Cây cầu gỗ 900 năm tuổi dài nhất Trung Quốc bị thiêu rụi

Cây cầu gỗ 900 năm tuổi dài nhất Trung Quốc bị thiêu rụi

Cây cầu vòm gỗ 900 năm tuổi có từ thời nhà Tống tại huyện Bình Nam, tỉnh Phúc Kiến bị thiêu rụi trong hỏa hoạn đêm 6/8.

Đám cháy đã được dập tắt sau khoảng 10 giờ, nhưng phần thân của cây cầu gỗ Wan'an đã bị thiêu rụi và sập trong 20 phút đầu tiên kể từ khi hỏa hoạn xảy ra. May mắn vụ hỏa hoạn không gây thương vong. Nguyên nhân gây hỏa hoạn đang tiếp tục được điều tra.

Hình ảnh cây cầu vòm lịch sử bị thiêu rụi.
Hình ảnh cây cầu vòm lịch sử bị thiêu rụi.

Chia sẻ với Global Times ngày 7/8, ông Xu Yitao, chuyên gia kiến trúc cổ đại tại Đại học Bắc Kinh, đưa ra nhận định rằng nguyên nhân gây hỏa hoạn có thể do hành vi của con người, không phải là thảm họa tự nhiên. Theo ông Xu, do cấu trúc gỗ nên cây cầu dễ cháy.

Cầu Wan'an là cây cầu vòm gỗ dài nhất Trung Quốc với chiều dài 98,2m, mang ý nghĩa giá trị văn hóa quan trọng, thể hiện sự tài tình của người Trung Quốc cổ đại trong thiết kế kiến trúc gỗ, đặc biệt trong việc xây dựng thành công cây cầu vòm gỗ có chiều dài như vậy.

Đây không phải lần đầu tiên cầu Wan'an gặp hỏa hoạn. Vào thời nhà Thanh (1644-1911), cây cầu cũng từng bị thiêu rụi và sau đó được dựng lại.

Theo các chuyên gia, vụ việc cho thấy cần thiết đẩy mạnh công tác bảo vệ các kiến trúc cổ bằng gỗ. Chia sẻ với Global Times ngày 7/8, ông Shan Jixiang công tác tại Học viện Di vật Văn hóa Trung Quốc, cho biết phòng ngừa hỏa hoạn là một trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất để bảo vệ các kiến trúc gỗ cổ đại.

Theo ông Xu Yitao, Trung Quốc đang áp dụng 4 biện pháp chính để giảm thiểu hư hại với các công trình kiến trúc cổ bao gồm sử dụng hệ thống giám sát để đảm bảo an ninh công trình; ngăn ngừa hư hại do sấm chớp; tăng cường công tác bảo vệ như đi tuần, kiểm tra; liên kết chặt chẽ với các đơn vị cứu hỏa địa phương.

Ông Xiao Fangping, nhà khảo cổ học kiến trúc tại thành phố Vũ Hán, cho rằng biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ các di vật kiến trúc là giáo dục hướng tới con người. Người dân nên có hành động ý thức và cần phải phổ biến, nâng cao kiến thức trong cộng đồng về giá trị của các cổ vật. “Bảo vệ cổ vật không chỉ là công việc của nhà nghiên cứu”, ông Xiao nhấn mạnh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận