Lỗ hổng lớn trong kế hoạch của châu Âu vũ trang cho Ukraine

Lỗ hổng lớn trong kế hoạch của châu Âu vũ trang cho Ukraine

Châu Âu thiếu thuốc nổ chế tạo đạn pháo, tên lửa

Trong bối cảnh Ukraine đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trên chiến trường, châu Âu hiện cố gắng hết sức để có thể tăng cường sản xuất đạn pháo và tên lửa hỗ trợ nước này, đồng thời bổ sung vào kho dự trữ. Vào tháng 1/2024, Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận rằng họ đã không thể đạt được mục tiêu cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo trước tháng 3/2024.

Đến ngày 15/3, EU quyết định phân bổ 500 triệu euro (542 triệu USD) để tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề thiếu chất nổ.

Kế hoạch nêu trên được biết đến với tên gọi Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược. Theo đó, 3/4 số tiền – tương đương 372 triệu euro – sẽ được chi để sản xuất những vật liệu gây nổ. Châu Âu cần số lượng lớn thuốc nổ để có thể đạt được mục tiêu sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025.

Mỗi quả đạn pháo chứa khoảng 10,8kg chất nổ mạnh như TNT, HMX, RDX. Thuốc phóng bổ sung cũng rất cần thiết để đưa viên đạn vượt qua quãng đường hàng chục km. Các loại đạn dược khác thậm chí còn yêu cầu số lượng thuốc nổ và thuốc phóng lớn hơn: chẳng hạn, đầu đạn có sức nổ mạnh trên tên lửa Storm Shadow nặng khoảng 450kg.

Thách thức ở đây là các nhà sản xuất thuốc nổ không chắc chắn về việc tăng sản xuất và lo ngại sự không ổn định trong ngành công nghiệp này sẽ cản trở các nhu cầu gia tăng của Ukraine để duy trì khả năng cạnh tranh trên chiến trường.

Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến nhu cầu vũ khí giảm mạnh và buộc nhiều nhà sản xuất thuốc nổ châu Âu phải thu hẹp quy mô hoạt động, sáp nhập hoặc đơn giản là đóng cửa. Ví dụ, Anh đã đóng cửa nhà máy thuốc nổ cuối cùng của mình vào năm 2008. Nhà sản xuất TNT lớn cuối cùng của châu Âu hiện nằm ở phía bắc Ba Lan. Ở những nơi khác, nhiều cơ sở thuộc sở hữu của chính phủ đã được tư nhân hóa hoặc bị tạm ngưng hoạt động.

Johann Höcherl, giáo sư tại Đại học Bundeswehr ở Munich, cho biết trong nhiều thập kỷ, hoạt động sản xuất của họ đã được điều chỉnh để đạt hiệu quả trong thời bình chứ không phải sản lượng ở quy mô công nghiệp. Kết quả là, chuỗi cung ứng hiện nay rất khó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Chỉ có một số ít công ty hiện còn sản xuất được vật liệu năng lượng cao đạt tiêu chuẩn NATO. Có thể kể đến đầu tiên là Chemring Nobel, công ty này sở hữu một nhà máy rộng lớn ở Saetre, Na Uy. Một công ty khác là Eurenco của Pháp, công ty điều hành một cơ sở lớn tương tự ở Karlskoga, Thụy Điển.

Số lượng đơn đặt hàng của cả hai công ty đã tăng lên kể từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng phát. Eurenco đã kín các đơn hàng cho đến năm 2030 trong khi nhà máy Saetre của Chemring đang hoạt động hết công suất.

Khoảng trống khó lấp đầy

Tim Lawrenson thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn, lập luận rằng việc khôi phục hoạt động trở lại của các nhà máy bị tạm ngưng hoạt động sẽ mất thời gian do cần phải trang bị lại và tân trang lại cơ sở vật chất.

Được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp, các công ty đang đổ tiền vào việc mở rộng quy mô sản xuất. Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành này lưu ý rằng việc khởi công xây dựng một nhà máy có thể mất từ 3-7 năm.

Một trường hợp điển hình là Rheinmetall - nhà cung cấp đạn dược, đang xây dựng một tổ hợp sản xuất thuốc nổ ở Hungary; tuy nhiên, việc sản xuất sẽ chỉ có thể bắt đầu vào năm 2027. Một loạt các quy định về an toàn và môi trường cũng có thể cản trở việc mở rộng công suất, Christian Mölling thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, một tổ chức nghiên cứu khác, lưu ý.

Các nhà sản xuất thuốc nổ cũng phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn lực. Đầu tiên phải kể đến tình trạng thiếu công nhân lành nghề trên toàn ngành. Ông Höcherl cho biết nhiều kỹ sư lành nghề đã nghỉ hưu và rất ít người trẻ hào hứng với việc lựa chọn công việc liên quan đến chất nổ.

Thứ hai, nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, như tiền chất hóa học, cũng đang gặp khó khăn. Việc tìm nguồn cung cấp axit nitric, một hợp chất hóa học, có thể đặc biệt khó vào thời điểm hiện nay. Mặc dù đóng vai trò vô cùng cần thiết để sản xuất nitrocellulose, nguyên liệu thô thiết yếu cho chất nổ, việc sản xuất axit nitric chủ yếu được dùng để sản xuất phân bón. Khi các nhà sản xuất phân bón phải chịu chi phí năng lượng cao hơn, các nhà sản xuất chất nổ đã phải vật lộn với việc nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra còn có những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng: xơ bông, một loại sợi là thành phần quan trọng khác của nitrocellulose, hầu hết được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giữa bối cảnh khó khăn hiện nay, một số nhà cung cấp đạn dược đang tìm kiếm chất nổ ở những nơi xa hơn. Các báo cáo chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc nổ của Ấn Độ và Nhật Bản đang lấp đầy một phần khoảng trống. Một số chuyên gia lo ngại chất nổ từ nước ngoài có chất lượng kém hơn và do đó có thể làm hỏng thiết bị.

Những lời hoa mỹ, lạc quan từ các chính phủ châu Âu đã được chứng minh có phần đúng bởi một số tiến bộ đạt được: sản lượng vỏ đạn hàng năm trên toàn EU được dự đoán sẽ đạt ít nhất 1,4 triệu vào cuối năm 2024, tăng từ khoảng 500.000 một năm trước.

Khi đặt viên gạch đầu tiên cho nhà máy sản xuất nhiên liệu đẩy của EURenco ở Bergerac vào ngày 11/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bảo vệ thành quả hoạt động của “nền kinh tế chiến tranh”. Ông nhấn mạnh, nhà máy sẽ mở cửa trong thời gian nhanh kỷ lục - vào năm 2025. Tuy nhiên, khi cuộc tấn công mùa hè của Nga đang diễn ra, điều đó vẫn không đủ nhanh để giúp người Ukraine thỏa “cơn khát” đạn dược.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận