Chuyên gia nói về việc sao biển chết khô

Chuyên gia nói về việc sao biển chết khô

Chuyên gia bảo tồn biển khẳng định sao biển sống được trên bãi cát khoảng một giờ nếu trời mát. Việc du khách để sao biển chết khô đã gây hình ảnh phản cảm tại đảo ngọc Phú Quốc.

Sao biển chết khô trên bãi biển ở Rạch Vẹm và Hàm Rồng thuộc xã Gành Dầu, TP Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục là chủ đề đặc biệt để du khách quan tâm.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Huỳnh Hữu Định cho biết không có việc sao biển mắc cạn rồi chết khô sau khi triều cường rút đi. Ông Định cho rằng sao biển chết khô trên bãi cát là do du khách bắt chúng lên để chụp ảnh nhưng không thả lại biển.

“Chúng tôi yêu cầu chủ quán và bảo vệ các quán ăn uống gần biển nếu thấy du khách bắt sao biển chụp ảnh thì hướng dẫn họ thả lại biển khi chụp ảnh xong”, ông Định nói.

Chuyen gia noi ve viec sao bien chet kho

Du khách thả sao biển xuống nước sau khi chụp ảnh tại xã Gành Dầu, Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Tuấn Anh.

Qua khảo sát thực tế của Zing cho thấy không riêng gì bãi biển ở Gành Dầu mà các xã Hàm Ninh, Cửa Cạn, phường An Thới và Dương Đông đều có sao biển chết khô trên bãi cát vì bị mắc cạn khi triều cường rút nhanh. Một số chủ quán ở Rạch Vẹm cũng xác nhận việc sao biển theo thủy triều lên bãi biển vào buổi sáng, khi nước rút chúng chết đi vì kẹt lại trên bãi cát.

Nói với Zing, ông Nguyễn Linh Ngọc, chuyên gia bảo tồn biển Phú Quốc khẳng định sao biển vướng lại bãi biển chết là có thật nhưng tỷ lệ ít. Đây cũng là quy luật bình thường của đa dạng sinh học.

Theo ông Ngọc, du khách bắt sao biển lên khỏi mặt nước để chụp hình vài phút rồi thả xuống biển thì chúng vẫn sống bình thường. Nhiều năm làm công tác bảo tồn biển, ông Ngọc khẳng định nếu trời không nắng nóng, sao biển có thể sống trên bãi cát khoảng một giờ.

“Chúng sống dưới biển, khi lên bờ chết là do mất nước. Sao biển mang lên bờ 5-7 phút không ăn thua gì”, ông Ngọc chia sẻ.

Vị chuyên gia bảo tồn biển cũng khẳng định sao biển không có giá trị kinh tế như hải sâm hay cá ngựa. Về mặt sinh học, loài hải sản này cũng không có giá trị gì. Tại xã Hàm Ninh, một số người phơi khô sao biển bán cho du khách ngâm rượu nhưng chưa có công trình khoa học nào xác định sao biển có giá trị y học.

“Sao biển là đối tượng hải sản bình thường. Nó không phải là động vật chỉ thị cho sinh thái nên không có ý nghĩa gì hết. Nó là loài giáp xác, chẳng ai ăn vì không có thịt. Du khách thích chủ yếu hình thù nó giống ngôi sao. Về mặt bảo tồn biển theo tôi biết cũng không quy định cấm khai thác sao biển vì loài này không có tên trong danh mục bảo tồn”, vị chuyên gia chia sẻ.

Từ những phân tích về sao biển, chuyên gia bảo tồn biển cho rằng hiện tượng sao biển chết chỉ gây phản cảm, vì du khách bắt lên bờ chụp ảnh mà không thả lại biển là điều đáng trách.

Theo Zingnews

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận