Tài sản số và thách thức cơ chế vận hành

Tài sản số và thách thức cơ chế vận hành

Tại hội thảo Góp ý Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ: "Chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 1.6, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng không nên né tránh khái niệm tài sản số trên các bộ luật, quy định hiện hành và cần đưa tài sản số vào khung pháp lý chung, thay vì chỉ nhìn nhận nó dưới góc độ của luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, việc thí điểm tài sản số thông qua cơ chế giám sát thử nghiệm có điều kiện (Regulatory Sandbox) là cần thiết.

Ngày 9.3.2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh "Đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ thuật số" nhằm chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá các lợi ích và rủi ro của những lĩnh vực liên quan. Ngày 20.4.2023, đến lượt Nghị viện châu Âu thông qua Đạo luật thị trường tài sản ảo (MiCA), nằm trong mục tiêu của Ủy ban châu Âu nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc ứng dụng blockchain và tài sản số trong ngành dịch vụ tài chính.

Và mới đây, cơ quan quản lý Hồng Kông áp dụng chính sách mới cho tài sản số từ ngày 1.6.2023, với mục tiêu đưa Hồng Kông thành trung tâm Fintech của châu Á. Văn bản luật được ban hành và điều chỉnh hướng vào tài sản số và tiền mã hóa do Ủy ban Chứng khoán và Hàng hóa tương lai (SFC) ban hành, hướng tới thúc đẩy 3 nhóm gồm: 1/ Sàn giao dịch tài sản ảo (Virtual Asset Trading Platforms - VATP), 2/ Quản lý tài sản ảo (Virtual Asset Management), 3/ Các nhà cung cấp dịch vụ fintech/blockchain (General Fintech/Blockchain Services).

Tài sản số (hay còn gọi là tài sản ảo) có thể được hiểu đơn giản là các loại tài sản vật lý hoặc không vật lý được thể hiện dưới dạng số hóa và lưu trữ trên các hệ thống máy tính hoặc mạng internet. Các loại tài sản số bao gồm tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh, sách điện tử, phần mềm, tiền mã hóa... Tài sản số có thể được chuyển đổi, sử dụng, lưu trữ và quản lý dễ dàng thông qua thiết bị điện tử và mạng internet. Chúng có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, giáo dục, y tế, truyền thông...

Ở Việt Nam, dù pháp luật chưa công nhận tài sản số nhưng cơ quan quản lý luôn tích cực thảo luận nhằm phát triển khung pháp lý cho ngành này, từ đó bảo vệ nhà đầu tư, khuyến khích phát triển các công nghệ liên quan và bắt kịp xu thế toàn cầu, cũng như tăng cường hoạt động chống rửa tiền, chống khủng bố liên quan đến tài sản số.

Tài sản số và thách thức cơ chế vận hành - Ảnh 1.

Ông Trung (áo trắng, bên trái) chia sẻ về "Tài sản số/Tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị"

Đó cũng là lý do mà Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: "Chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" vào ngày 1.6. Người chủ trì hội thảo là TS Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, ThS Bùi Thị Hòe là chủ nhiệm đề tài.

Trong khuôn khổ hội thảo, PGS-TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ThS Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, TS Trần Văn Biên - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật đã đưa ra các ý kiến đóng góp về đề tài. Bên cạnh đó, có các phát biểu từ đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp.

Thành phần tham dự hội thảo còn bao gồm các đại diện từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Viện Khoa học pháp lý, đại diện các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Cần đưa tài sản số vào khung pháp lý chung

Tại hội thảo, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có bài chia sẻ về "Tài sản số/Tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị", điểm qua khung pháp lý dành cho tài sản số của các khu vực lân cận như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo ông, quá trình xây dựng khung pháp lý ở những khu vực, quốc gia này là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.

Tài sản số và thách thức cơ chế vận hành - Ảnh 2.

Hội thảo góp ý Dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ: "Chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam"

Từ việc tham khảo khung pháp lý các quốc gia đi trước, ông Phan Đức Trung nêu quan điểm: "Tài sản số cần được đưa vào Khung pháp lý chung chứ không nên chỉ trong một hoặc vài luật chuyên ngành. Trong khung pháp lý chung đó, quyền sở hữu, tài sản và sở hữu trí tuệ… là nội dung cơ bản cần xác lập rõ ràng hơn. Đó là cách tiếp cận về kinh tế - chính trị (về quyền sở hữu) từ hệ thống luật cũ từng bước (như Luật Dân sự) trong khi chờ đợi làm luật mới".

Ngoài ra, cần thí điểm ứng dụng chính sách tài sản số trong một số phạm vi, lĩnh vực cụ thể thông qua cơ chế giám sát thử nghiệm có điều kiện (Regulatory Sandbox) từ địa phương như cách làm mô hình kinh tế mở hay đặc khu.

Theo ông Trung, xét thực tiễn Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng khung pháp lý phù hợp. Bởi Việt Nam đã có cơ sở để xét xử tranh chấp Dân sự và vụ án Hình sự liên quan đến lừa đảo, trộm cắp Bitcoin, tiêu biểu là vụ án truy thu thuế của thợ đào Bitcoin với Cơ quan thuế Bến Tre năm 2016, hay vụ án hình sự cướp tài sản số diễn ra từ năm 2020 hiện đang được xét xử.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nói: "Không nên né tránh các khái niệm ‘tài sản ảo’, ‘tài sản số’ trên hàng trăm bộ luật, văn bản quy định hiện hành và từ những khái niệm tài sản vô hình, tài sản trí tuệ...".

Đối với Việt Nam, việc xem xét các quy định để mang lại sự rõ ràng về mặt pháp lý cho tài sản số là điều cần thiết. Đại diện Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý rằng đây là những vấn đề rất mới và khó, các công nghệ sẽ tiếp tục phát triển nhanh và khó lường. Vì vậy, tại thời điểm này, chỉ có thể tiếp cận theo hướng theo dõi sự phát triển của công nghệ, thị trường, tăng cường học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các bên liên quan (doanh nghiệp, người tiêu dùng…) để từng bước đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận