Cuộc sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ trở nên rất cô đơn

Cuộc sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ trở nên rất cô đơn

Lần đầu tiên sau một thập kỷ, sẽ chỉ có 3 phi hành gia làm việc tại đây trong 6 tháng.

Ở thời điểm này, có 6 phi hành gia sinh hoạt và làm việc trên ISS, cách mặt đất khoảng 408 km. Sớm thôi, sự cô đơn sẽ bủa vây nơi đây. Việc chậm trễ trong hoạt động chế tạo tàu vũ trụ mới để đưa các phi hành gia lên không gian khiến bộ 3 phi hành gia tiếp theo chuẩn bị tới ISS vào tháng 4/2020 sẽ phải ở đây trong suốt 6 tháng.

Đây cũng là lần đầu tiên ISS chỉ có 3 cư dân “thường trú” kể từ 2009, khi nó được cải tạo và mở rộng để đáp ứng thêm điều kiện làm việc, sinh sống. Ba phi hành gia tiếp theo được gửi lên ISS bằng trong tàu vũ trụ Soyuz gồm: Chris Cassidy , Nikolai Tikhonov và Andrei Babkin (Nga).

Kể từ khi dự án tàu con thoi Mỹ chấm dứt năm 2011, mọi chuyến bay chở phi hành gia đến ISS đều được thực hiện bởi tàu vũ trụ do Nga sản xuất, mỗi lần 3 người. Tàu Soyuz gắn vào ISS giống như chiếc xuồng cứu sinh là phương tiện trở về mặt đất của phi hành đoàn.

Trạm vũ trụ ISS được xem là
Trạm vũ trụ ISS được xem là "Liên Hợp Quốc trên không gian". (Ảnh: Getty)

Khó khăn cho nghiên cứu

Ba phi hành gia mới sẽ đến vài tuần sau đó. Vì vậy, ngoài những khoảng thời gian ngắn khi thành viên phi hành đoàn được thay đổi, thường có 6 phi hành gia Mỹ và Nga trên ISS.

Quy trình này đã hoạt động được gần một thập kỷ. Song NASA quyết định ký hợp đồng với SpaceX và Boeing để phóng phi thuyền đưa phi hành đoàn tới ISS từ năm 2020 thay vì dùng tàu Soyuz.

Nhưng việc phát triển các tàu không gian thương mại bị trì hoãn khi Boeing gặp rắc rối với hệ thống dù, trong khi của SpaceX nổ tung trong quá trình thử nghiệm.

Năm 2010, khi chuẩn bị đóng cửa chương trình tàu con thoi, NASA ký với các công ty thương mại hợp đồng trị giá 50 triệu USD thiết kế tàu vũ trụ vận tải. Nhưng các con tàu phải vượt qua bài kiểm tra an toàn nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng. Vì vậy, NASA quyết định nhóm phi hành gia tiếp theo sẽ chỉ có 3 người sống và làm việc trên ISS.

Tàu vũ trụ Crew Dragon bất ngờ phát nổ trong đợt thử nghiệm ngày 20/4/2019
Tàu vũ trụ Crew Dragon bất ngờ phát nổ trong đợt thử nghiệm ngày 20/4/2019. (Ảnh: Slashgear).

Trong những năm qua, các thí nghiệm thám hiểm của ISS rất quan trọng trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ. Những nhiệm vụ trước đây cho thấy tác dụng của vi trọng lực đối với cơ thể con người và nguồn gốc các tia vũ trụ.

Nhưng nếu phi hành đoàn phải bảo trì trạm, lực lượng phi hành đoàn “mỏng” như trên sẽ có ít thời gian cho các hoạt động nghiên cứu khác. Ruediger Seine, trưởng nhóm đào tạo không gian tại Trung tâm Du hành Vũ trụ châu Âu của ESA cho biết phần lớn thí nghiệm có thể được chỉ đạo từ mặt đất.

Các cơ quan không gian thực hiện thí nghiệm sẽ phải chọn dự án nào hiệu quả tối đa với quỹ thời gian eo hẹp của phi hành đoàn, đồng thời hủy bỏ hoặc tạm dừng những nghiên cứu quá phụ thuộc yếu tố con người.

Nương nhau những ngày "xa quê"

Sĩ số phi hành đoàn ít hơn đồng nghĩa phải chia sẻ tài nguyên thông tin nhiều hơn. Bản thân ISS được chia thành hai bên: Nga và Mỹ. Người Nga thường hoạt động tách biệt với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada.

Tuy nhiên với chỉ 3 người trên tàu, họ phải làm việc gắn kết hơn. Chỉ với một người Mỹ, hai người Nga buộc phải học cách sử dụng thiết bị Mỹ. Ví dụ, mỗi bên có đồ vũ trụ riêng với cách vận hành khác nhau, nhưng các phi hành gia đều phải học cách sử dụng cả hai.

Ngoài ra, bộ 3 phi hành gia sẽ phải chịu đựng những căng thẳng tinh thần trong công việc bên cạnh sự cô đơn. Không những thích nghi các tình huống mới lạ trong không gian, phi hành gia phải vật lộn với nguy cơ lo lắng và trầm cảm.

Các phi hành gia của ISS luôn bận rộn với công tác thí nghiệm nhưng vẫn sẽ có cơ hội giao lưu với nhau. Họ cố gắng có ít nhất một bữa ăn chung mỗi ngày cũng như trao đổi với bạn bè và gia đình.

Bên cạnh những áp lực công việc, nỗi nhớ nhà luôn là điều thường trực ở mỗi phi hành gia trạm ISS.
Bên cạnh những áp lực công việc, nỗi nhớ nhà luôn là điều thường trực ở mỗi phi hành gia trạm ISS. (Ảnh: NASA).

Michael Lopez-Alegria, người ở trên trạm vũ trụ lâu nhất của Mỹ cho đến nay, lên ISS vào năm 2006. Anh ta ở đó cùng 2 người khác, nhưng không cảm thấy quá cô đơn trong suốt nhiệm vụ.

“Tôi thích một đội có ít người, bởi chúng tôi có xu hướng gắn kết nhiều hơn. Sẽ có sự khác biệt văn hóa khi có nhiều người. Chúng tôi có một người Nga, tôi và người thứ ba là người Đức hoặc Mỹ, vì vậy chúng tôi thường dành nhiều thời gian hơn cho nhau”.

Lopez-Alegria thừa nhận ngắm Trái Đất từ cửa sổ giúp anh đỡ nhớ nhà. Vào năm 2010, một module quan sát được thêm vào ISS để tạo ra cửa sổ lớn hơn, giúp các phi hành gia giảm tải áp lực tâm lý.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận