Các lệnh trừng phạt không ngăn chặn được việc mở rộng lực lượng pháo binh của Nga

Các lệnh trừng phạt không ngăn chặn được việc mở rộng lực lượng pháo binh của Nga

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga bắn pháo nhằm vào các lực lượng Ukraine. Ảnh: TASS

Theo trang tin quân sự bulgarianmilitary.com (Bulgaria) ngày 13/4, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây, Nga dường như vẫn duy trì và thậm chí mở rộng năng lực sản xuất pháo binh, một yếu tố then chốt trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Đầu năm 2025, thông tin từ Ukraine cho biết Nga đã tăng cường sản xuất pháo tự hành 2S43 “Malva”, một dấu hiệu đáng lo ngại được kênh Telegram BTVT.INFO củng cố bằng hình ảnh đoàn tàu chở ít nhất tám hệ thống pháo này vào tháng 2 vừa qua.

Sự gia tăng sản lượng trên, như báo cáo chỉ ra, đánh dấu một bước ngoặt đáng kể trong năng lực công nghiệp quân sự của Nga trong bối cảnh chiến sự kéo dài. Đối với Mỹ và các đồng minh NATO, diễn biến này đặt ra những câu hỏi cấp bách về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của 2S43 “Malva” không chỉ là một chi tiết nhỏ trong cuộc xung đột mà có thể là một yếu tố thay đổi cục diện chiến lược đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Khác với pháo binh bánh xích truyền thống, Malva là pháo tự hành bánh lốp 152mm, được thiết kế để tăng cường khả năng cơ động và triển khai nhanh chóng.

Hệ thống này được đặt trên khung gầm BAZ-6010-027 8×8 do Nhà máy Bryansk sản xuất, kết hợp khung gầm nhẹ hơn (32 tấn so với 42 tấn của pháo tự hành bánh xích 2S19 Msta-S) với khẩu pháo 2A64 mạnh mẽ, có khả năng bắn đạn nổ mạnh ở tầm bắn lên tới 25 km hoặc đạn pháo tăng cường đạt tới 29 km. Tập đoàn nhà nước Nga Rostec, đơn vị giám sát sản xuất, cho biết Malva có tốc độ bắn hơn 7 viên đạn/phút. Thiết kế của Malva ưu tiên tốc độ và hiệu quả, cho phép nó nhanh chóng di chuyển sau khi bắn, một lợi thế quan trọng trong chiến tranh phản pháo.

Dự án phát triển Malva bắt đầu từ những năm 2010 theo chương trình “Nabrosok”, do Viện nghiên cứu Burevestnik ở Nizhny Novgorod dẫn đầu, với công ty Uraltransmash chịu trách nhiệm sản xuất. Hệ thống đã hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước vào tháng 5/2023 và lô hàng đầu tiên được chuyển giao cho quân đội Nga vào tháng 10 cùng năm. Từ đó, Malva đã tham chiến ở Ukraine, lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 6/2024 tại khu vực Kharkov, nơi nó được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng Ukraine.

Hình ảnh đoàn tàu chở Malva do BTVT.INFO công bố cho thấy Nga đang mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu chiến trường, phù hợp với nỗ lực hiện đại hóa năng lực pháo binh sau những tổn thất trong cuộc xung đột.

Đối với Lầu Năm Góc và NATO, sự gia tăng số lượng Malva đặt ra một thách thức trực tiếp. Tại Ukraine, khả năng cơ động của nó có thể tăng cường khả năng tiến hành các cuộc tấn công nhanh và tập trung của Nga, gây khó khăn cho nỗ lực phòng thủ của Ukraine. Khung gầm bánh lốp cho phép Malva di chuyển hiệu quả hơn trên nhiều loại địa hình và giảm nhu cầu bảo trì so với các hệ thống bánh xích truyền thống.

Bekkhan Ozdoyev, Giám đốc Công nghiệp tại Rostec, nhấn mạnh lợi thế này vào năm ngoái, lưu ý khả năng cơ động được cải thiện và khả năng triển khai, rút lui nhanh chóng của Malva là rất quan trọng trong cuộc chiến phản pháo ở Ukraine. Khả năng thích ứng này có thể khuếch đại hỏa lực của Nga, đặc biệt ở các khu vực như Kharkov hay Donetsk.

Ngoài Ukraine, những tác động có thể còn nghiêm trọng hơn. Nếu Nga có thể duy trì và mở rộng sản xuất các hệ thống như Malva, điều này có thể báo hiệu khả năng triển khai sức mạnh ở Đông Âu, nơi sườn phía Đông của NATO đang trong tình trạng báo động cao. Tầm bắn và khả năng cơ động của Malva, dù không mang tính cách mạng so với các hệ thống phương Tây như HIMARS hay Caesar, vẫn là thách thức đáng kể khi kết hợp với số lượng pháo binh lớn của Nga.

Ví dụ, HIMARS có tầm bắn xa hơn (lên tới 80 km với đạn dẫn đường chính xác), nhưng chi phí sản xuất và hậu cần của Malva có thể cho phép Nga triển khai nó với số lượng lớn hơn, bù đắp một phần lợi thế công nghệ của NATO.

Điều đáng chú ý là thời điểm diễn ra sự gia tăng sản xuất này. Các lệnh trừng phạt của phương Tây, áp dụng từ năm 2014 và tăng cường sau năm 2022, nhằm mục đích làm tê liệt tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga. Tuy nhiên, hình ảnh đoàn tàu chở Malva lại cho thấy điều ngược lại, cho thấy Nga không chỉ đang vượt qua mà còn thích nghi với những hạn chế này.

Sự gia tăng sản xuất Malva đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện tại. Cách tiếp cận sản xuất quân sự của Nga, ưu tiên số lượng và tận dụng công nghệ hiện có, có thể là một yếu tố giúp họ duy trì năng lực sản xuất.

Pháo Caesar của Pháp, một hệ thống tương tự Malva nhưng có chu kỳ sản xuất dài hơn đáng kể, cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa Nga và phương Tây. Ngoài ra, trong khi Mỹ tập trung vào độ chính xác và công nghệ tiên tiến, Nga dường như ưu tiên khả năng sản xuất hàng loạt và tính thực tế.

Phản ứng của Lầu Năm Góc vẫn chưa rõ ràng, nhưng có khả năng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống như HIMARS, vốn đã chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên, việc Nga tăng cường sản xuất Malva có thể đòi hỏi Mỹ phải tăng cường hỗ trợ pháo phản công hoặc tăng cường phòng thủ cho sườn phía Đông NATO.

Trong lịch sử, pháo binh luôn là xương sống của học thuyết quân sự Nga. Malva tiếp nối truyền thống này, kết hợp sự linh hoạt của khung gầm bánh lốp với hỏa lực mạnh mẽ. Dù đã có những tổn thất nhất định đối với loại pháo này ở Ukraine, nhưng việc Nga có khả năng sản xuất chúng với số lượng lớn vẫn là một yếu tố đáng chú ý.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận