉ tại Nga, mà còn trong lịch sử hàng không quân sự thế giới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận