* Ai Cập tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển với K9 Thunder
Hanwha Aerospace, nhà sản xuất quốc phòng Hàn Quốc, mới đây xác nhận sẽ bán 51 xe điều khiển hỏa lực K11 và 216 pháo tự hành K9A1 cho Ai Cập, với các cải tiến dành cho các nhiệm vụ chống hạm. Với động thái này, Ai Cập trở thành quốc gia đầu tiên trong 10 quốc gia vận hành pháo tự hành K9 (Ai Cập, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Phần Lan, Ấn Độ, Australia và Romania) tích hợp khả năng chống hạm.
Việc tiên phong tích hợp khả năng chống hạm vào K9 nhấn mạnh cam kết của Ai Cập trong tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển trước các mối đe dọa của hải quân.
Hình ảnh pháo tự hành K9 Thunder do Hàn Quốc phát triển. Ảnh: Hanwha |
Khi các mối đe dọa từ hải quân ngày càng gia tăng, khả năng tích hợp các hệ thống pháo binh trên bộ vào hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ mang lại biện pháp đối phó mạnh mẽ, đảm bảo các khí tài ven biển được bảo vệ tốt trước các mối đe dọa.
K9 Thunder là pháo tự hành 155mm của Hàn Quốc được phát triển để cung cấp hỏa lực hỗ trợ nhanh chóng và chính xác trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau. Nền tảng nổi bật với tính cơ động cao, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và hỏa lực mạnh mẽ.
K9 được trang bị lớp giáp thép hàn chắc chắn, giúp bảo vệ khỏi các loại đạn xuyên giáp 14.5mm, mảnh đạn pháo 152mm và mìn chống bộ binh. Xe còn được trang bị hệ thống bảo vệ đặc biệt chống các yếu tố nguy hiểm từ vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân nhằm bảo vệ kíp lái khi hoạt động trong môi trường có nguy cơ.
Với động cơ diesel 8 xi-lanh, làm mát bằng nước, sản sinh công suất 1.000 mã lực, kết hợp với hộp số tự động, xe có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 67km/giờ và phạm vi hoạt động lên đến 360km. Hệ thống treo thủy lực đảm bảo khả năng di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau, bao gồm sa mạc, tuyết, rừng rậm và vùng núi.
Vũ khí chính của K9 là pháo 155mm có khả năng bắn nhiều loại đạn, có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi lên đến 41km với đạn tiêu chuẩn và lên đến 60km với đạn chuyên dụng tầm xa. K9 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tự động tiên tiến tích hợp với hệ thống dẫn đường quán tính và GPS. Thiết lập này cho phép nhắm mục tiêu và bắn nhanh trong vòng 30 giây từ vị trí đứng yên hoặc 60 giây khi đang di chuyển.
Phương tiện hỗ trợ chính cho K9 là xe tiếp đạn K10, được chế tạo trên cùng 1 khung gầm. K10 mang theo tối đa 104 viên đạn và có thể chuyển đạn cho K9 với tốc độ 12 viên/phút thông qua hệ thống băng chuyền tự động, giảm thiểu việc kíp xe bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa khi chiến đấu.
K9 đã trải qua một số lần nâng cấp với các biến thể như K9A1 và K9A2. K9A1 có những cải tiến như hệ thống kiểm soát hỏa lực. Trong khi đó, K9A2, hiện đang được phát triển, dự kiến sẽ bao gồm tháp pháo không người lái, khả năng tự động hóa cao hơn và tương thích với các loại đạn tiên tiến, giúp cải thiện hơn nữa khả năng hoạt động của nó.
* Ấn Độ khẳng định khả năng tự chủ quốc phòng với xe bọc thép WhAP 8x8
Xe bọc thép bánh lốp (WhAP) 8x8 được đánh giá là sản phẩm thể hiện tham vọng về công nghệ và công nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng. Không chỉ là một chiếc xe bọc thép, phương tiện còn là kết quả của sự kết hợp giữa nghiên cứu công nghệ của nhà nước và khả năng sản xuất của khu vực tư nhân. Điều này cũng phản ánh sự nỗ lực của Ấn Độ trong việc trở nên tự chủ hơn trong công nghệ quốc phòng và nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc phòng toàn cầu.
Là “đứa con” chung của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và Tata Advanced Systems Limited (TASL), WhAP 8x8 được thiết kế hoàn toàn trong nước nhằm đáp ứng các nhu cầu hoạt động đa dạng của lực lượng vũ trang hiện đại. Xe bọc thép mô-đun này có thể hoạt động như một xe chiến đấu bộ binh hoặc xe chở quân bọc thép, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ. Với khả năng vận chuyển tối đa 12 binh sĩ, xe được trang bị để chứa nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm một trạm vũ khí điều khiển từ xa, một khẩu pháo 30mm và tên lửa chống tăng có điều khiển. Thiết kế mô-đun cho phép thích ứng nhanh với nhiều chiến trường khác nhau, từ các nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp đến hỗ trợ hậu cần và tuần tra.
Với khả năng vận chuyển tối đa 12 binh sĩ, WhAP được trang bị để chứa nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm trạm vũ khí điều khiển từ xa, pháo 30mm và tên lửa chống tăng có điều khiển. Ảnh: TATA |
Điểm mạnh cốt lõi của WhAP 8x8 nằm ở độ bền đã được chứng minh. Được thiết kế để sử dụng lâu dài, xe đã trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả sa mạc khắc nghiệt và địa hình gồ ghề, ẩm ướt. Kết quả thử nghiệm xác nhận khả năng hoạt động hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt đồng thời cung cấp khả năng bảo vệ tối ưu cho kíp lái. Khả năng phục hồi này khiến WhAP 8x8 trở thành giải pháp đáng tin cậy cho những thách thức trên chiến trường hiện đại.
Quan trọng hơn, sự hợp tác giữa DRDO và TASL phản ánh nỗ lực rộng lớn hơn của Ấn Độ là giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu quốc phòng. Bằng cách triển khai các quy trình sản xuất tiên tiến và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, TASL đã chứng minh được khả năng sản xuất thiết bị tiên tiến đáp ứng các yêu cầu của quân đội. Quan hệ đối tác công tư này cũng củng cố vị thế của Ấn Độ như một đối thủ cạnh tranh trong bối cảnh quốc phòng toàn cầu.
* Lính Mỹ huấn luyện với công nghệ thực tế ảo để chống lại mối đe dọa từ UAV
Theo Army Recogniton, các binh sĩ thuộc Trung đoàn Kỵ binh 2 của Mỹ đang sử dụng công nghệ thực tế ảo tiên tiến trong quá trình huấn luyện nhằm nâng cao khả năng đối phó với các hệ thống máy bay không người lái. Phương pháp huấn luyện hiện đại này giúp các binh sĩ nhận diện, phát hiện và tiêu diệt các UAV nhỏ, một mối đe dọa ngày càng gia tăng trên chiến trường hiện đại.
Trong khi UAV tiếp tục phát triển với nhiều khả năng mới, từ do thám đến tấn công chính xác, các bài tập mô phỏng giúp người lính nâng cao kỹ năng tiêu diệt các mối đe dọa này. Mục tiêu là giúp họ cải thiện khả năng phản ứng hiệu quả trong các tình huống chiến đấu thực tế.
Binh lính Mỹ đang sử dụng thực tế ảo trong huấn luyện. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Khóa đào tạo tăng cường thực tế ảo này cho phép binh lính thực hành nhiều kỹ thuật chống UAV khác nhau, như sử dụng thiết bị gây nhiễu hoặc hệ thống năng lượng định hướng. Trong các tình huống mô phỏng, binh lính sẽ giao chiến với các mối đe dọa từ UAV ảo trong các tình huống chiến đấu khác nhau. Phương pháp này cho phép thực hành nhiều lần và cung cấp phản hồi ngay lập tức, giúp binh lính nâng cao khả năng hành động nhanh chóng và chính xác trong các tình huống mà UAV thực sự có thể tạo ra mối đe dọa.
Việc tích hợp công nghệ thực tế ảo vào đào tạo chống UAV là một phản ứng trực tiếp trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ UAV và vai trò ngày càng tăng của nó trong chiến tranh hiện đại. Mô phỏng bằng thực tế ảo giúp binh sĩ trải nghiệm các tình huống thực tế, nơi họ có thể học cách đối phó với các mối đe dọa từ UAV, vốn rất nhanh, khó phát hiện và không thể đoán trước.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận