50% nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc

50% nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc

Trong những năm gần đây, do các yếu tố như đột phá trong mô hình ngôn ngữ quy mô lớn và học máy, cũng như những cải tiến mạnh mẽ về sức mạnh tính toán, các công ty và tổ chức trên khắp thế giới đang cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài AI.

50% nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc- Ảnh 1.

Trung Quốc có thể phát triển nhiều tài năng AI một phần là do nước này đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục AI

CHỤP MÀN HÌNH

Sử dụng dữ liệu từ NeurIPS, hội nghị thượng đỉnh AI lớn và có uy tín nhất trong năm quy tụ số lượng lớn các công trình nghiên cứu đỉnh cao về AI, MacroPolo đã thực hiện báo cáo nhằm định lượng sự cân bằng toàn cầu về nguồn nhân lực - vốn là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của hệ sinh thái AI. Tác giả các bài báo được NeurIPS chấp nhận là một dấu hiệu xuất sắc cho thấy họ nằm trong số 20% nhà nghiên cứu hàng đầu về nghiên cứu AI.

Biểu đồ "Các quốc gia có 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu" của MacroPolo cho thấy những con số đáng chú ý. Vào năm 2019, tỷ lệ ở Trung Quốc là 29%, Mỹ là 20%, châu Âu là 17% và Ấn Độ là 8%. Nhưng đến năm 2022, tỷ lệ ở Trung Quốc là 47%, còn Mỹ là 18%, châu Âu là 12% và Ấn Độ là 5%. Điều này cho thấy khoảng một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dữ liệu cũng hiển thị biểu đồ các quốc gia 20% nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc. Vào năm 2019, tỷ lệ ở Mỹ là 59%, Trung Quốc là 11%, châu Âu là 10% và Canada là 6%. Đến năm 2022, con số này ở Mỹ là 42%, Trung Quốc là 28%, châu Âu là 12% và Canada là 2%.

Những biểu đồ này cho thấy nguồn nhân tài AI trong nước của Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và nhu cầu về ngành AI của chính nước này cũng đang tăng. Tờ New York Times chỉ ra rằng "Trung Quốc có thể phát triển nhiều tài năng AI một phần là do nước này đã đầu tư rất nhiều vào giáo dục AI".

CEO Damian Ma của MacroPolo cho biết, kể từ năm 2018, Trung Quốc đã bổ sung các chương trình AI tại hơn 2.000 khoa, hơn 300 trường, đều ở các trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ theo đuổi các ứng dụng AI trong công nghiệp và sản xuất thay vì tập trung vào sự đột phá của AI tổng quát đang thống trị ngành AI của Mỹ.

Chính nguồn nhân lực AI này của Trung Quốc đã đặt Mỹ vào vấn đề nan giải. Trong khi quốc gia này cố gắng ngăn chặn hoạt động gián điệp từ Trung Quốc, họ buộc phải chấp nhận các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc nếu không muốn bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực AI. Kết quả là, nhiều vụ rò rỉ có thể xảy ra. Tiêu biểu nhất khi vào tháng 3.2024, một cựu nhân viên Google đến từ Trung Quốc bị truy tố về tội đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến AI và chuyển chúng về cho một công ty Trung Quốc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận