Kinh tế số của Việt Nam cần đo đạc bằng các con số chính thức

Kinh tế số của Việt Nam cần đo đạc bằng các con số chính thức

Cụ thể là trong phát biểu vào năm 2019 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định vai trò công nghệ blockchain là trụ cột trong phát triển công nghệ của Trung Quốc. Gần đây hơn là Sắc lệnh 14097 và Khung pháp lý cho tài sản số do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào năm 2022.

Đó là chia sẻ của ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt gian khó đón tương lai". Đây là một diễn đàn kinh tế với quy mô lớn do Trường đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức 6 tháng một lần. Tại hội nghị lần thứ 11 này, hội thảo đã quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam.

Trong phiên thảo luận bàn tròn, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã có những trao đổi về công tác đo lường kinh tế số, vai trò của tài sản số và blockchain trong bối cảnh hiện nay.

Kinh tế số của Việt Nam cần đo đạc bằng các con số chính thức - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Trung phát biểu tại diễn đàn

Kinh tế số, tài sản số là các đề tài mà Hiệp hội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong thời gian gần đây, thông qua các tham luận, chia sẻ tại nhiều hội thảo khoa học, trong đó có Tọa đàm "Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số quốc gia" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức; Hội thảo "Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" của Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay Hội thảo góp ý về đề tài "Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện" tại Viện IDS...

Ông Phan Đức Trung đặc biệt lưu ý rằng tài sản mã hóa (tokenized asset) - một loại tài sản của nền kinh tế số rồi sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu vào năm 2023, tương đương với 16.000 tỉ USD. Đây là số liệu ước tính trong báo cáo của Boston Consulting Group (BCG). Nhưng trong năm 2023, con số ấy chỉ là 0,6% GDP toàn cầu. Năm 2022, tài sản mã hóa chỉ chiếm 0,31%. Điều này cho thấy khối lượng trong GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng liên tục và đây là một thách thức đối với cơ quan quản lý, các nhà lập pháp, ông Trung lưu ý.

"Tại Việt Nam chúng ta tại sao con số này không được đo lường thống nhất cách hiểu từ vĩ mô tới vi mô? Trong doanh nghiệp nó thể hiện trên bảng cân đối kế toán ở khoản mục nào và ở những doanh nghiệp dạng nào. Đừng để dữ liệu của Việt Nam chúng ta mà chờ báo cáo quốc tế phát hành mới biết", ông Trung nói.

Blockchain được cho là một trong những công nghệ nền tảng để phát triển kinh tế số. Ở thời điểm này, hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ blockchain vẫn ở giai đoạn thí điểm và chưa đạt được mức độ chấp nhận rộng rãi của người sử dụng. Tuy vậy, các quốc gia đều nhận thấy một trong những chìa khóa mở cửa nhanh nhất cho nền kinh tế kỹ thuật số chính là công nghệ blockchain.

Ông Trung cho biết: "Chuẩn mực IFRS năm 2019 đã chỉ rõ hạch toán thế nào là tài sản số. Theo đó, tài sản số nằm trong khoản mục tài sản hữu hình và tính chất của các tài sản số từ sở hữu cho đến luân chuyển. Đến năm 2025, việc tuân thủ chuẩn mực IFRS ở Việt Nam là bắt buộc, nhưng trong thời điểm hiện tại chỉ là khuyến khích". Trong thời gian tới Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) sẽ đề xuất một loạt tiêu chuẩn để đưa thuật ngữ "nền kinh tế số" vào bảng cân đối kế toán hiện nay áp dụng tiêu chuẩn IFRS.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt gian khó đón tương lai" diễn ra tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt gian khó đón tương lai" diễn ra tại Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

Nói về thuận lợi trong việc phát triển nền kinh tế số, ông Trung nhắc đến Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ông nhận định: "Thuận lợi của thành phố chúng ta là vừa được thông qua Nghị quyết 98 ngày 24.6 về cơ chế đặc thù. Điều đó cho phép TP.HCM thu hút một nguồn lớn lao động dựa trên đầu tư".

Kết thúc phiên thảo luận bàn tròn, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá: "Các giải pháp số không chỉ góp phần nâng cao hiệu suất lao động, giảm chi phí, mà còn tạo ra một thị trường mới và thị trường này sẽ thúc đẩy, kích thích phát triển GDP".

6 tháng đầu năm 2023, sự biến động của nhiều nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đi kèm với những rủi ro bất ổn đã cho thấy viễn cảnh tăng trưởng là khá mong manh. Các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao và hầu hết các quốc gia sẽ áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt hơn nhằm giảm bớt gánh nặng nợ phát sinh từ các chính sách hỗ trợ khi đại dịch bùng phát, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến những thất bại đến từ một số ngân hàng lớn, phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Là một quốc gia với độ mở thương mại lớn, Việt Nam gần như không nằm ngoài tác động của các xu thế kể trên. Tuy nỗ lực ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng có thể thấy sau hơn một thập niên tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tỷ giá ổn định, Việt Nam cần định hình lại chiến lược phát triển và thu hút đầu tư cũng như chuyển dịch mục tiêu khách hàng xuất khẩu tiềm năng. Đây có lẽ là thời điểm quan trọng để tái cấu trúc lại nền kinh tế chuyển mình từ một nền kinh tế thâm dụng lao động sang một nền kinh tế thâm dụng công nghệ và tri thức.

Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề "Vượt gian khó đón tương lai" nhằm nhận định rõ những cơ hội, thách thức mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp. Các chia sẻ và tham luận tại hội thảo sẽ là cơ sở để tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Ban, Bộ ngành của Chính phủ trong xây dựng, điều hành chính sách. Hội thảo kinh tế lần này cũng nhằm giúp cho các ngân hàng, doanh nghiệp có những chiến lược kinh doanh ứng phó kịp thời với các điều kiện bấp bênh của thị trường kinh tế thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận