Do đâu loài người đua nhau quay lại Mặt trăng trong 2019?

Do đâu loài người đua nhau quay lại Mặt trăng trong 2019?

Nửa thế kỷ sau khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên của con người lên Mặt trăng, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và cả Mỹ đang đua nhau quay lại nơi này.

Phần lớn những sự kiện về không gian trong năm 2018 liên quan đến tên lửa mới hoặc tàu vũ trụ thám hiểm nơi xa xôi. Năm 2019 dường như mọi nỗ lực đều tập trung vào một địa điểm: Mặt trăng.
Do dau loai nguoi dua nhau quay lai Mat trang trong 2019?
Ảnh đồ họa tàu Hằng Nga 4 hạ cánh xuống Mặt trăng. Ảnh: CNSA. 
Nhiều cơ quan vũ trụ có kế hoạch lớn đối với Mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Ngày 3/1, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu Hằng Nga 4 xuống bề mặt nơi này.
Cơ quan vũ trụ Ấn Độ cũng lên kế hoạch phóng tàu thăm dò Mặt trăng sau ngày 30/1. Vài tuần tiếp theo, tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9 sẽ mang tàu đổ bộ đầu tiên của Israel lên “chị Hằng”.
Công ty tư nhân SpaceIL cùng với 3 công ty đã vào chung kết cuộc thi Google Lunar XPrize gồm PTSellectists của Đức, Team Indus và Moon Express có trụ sở tại Florida, đều hướng đến mục tiêu đưa tàu lên Mặt trăng trong năm 2019.
Moon Express và đơn vị vào chung kết XPrize thứ năm, Astrobotic đã được chọn để hợp tác với NASA thực hiện các thí nghiệm trên Mặt trăng. Hồi tháng 11, trong một cuộc họp báo NASA đã công bố kế hoạch thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên lên Mặt Trăng trong năm nay.
Do dau loai nguoi dua nhau quay lai Mat trang trong 2019?-Hinh-2
Tàu Astrobotic có thể hạ cánh xuống Mặt trăng mang theo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Ảnh: Astrobotic.
Việc nhiều chương trình vũ trụ hướng đến Mặt trăng trong năm 2019 không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tháng 7 tới sẽ đánh dấu kỉ niệm 50 năm tàu Apollo hạ cánh xuống Mặt trăng và bước chân lịch sử của Neil Armstrong. NASA đã lên kế hoạch tổ chức kỷ niệm sự kiện này ở nhiều nơi tại Mỹ.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ có nhiều hoạt động trên Mặt trăng trong năm 2019. Sau khi Hằng Nga 4 hạ cánh thành công, người Trung Quốc sẽ tiến hành thu thập dữ liệu do tàu thăm dò này gửi về. Cuối năm nay, chương trình Hằng Nga 5 có thể sẽ khởi động để thực hiện các nhiệm vụ khác tại Mặt trăng.
Nhiều dự án ra mắt
Tất nhiên không phải mọi sứ mệnh không gian trong năm 2019 đều dành cho Mặt trăng. Một số dự án không gian khác đã được lên kế hoạch thực hiện.
SpaceX có thể đưa tên lửa đẩy Falcon Heavy khổng lồ vào hoạt động. CEO Elon Musk cũng đã khoe kế hoạch thử nghiệm Starship trong năm 2019. Đây là dự án phát triển tên lửa đủ sức đưa con người lên Mặt trăng, sao Hỏa và những nơi xa xôi hơn của SpaceX.
Do dau loai nguoi dua nhau quay lai Mat trang trong 2019?-Hinh-3
Hình ảnh Falcon Heavy trong thử nghiệm vào tháng 2/2018. Ảnh: SpaceX.
Một vụ phóng vệ tinh đáng chú ý khác được lên kế hoạch vào tháng 2. Tên lửa Nga Soyuz sẽ mang theo 10 vệ tinh OneWeb lên quỹ đạo với nhiệm vụ cung cấp đường truyền Internet băng thông rộng từ không gian.
SpaceX sẽ thực hiện dự án tương tự nhưng họ có đến 12.000 vệ tinh nhỏ. Tỷ phú Richard Branson, đồng hương của Musk và là chủ tịch Virgin Orbit tiếp tục có bước tiến mới trong dự án đưa người du lịch vũ trụ.
Ngoài ra, start-up BLue Origin do Jeff Bezos sở hữu cũng sẽ hợp tác với NASA để thực hiện các dự án khoa học ngoài không gian, sau đó cạnh tranh trực tiếp với Musk và Branson trong lĩnh vực du lịch vũ trụ đắt đỏ.
Những mục tiêu mới
Ngay từ đầu năm, các cơ quan hàng không vũ trụ đặt ra nhiều mục tiêu cho 12 tháng tới. Tàu vũ trụ New Horizons vừa lập kỷ lục bay xa 6,4 tỷ km, vượt qua vật thể Ultima Thule nằm trong vành đai Kuiper.
Do dau loai nguoi dua nhau quay lai Mat trang trong 2019?-Hinh-4
New Horizons vừa lập kỉ lục bay xa đến phần rìa Hệ mặt trời. Ảnh: Wired.
Một số tàu vũ trụ khác cũng nhận nhiệm vụ tiếp cận các vật thể không gian mới trong năm 2019. Hayabusa-2 của Nhật Bản và Osiris-Rex của NASA sẽ dành thời gian trong năm để chuẩn bị quét các tiểu hành tinh Ryugu và Bennu. Hayabusa-2 dự kiến sẽ thu thập được dữ liệu trong năm nay trong khi Osiris-Rex sẽ đợi đến năm 2020.
Ở một nơi khác, tàu Juno của NASA dự kiến bay qua sao Mộc thêm 7 lần trong năm 2019, hướng đến việc giúp con người hiểu rõ hơn về hành tinh bí ẩn này. Tàu Mars Insight sẽ bắt đầu khoan thăm dò bề sao Hỏa để thực hiện việc thu thập dữ liệu. NASA đã hạ cánh thành công tàu thăm dò này vào ngày 27/11/2018.
Đợt tiếp cận Mặt trời kế tiếp sẽ được thực hiện bởi Parker Solar, một tàu thăm dò đã được gửi đi trong năm 2018. Parker Solar sẽ thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin bầu khí quyển bao quanh ngôi sao khổng lồ này vào tháng 4 và tháng 9. Đến tháng 12, lần tiếp cận Mặt trời thứ 3 dự kiến sẽ phá vỡ kỉ lục tàu thăm dò bay gần Mặt trời nhất với sự hỗ trợ từ trọng lực của sao Kim.
Xem gì từ bầu trời trong năm 2019?
Năm nay sẽ diễn ra một loạt cơn mưa sao băng như thường niên, nhưng nhiều khả năng không xuất hiện sao chổi đáng chú ý nào.
Hiện tượng siêu trăng máu sẽ khiến cho người dân châu Mỹ thích thú vào ngày 20/1. Ngày 11/11 đã được đánh dấu trên lịch với sự kiện sao Thủy đi ngang Mặt trời. Ngoài ra, nhật thực toàn phần cũng xuất hiện tương tự sự kiện hồi tháng 8/2017 tại Mỹ nhưng lần này chỉ có dân cư tại một số vùng thuộc Nam Mỹ và nam Thái Bình Dương có thể xem.
Có thông tin cho rằng tiểu hành tinh 1999 KW4 sẽ bay ngang Trái Đất theo chu kì 18 năm một lần vào này 25/5. Đây là khối thiên thạch có kích thước bằng một thị trấn nhỏ, đường kính 3 km được xếp vào loại nguy hiểm. Tuy nhiên khi di chuyển qua Trái Đất, 1999 KW4 cách chúng ta đến 5 triệu km.
Theo Nguyễn Mai/Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận