Khoảng trống hiểu biết về phản ứng của động vật có vú với biến đổi khí hậu

Khoảng trống hiểu biết về phản ứng của động vật có vú với biến đổi khí hậu

Có những lỗ hổng đáng kể trong kiến thức của chúng ta về cách các quần thể động vật có vú ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu - theo một đánh giá khoa học mới.

Gần 25% các loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng, và nguy cơ này càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nhưng biến đổi khí hậu tác động theo những cách khác nhau đến đời sống động vật, chẳng hạn như tỷ lệ sinh sản hoặc tỷ lệ sống sót - hai trong nhiều loại tỷ lệ nhân khẩu học. Trong khí đó, hầu hết các nghiên cứu về động vật có vú trên cạn chỉ xem xét một trong nhiều tỷ lệ nhân khẩu học như vậy tại một thời điểm, không thể cho thấy bức tranh đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu lên động vật có vú.

Đánh giá mới được công bố trên Journal of Animal Ecology của Hiệp hội Sinh thái Anh do một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ 15 tổ chức khác nhau trên toàn cầu thực hiện. Theo đó, nhóm đã tìm kiếm các nghiên cứu dựa trên tên loài của 5.728 động vật có vú trên cạn, nhằm tìm ra các nghiên cứu định lượng mối quan hệ giữa các tỷ lệ nhân khẩu học (sinh sản, tử vong, giới tính, v.v...) và các biến khí hậu, chẳng hạn như lượng mưa và nhiệt độ.

Kết quả, họ chỉ tìm thấy 106 nghiên cứu xem xét cả tỷ lệ tồn tại và sinh sản cùng một lúc. Số nghiên cứu này bao phủ 87 loài và chiếm chưa đến 1% tổng số động vật có vú trên cạn.

"Các nhà nghiên cứu thường công bố kết quả về tác động của khí hậu đối với sự sống còn hoặc sự sinh sản - không phải cả hai", TS Maria Paniw ở Đại học Zurich, tác giả chính của đánh giá, cho biết.

Ví dụ, nhiệt độ cao hơn có thể làm giảm số lượng con cái, nhưng nếu con cái có cơ hội sống sót cao hơn vì ít phải cạnh tranh hơn, thì kích thước quần thể chưa chắc bị ảnh hưởng. Mặt khác, nếu nhiệt độ cao hơn làm giảm cả tỷ lệ sinh sản và tỷ lệ sống sót, thì nghiên cứu chỉ một trong hai tỷ lệ này có thể đánh giá thấp tác động lên quần thể.

Đánh giá cũng cho thấynhững khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu cũng lại là nơi có ít nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với động vật. Có nghĩa là, chúng ta đang biết rất ít về các tác động khí hậu ở chính các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên vì thiếu dữ liệu về các loài động vật có vú sống ở các khu vực núi cao. Trong khi biến đổi khí hậu được cho là sẽ rất rõ rệt ở những vị trí cao như vậy", TS Paniw nói. "Đánh giá của chúng tôi chỉ tìm thấy nghiên cứu về một số loài núi cao, chẳng hạn như kỳ đà bụng vàng và pikas cao nguyên".

Theo Paniw, "Có nhiều lý do khiến dữ liệu này không được thu thập. Một là việc thu thập dữ liệu như vậy đòi hỏi đầu tư dài hạn mà không mang lại lợi nhuận tức thì, điều này không được nhiều cơ quan tài trợ ưa chuộng và cũng là thách thức về mặt hậu cần. Những thách thức này càng phức tạp ở các vùng dễ bị tổn thương về khí hậu, bao gồm nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu sinh thái dài hạn."

Ngoài ra, đánh giá mới này làm dấy lên lo ngại rằng khoảng trống dữ liệu thậm chí còn lớn hơn đối với các nhóm động vật ít được nghiên cứu hơn so với động vật có vú trên cạn, chẳng hạn như côn trùng và lưỡng cư.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách thực hiện các đánh giá tương tự trên các nhóm động vật ít được nghiên cứu hơn. Paniw bày tỏ muốn thúc đẩy sự hợp tác nhằm lấp đầy "những khoảng trống kiến ​​thức được xác định mới đây".

Nguồn:

https://phys.org/news/2021-04-dont-mammals-climate-scientists.html

https://besjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1365-2656.13467

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận