Cá chình xuyên thủng dạ dày kẻ săn mồi để chạy trốn

Cá chình xuyên thủng dạ dày kẻ săn mồi để chạy trốn

Dù chui được ra khỏi dạ dày, cá chình rắn vẫn không thể thoát khỏi xương lồng ngực trong cơ thể động vật săn mồi và cuối cùng trở thành xác ướp.

Nghiên cứu công bố hôm 27/5 trên tạp chí Memoirs of the Queensland Museum mô tả chi tiết số phận của một số loài động vật săn mồi ăn thịt cá chình rắn nhưng bị con mồi xuyên thủng dạ dày chui ra. Tuy nhiên, sau khi thoát khỏi dạ dày, cá chình rắn vẫn mắc kẹt bên trong cơ thể vật săn.

Cá chình rắn chủ yếu sống dưới lớp cát mềm ở đáy biển.
Cá chình rắn chủ yếu sống dưới lớp cát mềm ở đáy biển. (Ảnh: Guardian).

Các nhà khoa học đến từ Cơ quan ngư nghiệp Northern Territory, Dự án sưu tập cá Australia, Bảo tàng Queensland, Bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật Northern Territory, nghiên cứu cá chình rắn ở Australia. Cá chình rắn là một loài cá thuôn dài có khả năng bơi giật lùi nhanh bằng cách sử dụng chóp đuôi cứng.

Theo kết quả nghiên cứu, khi bị nuốt sống, cá chình rắn tìm cách đào đường ra ngoài. Chính phần đuôi với chóp cứng giúp chúng đục thủng thành dạ dày của động vật ăn thịt. Tuy nhiên, chúng vẫn không thể thoát ra ngoài và cuối cùng trở thành xác ướp trong ổ bụng vật săn. Đồng tác giả nghiên cứu, Jeff Johnson, nhà ngư học ở Bảo tàng Queensland, tiết lộ đôi khi những ngư dân tưởng nhầm cá chình rắn là một loại giun ký sinh khổng lồ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện xác ướp của 7 loài cá chình rắn mắc kẹt bên trong cơ thể 11 loài cá săn mồi khác nhau. Những loài này rất đa dạng và sống ở nhiều địa điểm, chứng tỏ hiện tượng này xảy ra trên phạm vi rộng. Nhiều khả năng loài cá ăn thịt thậm chí không nhận ra tác động.

"Những con cá ăn thịt có thể chịu đựng tổn thương. Đôi khi, bạn sẽ thấy con cá có vết thương đã lành. Có thể chúng hầu như không ý thức được điều gì đã xảy ra", Johnson giải thích.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận