Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Với Jiddu Krishnamurti, giáo dục là một hoạt động thiêng liêng mà ở đó, việc truy vấn để hiểu ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn quan trọng hơn việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện.

Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) là một trong những tư tưởng gia quan trọng bậc nhất của thế kỷ XX, một đạo sư được nhiều người mến mộ. Trong phần lớn cuộc đời mình, những gì ông nói và viết giành được cả sự quan tâm lẫn gây tranh cãi. Những quan sát và tri kiến của ông về tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, truyền thống, tổ chức và giáo dục thường trái ngược với những quy ước đương thời. Đặc biệt, tư tưởng của ông về giáo dục rất cấp tiến và từng bị bác bỏ hoặc bị cho là không thực tế. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ Krishnamurti luôn nhấn mạnh giáo dục như một hoạt động thiêng liêng trong thời đại mà hầu hết mọi người coi đó là một quá trình chuẩn bị để thành công trong thế giới thế tục.

.

Trong cuốn Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (tên gốc: Education and the Significance of Life), ông viết: Nếu được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng. Cuộc sống có ý nghĩa rộng lớn hơn và cao cả hơn tất cả những điều đó, và nền giáo dục phỏng có ích gì nếu như nó chẳng thể giúp ta khám phá ra ý nghĩa ấy?

Theo Krishnamurti, muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta buộc lòng phải truy vấn để hiểu ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó. Đồng thời, Krishnamurti chỉ ra một thực trạng: với hầu hết mọi người, việc xem xét toàn thể ý nghĩa cuộc sống không phải là điều tối quan trọng, họ ưu tiên các giá trị thứ yếu, ưu tiên việc tinh thông trong một lĩnh vực nào đó thay vì trí tuệ đích thực.

Đối sánh với giáo dục lý tưởng là hệ thống giáo dục hiện nay, chỉ chú tâm vào nền tảng cá nhân và sự tích lũy thông tin để vượt qua các kỳ thi, đó là một hệ thống gắn liền với những nỗi lo sợ mang tính phòng vệ bản thân. Krishnamurti cho rằng, kiểu đào tạo mà tất cả học sinh đều được khuyến khích kiếm lợi ích và sự an toàn cho chính mình chắc chắn đẩy chúng ta và cả thế giới vào trạng thái hỗn loạn, đau khổ.

Hệ thống giáo dục ngày nay hướng tới mục tiêu đào tạo những đứa trẻ thành những kỹ sư lỗi lạc, những nhà khoa học cừ khôi, những nhà điều hành đa năng, những người thợ có năng lực,... nhưng không giúp làm thuyên giảm, thậm chí còn làm gia tăng những hiềm thù giữa con người, gia cố thêm “bản ngã” của mỗi cá nhân. Hệ thống đó không quan tâm đến con người mà chỉ chăm chăm áp đặt những khuôn mẫu hành xử mới và phương thức suy nghĩ mới cho người học.

Giáo dục hiện nay đã cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi, chỉ càng dìm ta lún sâu vào trạng thái hỗn loạn và hủy hoại.

Có vẻ như đó là một hệ thống đã rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống. Cha mẹ, những người thầy luôn có một lý tưởng để khuôn đúc con cái, học trò, dù lý tưởng đó có tinh vi và được đánh bóng đến đâu thì triết lý giáo dục tôn thờ lý tưởng sẽ luôn thiếu vắng tình yêu và thấu hiểu đích thực.

Krishnamurti nhấn mạnh: thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ, vì thế nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình chứ không chỉ đơn thuần là nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật; nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.

Nhà trường lý tưởng sẽ luôn là những cơ sở giáo dục có sĩ số nhỏ, lượng học sinh hạn chế và được quản lý bởi những nhà giáo dục chân chính. Đó là điều hiệu quả hơn so với những phương pháp giáo dục tiên phong, hứa hẹn nhất trong những trường viện rộng lớn. Cũng cần lưu ý rằng, những quan điểm giáo dục của Krishnamurti không thực sự là mới mẻ, thực ra chúng đã có nhiều tiền thân – đó là các lý thuyết giáo dục của Rousseau, Pestalozzi, Fröbel và Montessori.

Krishnamurti đã có cơ hội hiện thực hóa triết lý giáo dục đặc biệt của mình qua việc thành lập một vài cơ sở giáo dục quy mô nhỏ, ví dụ như trường Brockwood Park School ở vương quốc Anh chỉ có 70 học sinh độ tuổi từ 14 đến 19.

Các trung tâm giáo dục mà Krishnamurti thành lập luôn ngự ở trong các công viên hoặc vùng nông thôn, nơi có quang cảnh tuyệt vời. Vì theo ông, vẻ đẹp thiên nhiên rất quan trọng, nó làm gia tăng sự nhạy cảm với cái đẹp nói chung nơi học trò, là một điều thiết yếu với sự phát triển lành mạnh của một đứa trẻ.

Trong những trung tâm giáo dục của Krishnamurti bao giờ cũng có một khu vực đặc biệt để học sinh có thể suy tưởng trong im lặng tuyệt đối. Ông thường nói với người học về tầm quan trọng của tâm trí tĩnh lặng và những khoảng thời gian “không làm gì” trong ngày để quan sát suy nghĩ của mình.

Vậy nền giáo dục đúng đắn khởi đầu từ đâu? Với Krishnamurti, đó là từ sự chuyển hóa của bản thân nhà giáo dục. Ông yêu cầu chúng ta phải học trở thành người có lòng trắc ẩn, biết bằng lòng với cái tối thiểu và tìm kiếm cái Tối cao, chỉ khi đó chúng ta mới có thể chuyển hóa tích cực người khác. Thảo luận xem giáo dục đúng đắn là gì trong khi chính ta còn bị quy định bởi những dục vọng tầm thường là việc làm phù phiếm, vô ích. Nhà giáo dục sẽ không thể đem lại giá trị mới khi chính bản thân anh ta là con người vị kỷ và chưa từng tiếp chạm đến cái chân thực trong đời sống.

Trong chương 6 của cuốn sách, Krishnamurti đề cập đến một điều rất thú vị: khả năng chuyển hóa, giáo dục lẫn nhau trong mối quan hệ thầy-trò đích thực. Khi giúp học sinh hướng tới tự do, nhà giáo dục cũng đang thay đổi các giá trị của chính mình; anh ấy cũng bắt đầu thoát khỏi “cái tôi” và “của tôi”, anh ấy cũng đang nở hoa trong tình yêu và lòng tốt.

Krishnamurti là một con người có số phận đặc biệt. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã được “tiên tri” trở thành một vị Thầy Thế giới trong tương lai. Krishnamurti được hưởng một nền giáo dục đặc biệt với kỳ vọng sẽ trở thành giáo chủ của hội Ngôi Sao Phương Đông. Nhưng sau chục năm chuẩn bị, cuối cùng Krishnamurti đã tuyên bố giải thể dòng tu này, không ngừng nhấn mạnh “Sự thật là một vùng đất không có con đường” (Truth is a pathless land). Krishnamurti là một nhà giáo dục, một giáo chủ đặc biệt theo cách như thế. Suốt cả cuộc đời, ông luôn nhấn mạnh rằng, để tìm ra chân lý, những điều ý nghĩa và giá trị đích thực, mỗi người cần phải tự thân dấn bước trên hành trình, không dựa vào một triết thuyết, một lý tưởng siêu hình nào. Việc tìm ra một nền giáo dục đúng đắn cũng như vậy, chỉ có cách hướng vào bên trong và tìm ra những câu trả lời mà thôi.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận