Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài sản số và thách thức dành cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài sản số và thách thức dành cho Việt Nam

Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại Hội thảo "Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số".

Trong nửa năm đầu 2023, thị trường tài sản số thế giới chứng kiến hai bước tiến về mặt pháp lý: Đạo luật MiCA được Nghị viện châu Âu phê duyệt và Hồng Kông cho phép giao dịch bán lẻ tài sản số. Cùng với đó, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã nêu quan điểm về tài sản số và đưa ra định hướng phát triển lâu dài. Việc xây dựng chính sách, thúc đẩy tuân thủ cho ngành này tại Việt Nam là một trong những thách thức phải vượt qua nếu Việt Nam muốn hòa nhập nền kinh tế thế giới, thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới.

Gần đây tại Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam là ông Phan Đức Trung đã tham dự Hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức. Hội thảo với đề tài "Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số" nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách về cơ chế vận hành và quản lý tài sản số.

Hội thảo được chủ trì bởi ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển; ông Đặng Văn Thanh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; và sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học…

Ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới một nền công nghệ đột phá với những lĩnh vực mới, từ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), robot, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3D… Do đó, ông Đông khuyến nghị công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam cần chủ động nắm bắt các xu hướng phát triển mới, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi, làm "bà đỡ" cho các hiện tượng, quan hệ pháp lý mới phát sinh, phát triển.

photo-1689586540337

Ông Phan Đức Trung chia sẻ về tiềm năng, bài học thực tiễn từ quốc tế trong công tác quản lý tài sản số

Nói về Đạo luật MiCA ở châu Âu mới đây, ông Trung đánh giá điểm mạnh của luật MiCA là chú trọng bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của người tham gia thị trường, thậm chí còn tốt hơn luật Mỹ về khía cạnh an toàn dữ liệu. Đạo luật MiCA đi thẳng vào vấn đề quản lý các nhà cung cấp tài sản mã hóa và tài sản ảo (VASP).

Ông Trung cho rằng cần đặc biệt quan tâm quan điểm của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc về vấn đề tài sản số. Điều khác biệt của khung pháp lý Mỹ là có 3 thể chế Bộ Tài Chính, Ủy ban chứng khoán và Ủy ban giao dịch hàng hóa phái sinh. Ba đơn vị này hoạt động độc lập, do đó Mỹ tách bạch được chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đó là đặc điểm của nền kinh tế cũ và họ theo sát được sự phát triển của nền kinh tế mới là chứng khoán và hàng hóa phái sinh.

Ngày 9.3.2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Sắc lệnh 14067, có tên chính thức là "Đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ thuật số", đặt ra 6 nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ ổn định tài chính quốc gia, hạn chế tài chính bất hợp pháp. Đặc biệt, ông Joe Biden đề cập đến vai trò của nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Sắc lệnh yêu cầu tất cả các bộ phận phải báo cáo về tài sản số trong vòng 6 tháng. Nửa năm sau đó, vào ngày 16.9, Chính quyền Biden công bố khung quy định dự thảo về tài sản số.

Còn về Trung Quốc, từ năm 2013, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính giao dịch tiền số và mở rộng lệnh cấm đối với các sàn giao dịch tiền số và ICO (phát hành coin ra công chúng). Đến năm 2019, trước Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của blockchain, gọi công nghệ này là trụ cột đối với thập kỷ phát triển tiếp theo của quốc gia.

Ông Phan Đức Trung nhận định thị trường tài sản số ở Trung Quốc chia làm hai khu vực, một là Trung Quốc đại lục, hai là Đặc khu hành chính Hồng Kông. Hai chính sách khác biệt độc lập nhau. Một bên là quản lý xuyên suốt của Chính phủ từ nền tảng blockchain dịch vụ quốc gia Blockchain-based Service Network (BSN) và một bên là mở cửa có kiểm soát theo sát mô hình châu Âu và tiến tới cạnh tranh dẫn đầu khu vực châu Á với các dịch vụ crypto. Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đang thí điểm CBDC và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ e-CNY.

photo-1689586543147

Việt Nam có thể học tập xây dựng khung pháp lý cho tài sản số từ những quốc gia đi trước

Theo Phó chủ tịch thường trực VBA, khi xây dựng chính sách cho tài sản số, Việt Nam cần tham gia những tiêu chuẩn như KYC/KYT/KYB (quy trình nhận biết khách hàng/giao dịch/doanh nghiệp) và các quy định về chống rửa tiền, chống khủng bố trong tài chính truyền thống (AML/CFT).

Ông cũng cho biết nên xem xét toàn diện tác động của công nghệ mới lên tài chính ngân hàng, nhận diện những thách thức mà ngân hàng Việt Nam phải đối mặt. Tiếp theo đó, mới ứng dụng công nghệ blockchain vào công tác truy xuất nguồn gốc, y tế… và những lĩnh vực khác. Còn mọi lĩnh vực đặc thù có thể được thí điểm thông qua cơ chế Sandbox. Không nên đặt tư duy Sandbox bó hẹp ở mảng tài chính ngân hàng.

Thúc đẩy tuân thủ và tham gia hoàn thiện cơ chế cho tài sản số là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Khi tỉ phú tiền mã hóa Changpeng Zhao đến Việt Nam tham dự Vietnam NFT Summit vào tháng 6.2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã đưa ra những khuyến nghị để Changpeng Zhao tuân thủ trong các thảo luận về công nghệ ứng dụng blockchain.

Để tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu tăng cường tuân thủ trong quản lý tài sản số, từ đầu năm 2023 đến nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tham dự nhiều hội thảo về chính sách pháp lý, tiêu biểu là Tọa đàm "Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức; Hội thảo "Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" của Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay Hội thảo góp ý về đề tài "Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tại Viện IDS...

"Để đồng hành cùng Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thời gian tới đây, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ tham mưu chính sách, cơ chế chuyên biệt dành cho tài sản số", ông Trung chia sẻ thêm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận