Khoa Học - Công Nghệ

Khoa Học - Công Nghệ

Người La Mã đã làm chủ công nghệ nano và ứng dụng trong trang trí.


Một chiếc cốc rượu kỳ lạ xuất hiện tại bộ sưu tập của Bảo tàng Anh Quốc vào thập niên 1950. Nó là bảo vật thời La Mã làm bằng lam ngọc có niên đại 1600 năm, gọi là Chiếc cốc Lycurgus.

Cốc Lycurgus, Người La Mã đã làm chủ công nghệ nano

Chiếc cốc Lycurgus (ảnh: Bảo tàng Anh Quốc/CC BY CN SA 4.0)

Hình ảnh được chạm khắc là vị vua Lycurgus của xứ Thrace, nhưng điều làm nó khác biệt lại là hiệu ứng khi chiếu ánh sáng vào. Nếu chiếc cốc được chiếu sáng từ đằng trước, nó có màu xanh lục của ngọc, nhưng khi được chiếu sáng từ đằng sau, nó có màu đỏ như máu.

Thời đó các nhà khoa học đã rất bối rối trước hiện tượng này, họ không thể hiểu tại sao người La Mã có thể tạo ra hiệu ứng như vậy. Nhưng giờ thì chúng ta đã biết.

Câu trả lời đến vào năm 1990. Các nhà nghiên cứu người Anh đã xem xét một vài mảnh vỡ của thủy tinh dưới kính hiển vi. Họ phát hiện rằng những người thợ thủ công chế tạo chiếc ly rượu này đã đi tiên phong trong công nghệ nano. Những vi hạt vàng và bạc nhỏ xíu đã được thêm vào thủy tinh, nhỏ tới mức chỉ rộng 50 nanomet – chỉ bằng 1/1000 kích thước một hạt muối ăn.

Cốc Lycurgus, Người La Mã đã làm chủ công nghệ nano

Thủy tinh La Mã khi được chiếu sáng từ đằng sau. (ảnh: Bảo tàng Anh Quốc/CC BY CN SA 4.0)

Nhiều người có thể cười nhạo ý kiến rằng người La Mã cổ đại có đủ trình độ để làm một việc như vậy. Nhưng tác phẩm này có độ chính xác rất cao và không thể nào đây chỉ là chuyện tình cờ. Việc các vi hạt vàng và bạc được trộn vào chiếc cốc đã khẳng định người La Mã có khả năng kiểm soát các hạt nano ở mức nhất định.

Ánh sáng làm cho các hạt kim loại trong thủy tinh dao động và thay đổi màu sắc của chiếc cốc tùy theo hướng bạn nhìn nó. Nhà khảo cổ Ian Freestone của Đại học London đã tán dương tác phẩm La Mã cổ đại này là “một kỳ công đáng kinh ngạc.”

Cốc Lycurgus, Người La Mã đã làm chủ công nghệ nano

Một mặt khác của chiếc cốc Lycurgus (ảnh: Bảo tàng Anh Quốc/CC BY CN SA 4.0)

Tuy người La Mã chỉ dùng công nghệ này vào trang trí, nhưng công nghệ nano đã được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống ngày nay. Ví dụ, dùng để chẩn đoán bệnh và phát hiện các mối đe dọa sinh học ở điểm kiểm tra an ninh.

Ngày nay, các nhà khoa học đã nhận thấy vô số tiềm năng của công nghệ nano. Kỹ sự Gang Logan Liu tại đại học Illinois đã cùng đồng sự tiến hành nghiên cứu phản ứng của nano bạc và vàng với nhiều loại dung môi.

Họ đã tạo ra hỗn hợp các hạt nano của 2 kim loại tương tự như ở chiếc cốc Lycurgus. Sau đó trộn các vi hạt này với nước, dầu, đường và muối. Kết quả cho thấy những màu sắc khác nhau tùy theo loại chất được trộn thêm vào. Thú vị hơn nữa, họ nhận thấy các mẫu mới tạo ra này nhạy cảm với muối hơn 100 lần so với các cảm biến thương mại ngày nay.

Ứng dụng cho những tính năng này là vô số. Biết đâu một ngày nào đó các mẫu này sẽ được đưa vào trong thiết bị cầm tay để tìm nguồn bệnh trong nước bọt hoặc mẫu nước tiểu, hoặc tạo ra các thiết bị giúp nhân viên an ninh loại bỏ chất lỏng nguy hiểm khi hành khách lên máy bay?

Khoa Học - Công Nghệ

Một dung dịch chứa các lượng nano vàng khác nhau (ảnh: Aleksandar Kondinski/ CC BY SA 4.0 )

Như bạn có thể thấy, người La Mã có công nghệ tiên tiến ở một số lĩnh vực hơn đa số mọi người vẫn tưởng. Họ giỏi hơn chúng ta không chỉ ở công nghệ nano. Ví dụ, các nhà khoa học đã phát hiện loại bê tông La Mã 2000 năm dưới những con sóng của biển Địa Trung Hải mà vẫn rắn chắc hơn bê tông ngày nay, đồng thời cũng thân thiện với môi trường hơn. Có vẻ như việc tìm tòi công nghệ cổ đại chính là chìa khóa cho những khám phá lớn tiếp theo của chúng ta trong tương lai.

April Holloway, Ancient-Origins.net,
Phong Trần

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận