Smartphone ngày càng nhiều camera

Smartphone ngày càng nhiều camera

Xuất phát với camera kép

Trào lưu camera kép bắt đầu từ năm 2011 với những LG Optimus 3D, HTC Evo 3D… ra đời song hành với công nghệ 3D trên smartphone. Theo một hướng đi khác, chiếc Amazon Fire Phone được trang bị đến 4 camera trước để tạo ra hiệu ứng phối cảnh 3D động.

Smartphone ngày càng nhiều camera

LG Optimus 3D với 2 camera sau nhằm tạo hiệu ứng 3D - Ảnh: Pocket-lint

Còn HTC M8 lại chọn cách mở ra trào lưu mới với camera kép hỗ trợ khả năng chụp trước lấy nét sau, hỗ trợ xóa phông làm nổi bật chủ thể ảnh. Đây cũng chính là mẫu flagship đã gợi cảm hứng cho trào lưu chụp ảnh xóa phông với cấu trúc camera kép mà nhiều smartphone từ cao cấp đến trung cấp hiện nay vẫn sử dụng.

Hay như chiếc Lenovo PHAB 2 Pro (2016) có đến 3 camera ở mặt lưng được giới thiệu trong vai trò thể nghiệm cho công nghệ thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR trên thiết bị di động.

Ngoài ra còn có LG G5 (2016), Asus Zenfone 4 Max Pro (2017)… với cụm camera kép mang đến góc chụp ảnh linh hoạt với camera thứ hai hỗ trợ góc chụp rộng.

Một mục tiêu khác mà nhiều smartphone có camera kép như iPhone 7 Plus (2016) muốn hướng đến chính là hỗ trợ khả năng zoom quang học cho máy. Mặt khác còn có nhiều smarphone khác tận dụng hệ thống nhiều camera để nâng cao chất lượng ảnh chụp như Huawei P9 (2016), Nokia 8 (2017)…

Thời cơ chín muồi

Rõ ràng, các nhà sản xuất đã không ngần ngại trang bị cùng lúc nhiều camera cho smartphone với nhiều mục tiêu khác nhau để nâng cao tính cạnh tranh theo cách của riêng mình.

Và một khi người người, nhà nhà đều trang bị camera kép… thì một số nhà sản xuất có đủ tiềm lực lại tìm cách vượt lên bằng cách trang bị nhiều ống kính hơn nữa để tăng độ linh hoạt cũng như nâng chất cho máy ảnh trên smartphone.

Smartphone ngày càng nhiều camera

Samsung ra mắt smartphone 4 camera sau đầu tiên trên thế giới.

Không phải cứ muốn là được, nhưng may mắn thay công nghệ đáp ứng cho quá trình hiện thực hệ thống nhiều camera trên smartphone đã và đang dần trở nên chín muồi.

Sự phát triển cao về phần cứng lẫn phần mềm trên thiết bị di động đã đủ khả năng hỗ trợ nhiều camera. Đó là sức mạnh của hệ thống xử lý ảnh, khả năng thực thi các giải thuật xử lý, lưu trữ ảnh, nguồn cung cấp năng lượng… đủ mạnh mẽ để đảm đương hệ thống nhiều camera.

Camera trên smartphone ngày nay cũng đã phát triển theo chiều hướng đa dạng hơn. Tại sao chỉ quanh quẩn với duy nhất camera góc rộng, télé, chụp bokeh hoặc đơn sắc trong khi ta vẫn có thể nhét tất cả chúng vào trong một smartphone duy nhất.

Về lý thuyết thì điều này hoàn toàn khả thi mặc dù hơi có chút trắc trở trong khâu thiết kế và tích hợp phần mềm để chuyển đổi tự động giữa các chế độ chụp thay vì đưa ra quá nhiều tùy chọn phức tạp cho người dùng.

Hơn nữa, các nhà sản xuất cũng sẽ gặp vấn đề về chi phí sản xuất cũng như khi xem xét đến mức độ tiện dụng của chúng. Mỗi camera sẽ hoạt động độc lập và người dùng sẽ hiếm khi sử dụng hết tất cả các chế độ chụp bởi sự kết hợp nhiều camera mang đến.

Một điều đáng ngại lớn nhất là liệu người dùng sẽ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền để sở hữu các tính năng chụp ảnh của smartphone nhiều camera.

Xu hướng smartphone nhiều camera

Một trong những smartphone đầu tiên được trang bị đến 3 camera sau có thể kể đến chiếc Huawei P20 Pro với nỗ lực cải thiện khả năng chụp ảnh với bộ ba camera 40MP, 20MP và 8MP.

Smartphone ngày càng nhiều camera

Mate 20 (ảnh) và Mate 20 Pro tích hợp 3 camera phía sau.

Sự ra đời của P20 Pro là minh họa cụ thể cho các thức một hệ thống nhiều camera làm việc cũng nhau để tạo ra kết quả thú vị. Đó chính là khả năng cải thiện chất lượng ảnh chụp nhờ sự kết hợp giữa cảm biến đơn sắc và cảm biến màu đồng hành cùng khả năng tạo ra ảnh chụp độ phân giải cao để mang lại hiệu ứng thu phóng với chất lượng ảnh được đảm bảo.

Ý tưởng tạo ra các bức ảnh độ phân giải lớn bằng cách gộp nhiều bức ảnh chụp riêng biệt không hoàn toàn xa lạ vì đã được giới thiệu trên Oppo Find 7 đến từ năm 2014. Nhưng Huawei với Hybrid Zoom trên P20 Pro đã cập nhật công nghệ để tính năng này để nó hoạt động với hệ thống nhiều camera.

Trong quá khứ thì vấn đề nằm ở sự hạn chế của khả năng xử lý, chất lượng các giải thuật và mức độ tiêu thụ điện năng. Nhưng các smartphone hiện tại đã được trang bị các bộ xử lý hình ảnh mạnh mẽ, các vi xử lý tín hiệu số tối ưu năng lượng tiêu thụ và thậm chí khả năng tính toán với mạng nơron nhân tạo… nên các vấn đề trước kia hầu như đã được giải quyết.

Không chỉ giúp tạo ra các bức ảnh chụp độ phân giải cao, hệ thống nhiều camera trên smartphone sẽ mang đến khả năng chụp ảnh linh hoạt hơn.

Đó chính là trường hợp của chiếc Samsung Galaxy A7 2018 vừa chính thức lên kệ với bộ ba máy ảnh: 24MP, 8MP và 5MP vừa cho phép chụp ảnh xóa phông, đồng thời hỗ trợ ghi hình góc rộng. Hay chiếc Galaxy A9 2018 (A9s) thậm chí có đến 4 camera sau, nhỉnh hơn Galaxy A7 2018 về khả năng zoom quang 2x nhờ được bổ sung thêm cảm biến 10MP với ống kính télé…

Smartphone ngày càng nhiều camera

4 camera trên Galaxy A9.

Mới đây, Huawei cũng vừa trình làng Mate 20 Pro với cụm 3 camera sau 40MP, 20MP & 8MP giúp máy thực hiện thao tác ghi hình linh hoạt từ chụp góc rộng đến zoom quang 5x.

Ảnh độ chi tiết cao, khả năng zoom quang và hỗ trợ chụp ảnh xóa phông là một trong những yêu cầu quan trọng của đối với khả năng ghi hình của smartphone hiện đại và công nghệ nhiều camera có thể đạt được tất cả những mục tiêu này.

Thay vì sử dụng từng camera riêng biệt, việc kết hợp nhiều camera trên một smartphone mang đến khả năng chụp ảnh linh hoạt và tiên tiến có thể sẽ là tương lai của nhiếp ảnh trên điện thoại di động.

Không dừng lại ở đó, hệ thống nhiều camera cũng hứa hẹn có thể đáp ứng nhiều chức năng khác như cải thiện khả năng nhận dạng khuôn mặt, khung cảnh hay phục vụ tốt hơn công nghệ thực tế tăng cường AR…

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận