Cộng hòa Maldives là một quốc gia quần đảo nằm ở Ấn Độ Dương nổi tiếng với quang cảnh đại dương tuyệt đẹp, cùng với những những bãi biển cát trắng và những khu nghỉ dưỡng sang trọng. Và trong khi đó là những lý do đủ để khiến nhiều người bỏ tiền ra ghé thăm nơi đây, thì quốc đảo này còn có một hòn đảo đặc biệt thu hút khách du lịch vì một lý do hoàn toàn khác: hiện tượng biển sao - Sea of Stars.
Màn trình diễn ánh sáng tự nhiên này được sịnh ra bởi những loài sinh vật phù du phát quang sinh học ở vùng biển xung quanh đảo Vaadhoo, chúng sẽ sinh ra những ánh sáng màu xanh lam khi gặp một số điều kiện thích hợp và tạo ra một khung cảnh như trong mơ.
Và đối với những người đủ may mắn để xem nó, đó là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời.
Hiện tượng biển sao của Maldives
Bất cứ ai đã từng đến Maldives đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những bãi biển ở đây. Quốc đảo Nam Á này nằm trên đường xích đạo ở Ấn Độ Dương, là nơi có 26 đảo san hô vòng và khoảng 1.190 đảo san hô.
Hàng năm, hơn một triệu khách du lịch đổ xô đến các hòn đảo của Maldives, nơi nổi tiếng là điểm đến sang trọng cho tuần trăng mật và khách du lịch nghỉ dưỡng.
Nhưng trong số nhiều bãi biển tuyệt đẹp của quốc gia, có một bãi biển nổi bật: bờ biển Vaadhoo, một hòn đảo nhỏ ở đảo san hô vòng Raa với chỉ khoảng 500 cư dân. Ở đó, nước biển có thể phát ra ánh sáng màu xanh và hiện tượng này được nhìn thấy rõ nhất vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.
Được người dân địa phương đặt tên là "Redhan lun", hiện tượng này còn được gọi là "Biển sao" vì sự giống nhau đến khó tin của nó với những ngôi sao trên bầu trời đêm.
Nguyên nhân cho hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này đã được các nhà khoa học lên tiếng xác nhận. Sự phát quang sinh học được tạo ra bởi một loại tảo biển có tên là "dinoflagellates". Woodland Hastings – một giáo sư thuộc Đại học Havard từng có một nghiên cứu trên loài sinh vật kỳ lạ này và phát hiện ra rằng trong màng tế bào của chúng có một kênh đặc biệt chuyên phản ứng với các tín hiệu điện từ xung quanh, tạo thành sự phát quang trong cơ thể.
Mặc dù ánh sáng này có thể xuất hiện trên một số bãi biển quanh Maldives, tuy nhiên đảo Vaadhoo được coi là vị trí đắc địa để xem nó. Tuy nhiên không phải ai đến Maldives cũng có thể ngắm nhìn hiện tượng tự nhiên thú vị này, bởi nó sẽ diễn ra một cách ngẫu nhiên và tùy thuộc vào một số điều kiện, bao gồm cả khí hậu và sự phát triển của sinh vật phù du phát quang.
Trên thực tế, ánh sáng xanh điện của hiện tượng này đến từ một phản ứng hóa học gọi là phát quang sinh học. Khi các loài tảo hai roi, một loại sinh vật phù du cực nhỏ, bị kích động bởi chuyển động của nước, chúng có thể giải phóng một chất hóa học gọi là luciferin. Khi luciferin trộn với oxy sẽ khiến cho thực vật phù du phát ra ánh sáng xanh.
Phản ứng đáng chú ý này hoạt động như một cơ chế bảo vệ chống lại những kẻ săn mồi, nhưng cũng có thể được kích hoạt bởi điều kiện biển khắc nghiệt hơn. Rất may, phát quang sinh học không gây hại cho con người và chúng ta có thể chạm vào và bơi trong nước một cách an toàn.
Tuy nhiên, điều tương tự không thể xảy ra đối với những kẻ săn mồi. Những động vật không may mắn ăn phải những vi sinh vật này sẽ bắt đầu tự phát sáng, điều này sẽ thu hút những kẻ săn mồi lớn hơn và cuối cùng chúng cũng sẽ bị ăn thịt.
Bạn có thể thấy phát quang sinh học ở đâu khác?
Đối với những người không có cơ hội tận mắt nhìn thấy hiện tượng biển sao ở Maldives, thì họ vẫn có thể nhìn được cảnh tưởng này ở những nơi khác vì các sinh vật phát quang sinh học vẫn có thể trôi nổi trong vùng nước của một số bãi biển khác trên thế giới.
Các bãi biển xuất hiện hiện tượng biển sao tồn tại ở khắp mọi nơi từ Leucadia ở California, đến Vịnh Mosquito ở Puerto Rico, đến quần đảo Lakshadweep ở Ấn Độ.
Và đối với những người không thể thực hiện hành trình đến bất kỳ nơi nào trong số này, những bộ phim nổi tiếng như "Life of Pi" cũng có thể cho thấy được vẻ đẹp đáng kinh ngạc của các sinh vật phát quang sinh học trên màn ảnh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: genk.vn
Tham gia bình luận