Hồi sinh nhà thờ Đức Bà Paris bằng robot tối tân?

Hồi sinh nhà thờ Đức Bà Paris bằng robot tối tân?

Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng cách đây hơn 850 năm bởi những nghệ nhân hàng đầu, và sau vụ hỏa hoạn hôm 15/4, công trình có thể sẽ được tu sửa bằng những robot tối tân.

Sau khi đám cháy được dập tắt, những hình ảnh đầu tiên về không gian bên trong của Nhà thờ Đức Bà Paris ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng toàn thế giới, đặc biệt là những chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu di tích. Và họ đều cho rằng để khôi phục công trình kiến trúc 850 tuổi trở lại vẻ huy hoàng như quá khứ, cần sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất của tương lai.
Ngay cả trước khi các kỹ sư có thể tiếp cận đống đổ nát của mái vòm nhà thờ, các chuyên gia thiết kế và nhà bảo tồn kiến trúc đã xem xét những công nghệ hiện đại nhất có thể để áp dụng chúng vào quá trình tu sửa một trong những công trình biểu tượng của châu Âu.
Họ cho rằng đây là công việc đầy rủi ro, nhưng phải chấp nhận điều đó vì tương lai của công trình được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Hoi sinh nha tho Duc Ba Paris bang robot toi tan?
Không gian bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi phần mái vòm sụp xuống vì bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn. Ảnh: Reuters.
Những người điều hành dự án tu sửa Nhà thờ Đức Bà nhiều khả năng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia từng xử lý thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và vụ cháy Bảo tàng Quốc gia Brazil. Ở Nhật Bản, robot thử nghiệm đã được sử dụng để làm việc ở những nơi con người không thể đặt chân tới. Trong khi đó, ở Brazil, các chuyên gia đã sử dụng công nghệ số mới nhất để tái tạo các chi tiết bị phá hủy trong ngọn lửa.
Công nghệ mới cứu kiến trúc cũ
Câu hỏi lớn nhất với các kỹ sư và nhà bảo tồn trong trường hợp của Nhà thờ Đức Bà Paris là làm sao để kết hợp giữa công nghệ mới nhất của thế kỷ 21 với nghệ thuật thủ công và kiến trúc thời trung cổ, để bảo toàn vẻ cổ kính và sống động của thánh đường.
Bà Katherine Malone-France, giám đốc bảo tồn của Ủy ban Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử, tổ chức tư nhân phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, nhận định: "Đây sẽ là sự giao thoa rất thú vị giữa công nghệ tối tân và các nghệ thuật thủ công truyền thống, cả thế giới sẽ chú ý đến kết quả của quá trình này".
Một số công nghệ sẽ được sử dụng trong quá trình tu sửa Nhà thờ Đức Bà, đã xuất hiện trước mắt mọi người từ trước đó. Khi hỏa hoạn bùng phát phía trên mái vòm của công trình hôm 15/4, hàng trăm lính cứu hỏa đã cố gắng để khống chế ngọn lửa, và hỗ trợ họ là 2 chiếc drone (máy bay điều khiển từ xa) với camera độ nét cao, bay quanh đám cháy để theo dõi tình hình.
Le Parisien cho biết, hai chiếc drone này, thuộc dòng Mavic Pro và Matrice M210, được sản xuất bởi công ty Trung Quốc DJI Technology, đã giúp lính cứu hỏa Paris trong việc đặt vị trí vòi nước để kiểm soát ngọn lửa, ngăn nó lăn sang hai tòa tháp chuông bằng đá của nhà thờ.
"Nhờ những chiếc drone này, với công nghệ mới phù hợp để sử dụng cho ngày nay, chúng tôi đã có thể đưa ra quyết định chiến thuật để ngăn cản ngọn lửa khi nó đang bao quanh hai tòa tháp chuông", người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Paris, ông Gabriel Plus cho biết.
Hoi sinh nha tho Duc Ba Paris bang robot toi tan?-Hinh-2
Lính cứu hỏa Pháp theo dõi hình ảnh gửi về từ drone để đưa ra quyết định chữa cháy. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp.
Trong khi đó, ở dưới mặt đất, một robot chữa cháy có tên Colossus phun nước vào gian giữa thánh đường, làm giảm nhiệt độ của căn phòng đầy kính.
Các chuyên gia cho rằng, trong những tháng quan trọng sắp tới, nhiều công nghệ trong số này sẽ được sử dụng để khôi phục hình hài và vẻ uy nghi của tòa thánh đường được xây dựng từ thời trung cổ.
Dữ liệu có sẵn từ trò chơi điện tử
Bước đầu, drone sẽ được sử dụng để điều tra các khu vực bên trong nhà thờ, những nơi quá nguy hiểm hoặc đã bị phá hủy quá nhiều mà con người không thể lui tới.
Jerry Hajjar, giáo sư kỹ thuật dân dụng tại Đại học Northeastern, cho biết drone có thể được trang bị các cảm biến - ví dụ như camera cỡ nhỏ hoặc máy quét laser - cho phép kỹ sư ghi lại các thiệt hại do đám cháy gây ra. Nó cũng sẽ cung cấp hình ảnh 3 chiều chi tiết về các vị trí cụ thể bên trong nhà thờ.
Ông Hajjar cho biết một số loại cảm biến khác có thể nhìn xuyên qua bức tường đá của nhà thờ, tương tự như tia X, và qua đó cung cấp thông tin về tính chất của công trình và mức độ chịu áp lực của cấu trúc bên dưới. Tuy nhiên với một công trình cao đến gần 70 m như Nhà thờ Đức Bà Paris, drone sẽ phải di chuyển ở độ cao lớn, khiến cho thời lượng pin của nó bị ảnh hưởng.
Một phương pháp khác với sự xuất hiện của robot nhiều khả năng được sử dụng để đánh giá thiệt hại vụ cháy. "Vai trò của robot trở nên quan trọng hơn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các chuyên gia không muốn đưa người vào trong vì điều đó quá nguy hiểm, thay vào đó, các robot được sử dụng để chụp lại hiện trạng bên trong một số khu vực của nhà máy", ông Hajjar chia sẻ.
Vào năm 2015, ông Andrew Tallon, giáo sư giảng dạy ngành nghệ thuật tại Đại học Vassar, chia sẻ với National Graphic rằng ông đã hoàn thành bản vẽ chi tiết toàn bộ Nhà thờ Đức Bà Paris thông qua công nghệ quét 3 chiều. Các chuyên gia cho rằng công trình của Tallon sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho quá trình tu sửa báu vật kiến trúc của nước Pháp.
Một trò chơi điện tử nổi tiếng cũng có thể giúp ích cho quá trình tu sửa nhà thờ. Caroline Miousse, nghệ sĩ tham gia thiết kế game Assassin's Creed, cho biết cô dành 2 năm để tạo dựng mô hình Nhà thờ Đức Bà Paris trong trò chơi, giống công trình thực tế từ bên trong tới bên ngoài.
May mắn của nước Pháp
Khi các kỹ sư có có đủ dữ liệu về cấu trúc bên trong nhà thờ, họ sẽ có thể thiết kế một mái vòm phù hợp. Họ sẽ phải quyết định xem có sử dụng gỗ làm nguyên liệu cho phần việc này hay không, dù cho nó sẽ làm cho hệ thống mái nhẹ hơn, và dễ dàng hơn để điêu khắc các họa tiết. Nhưng nếu không thể làm việc này với gỗ, các chuyên gia có thể tính tới việc dùng khung thép cho mái vòm nhà thờ.
Ông Gary Howes, người điều hành Durable Group, công ty chuyên trùng tu các di tích lịch sử, cho rằng việc tái tạo những gì đã mất không phải là công việc khó nhất, mà làm sao để hài hòa hình ảnh quá khứ và những quy chuẩn kiến trúc hiện đại.
"Dự án này sẽ thiên nhiều về cảm xúc hơn là cấu trúc. Mọi người đều muốn thánh đường sẽ giống như xưa, giống như hình ảnh mà họ nhớ về nó", ông Howes nhận định.
May mắn là Pháp sở hữu những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực trùng tu di tích, so với phần còn lại của thế giới. "Rất nhiều trong số những nghệ nhân hàng đầu thế giới sống ở Pháp. Dù đó là việc trùng tu hay sáng tạo, họ không để mất đi những tính chất truyền thống như ở Mỹ. Năm nào chúng tôi cũng tới đó để học hỏi từ họ", ông Howes chia sẻ.
Tại Brazil, các chuyên gia đã sử dụng dữ liệu 3 chiều để tái tạo lại những vật phẩm bị phá hủy trong vụ cháy Viện Bảo tàng Quốc gia. Nếu các chuyên gia Pháp có dữ liệu tương tự về Nhà thờ Đức Bà, họ có thể sử dụng nó để khôi phục những phần đã bị hủy hoại trong đám cháy hôm 15/4, trong đó có phần chóp mái vòm.
Theo Sơn Trần/Zing News

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận