Hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt" của Mỹ liệu có hiệu quả?

Hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt" của Mỹ liệu có hiệu quả?

Cơ quan báo chí Nhà Trắng xác nhận, phát triển quốc phòng sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới của ông Trump và các hệ thống mới sẽ được phát triển toàn bộ tại lãnh thổ nước Mỹ.

“Lá chắn tên lửa” hiện tại của Mỹ gồm những thành phần nào?

Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia - NMD được Lầu Năm Góc phát triển và nâng cấp trong nhiều thập kỷ qua. Cơ cấu của NMD gồm 3 lớp phòng thủ chính với nhiệm vụ và vai trò khác nhau, nhưng mục tiêu chính của hệ thống là ngăn chặn các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa đối phương nhằm vào lãnh thổ nước Mỹ với lõi là các căn cứ phòng thủ đánh chặn tên lửa mặt đất – GBMD.

Lớp phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ chính là các trạm radar cảnh báo sớm độ nhạy cao triển khai không chỉ tại Mỹ, mà còn trên nhiều lãnh thổ nước khác như: Căn cứ Faylingdales Moor (Anh), đảo Greenland và vùng Scandinavia. Để ngăn chặn tên lửa của đối phương ở lớp phòng thủ tầm xa này là hệ thống đánh chặn GBI với các đầu đạn tự cơ động EKV đáp ứng khả năng ngăn chặn và phá hủy các đầu đạn tên lửa của đối phương ở ngoại vi khí quyển trái đất. Các tên lửa đánh chặn GBI của Mỹ hiện triển khai tại các căn cứ Fort Greeley và Vandenberg. Chỉ tính riêng hệ thống phòng thủ này đã tiêu tốn của Mỹ hàng chục tỷ USD với khả năng đánh chặn còn nhiều nghi vấn.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa. Ảnh: Defense News 

Lớp phòng thủ tiếp theo là các hệ thống điều phối hỏa lực Aegis và tên lửa đánh chặn Standard Missile (SM) trang bị trên chiến hạm. Chúng được thiết kế với nhiệm vụ bảo vệ các hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ trước nguy cơ bị tấn công tên lửa.

Hiện tại, vai trò của hệ thống phòng thủ tên lửa hải quân của Mỹ đã thay đổi và là một thành phần của NMD. Các nhóm tàu chiến trang bị Aegis được Hải quân Mỹ triển khai nhiều nơi trên thế giới như: Địa Trung Hải, Biển Baltic, khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục đích phát hiện sớm và đánh chặn các tên lửa đối phương nhằm vào vị trí chiến lược của Mỹ trên thế giới. Các tổ hợp Aegis Ashore đặt tại Ba Lan và Romania cũng có chung nhiệm vụ.

Dù đã đổ rất nhiều tiền bạc vào phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng tính năng của chúng vẫn còn nhiều nghi ngờ. Trong thử nghiệm chiến đấu, các chiến hạm trang bị Aegis chỉ đáp ứng khả năng phòng thủ hạn chế trước các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của Lầu Năm Góc về khả năng đánh chặn của dòng tên lửa SM-3 Block IIA, lớp phòng thủ này chỉ có được khả năng phòng thủ khi tên lửa đạn đạo đối phương bay vào phạm vi đánh chặn vốn rất hạn chế của các chiến hạm được triển khai.

Lớp phòng thủ cuối cùng được giới chuyên gia quân sự quốc tế nghi ngờ về khả năng đánh chặn tên lửa nhất là các tổ hợp PAC-3 Patriot và THAAD. Vai trò của các dòng vũ khí phòng thủ tên lửa này không nằm ở cấp chiến lược, mà chỉ là các đơn vị phòng thủ cấp chiến thuật và bảo vệ các căn cứ hoặc vị trí quan trọng của Mỹ. Cả hai tổ hợp phòng thủ tên lửa trên đều chưa được chứng minh trong thực tế.

Iron Dome có khả thi?

Trao đổi với hãng tin Lenta về ý tưởng phát triển hệ thống Iron Dome mới của ông Trump, Đại tá, chuyên gia quân sự, Trưởng khoa Phân tích chính trị và tâm lý xã hội tại Đại học Kinh tế Plekhanov tại Nga, Andrey Koshkin nghi ngờ về tính khả thi về kỹ thuật, cũng như mong muốn của Washington về hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

“Mỹ có triển vọng phát triển Iron Dome. Nếu hệ thống vũ khí này đơn thuần chỉ là phương tiện phòng thủ tên lửa chiến thuật tương tự như loại cùng tên của Israel thì không có gì đặc biệt. Đơn giản là Iron Dome sẽ được nội địa hóa và sản xuất tại Mỹ. Thực tế, người Mỹ đã tham gia vào quá trình phát triển và chế tạo Iron Dome ở Israel. Ở khía cạnh khác, nếu đây là một phần của kế hoạch lớn hơn thì chính quyền của ông Trump sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kỹ thuật và tài chính tương tự như quá trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ngoài những tuyên bố về ý tưởng, chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào cả”, chuyên gia Andrey Koshkin tuyên bố.

Tổ hợp Iron Dome của Israel. Mỹ liệu có tính phương án nội địa hóa dòng vũ khí phòng thủ tên lửa của Israel? Ảnh: Topwar 

Chuyên gia Andrey Koshkin lưu ý rằng các quốc gia châu Âu cũng đang quan tâm tới khả năng được nằm trong ô phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, điều này hiện tại nằm ngoài năng lực của Washington vì khu vực cần bảo vệ quá rộng lớn.

“Chúng ta thừa nhận rằng tổ hợp Iron Dome của Israel có tỷ lệ đánh chặn khá tốt. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với Israel với tổng diện tích nhỏ, còn đối với vùng lãnh thổ cần bảo vệ lên tới hàng triệu km2 thì là vấn đề hoàn toàn khác. Không thể mang khả năng của Iron Dome tại Israel sang Mỹ. Đó là vấn đề kỹ thuật và sự phức tạp cần nhiều tiền bạc, thời gian để giải quyết”, ông Andrey Koshkin nói.

Theo lời chuyên gia quân sự Nga, Iron Dome thực tế mới chứng minh được khả năng chống lại các loại tên lửa và rocket tự chế được chế tạo trong các công xưởng thủ công dưới lòng đất ở đâu đó Palestine. Điều gì sẽ xảy ra khi vũ khí phòng thủ tên lửa này phải đối phó với các loại tên lửa phức tạp như tên lửa đạn đạo liên lục địa với đầu đạn tự cơ động quỹ đạo. Đó là câu hỏi lớn, khi mà các vũ khí phòng thủ tên lửa đắt tiền hiện tại của Mỹ đang bó tay.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận