Army Recognition dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, các phi công một trung đoàn không quân hỗn hợp thuộc Hạm đội Phương Bắc mới đây đã hoàn thành một đợt bay huấn luyện đầy thử thách với máy bay tiêm kích đa năng MiG-29KUBR xuất phát từ tàu sân bay trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực.
MiG-29KUBR là một trong những biến thể hiện đại của MiG-29, có nhiều tính năng cải tiến để đáp ứng yêu cầu cụ thể của các nhiệm vụ trên biển. Nó được trang bị hai động cơ phản lực, có thể đạt tốc độ tối đa 2.445km/giờ; khả năng vọt lên cao với tốc độ 19.800m chỉ trong một phút. Phạm vi hoạt động 1.430km khiến loại máy bay này phù hợp với các nhiệm vụ tầm xa, bảo đảm sự ổn định và hiệu suất khi bay. MiG-29KUBR có thể mang theo 5 tấn vũ khí, được trang bị 6 tên lửa, pháo 30mm, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, máy gây nhiễu radar, giúp tăng khả năng tác chiến điện tử trong môi trường phức tạp. Kích thước của MiG-29KUBR khiến nó rất phù hợp với không gian hạn chế trên tàu sân bay.
![]() |
Máy bay tiêm kích đa năng MiG-29KUBR được trang bị cho tàu sân bay thuộc Hạm đội Phương Bắc (Nga) tham gia bay huấn luyện ở Bắc Cực (ảnh minh họa). Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Đợt huấn luyện mới nhất của MiG-29KUBR cho thấy khả năng sẵn sàng tác chiến của Moscow tại Bắc Cực, một khu vực có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Nga.
Theo một báo cáo của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Bắc Cực nắm giữ 13% lượng dầu, 30% lượng khí đốt tự nhiên của thế giới. Băng tan ở mức báo động do biến đổi khí hậu khiến khu vực trước đây khó tiếp cận nay trở nên khả thi hơn cho mục đích kinh tế và chiến lược, với hoạt động ngày càng tấp nập của tuyến đường biển phía Bắc (NSR) và Hành lang Tây Bắc (NWP), có thể thay thế tuyến hàng hải qua kênh đào Suez.
Với tầm nhìn chiến lược, Nga đã tuyên bố chủ quyền đối với NSR-tuyến vận chuyển ngắn nhất từ phía Tây lục địa Á-Âu tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong khi Mỹ và Canada tích cực khai thác NWP-tuyến đường biển nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, cũng là tuyến đường ngắn nhất kết nối các vùng phía Đông của Mỹ với khu vực Alaska.
Ngành vận tải biển thời gian qua đối mặt nhiều thách thức. Năm 2023, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ đã khiến 7 tập đoàn vận tải biển hàng đầu thế giới phải thay đổi hải trình, lưu lượng tàu đi qua kênh đào Suez sụt giảm rõ rệt. Cùng lúc, hạn hán nghiêm trọng ở Panama cũng làm giao thông qua tuyến đường này sụt giảm 30% kể từ tháng 11-2023. Những gián đoạn này dẫn đến chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bắc Âu tăng 283%.
Những thách thức này làm nổi bật nhu cầu về các tuyến vận chuyển thay thế, khiến các tuyến hàng hải qua Bắc Cực ngày càng trở nên quan trọng. The Arctic Institute dự báo, trong tương lai gần, vận chuyển hàng hóa từ châu Âu đến Viễn Đông qua NSR có thể mang lại lợi nhuận cao hơn 25% so với qua kênh đào Suez.
Cũng theo The Arctic Institute, trong thập kỷ qua, Nga đã tích cực hiện đại hóa các căn cứ quân sự ở Bắc Cực, triển khai tên lửa phòng thủ và nâng cấp hạm đội tàu ngầm, đồng thời phát triển ngành thủy sản, dầu mỏ và khai thác khoáng sản; trong khi Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào Bắc Cực, thúc đẩy nghiên cứu các ứng dụng quân sự và tăng số lượng tàu phá băng.
Đến năm 2019, Nga đã có 14 sân bay, 6 căn cứ quân sự, cải tạo 16 cảng nước sâu và 10 đồn biên phòng ở Bắc Cực, với Hạm đội Phương Bắc có 120 tàu, trong đó có 40 tàu phá băng. Trung Quốc cũng xây bến tàu tại 5 cảng quan trọng nhất dọc bờ biển Bắc Cực của Nga. Sự lơ là của Mỹ trong suốt một thời gian dài khiến Washington yếu thế rõ rệt về hiện diện quân sự trong khu vực, với chỉ 2 tàu phá băng, 1 căn cứ không gian Pituffik ở Greenland và 2 căn cứ bổ sung tại Alaska.
Điều tất yếu là một khi các quốc gia châu Âu và châu Á muốn tăng cường vận tải hàng hải qua NSR, họ buộc phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với Moscow và như thế, Nga đang có lợi thế chiến lược. Rõ ràng, chưa tính đến việc khai thác các tài nguyên giàu có, cũng như để bảo đảm an ninh trong một khu vực trọng yếu đối với Mỹ, Washington chắc chắn phải tăng cường sức mạnh quân sự, ảnh hưởng chính trị tại Bắc Cực, hòng thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
HÀ PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận