Lần đầu phát hiện người tiểu ra cồn

Lần đầu phát hiện người tiểu ra cồn

Một người phụ nữ được ghi nhận có tình trạng y tế bất thường khi tự “ủ men” trong bàng quang và đi tiểu ra... ethanol.

Mới đây Annals of Internal Medicine đã công bố trường hợp một bệnh nhân nữ 61 tuổi tại Pittsburgh có tình trạng bệnh lý bất thường. Cụ thể, sau khi bị tổn thương gan và bệnh tiểu đường nặng, người phụ nữ này đến Trung tâm y tế Đại học Pittsburgh - Bệnh viện Presbyterian để đặt lịch chờ ghép gan.

Các bác sĩ xét nghiệm và phát hiện nồng độ ethanol (cồn) trong nước tiểu cao. Tuy nhiên, bệnh nhân phủ nhận việc sử dụng rượu hay đồ uống có cồn.

“Những lần thăm khám đầu, chúng tôi đều nghĩ bà ấy cố tình che giấu việc uống rượu. Vấn đề đáng lưu ý là kết quả xét nghiệm ethanol trong huyết tương, ethyl glucuronide và ethyl sulfate (các chất chuyển hóa của ethanol) trong nước tiểu đều âm tính. Nhưng kết quả xét nghiệm ethanol trong nước tiểu lại dương tính”- các bác sĩ kết luận.

Một điểm kỳ lạ nữa là nồng độ glucose trong nước tiểu của bệnh nhân khá cao. Tình trạng này được gọi là tăng đường huyết. Mẫu bệnh phẩm cũng cho thấy sự xuất hiện của nhiều nấm men.

Mẫu nước tiểu của bệnh nhân chứng minh quá trình lên men ngay trong cơ thể.
Mẫu nước tiểu của bệnh nhân chứng minh quá trình lên men ngay trong cơ thể. (Ảnh: Getty).

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã chạy thử nghiệm xem loại nấm này có thể lên men sản xuất ethanol hay không. Kết quả đúng như dự đoán, loại nấm men được xác định là Candida glabrata, xuất hiện tự nhiên phổ biến trong cơ thể người và liên quan đến men bia. Candida glabrata lên men từ glucose ngay trong bàng quang của bệnh nhân dẫn đến nước tiểu chứa cồn.

Rất tiếc các phương pháp điều trị bằng thuốc chống nấm không hiệu quả do bệnh tiểu đường của bệnh nhân khá nặng.

Đây là trường hợp sản xuất ethanol trong bàng quang đầu tiên được ghi nhận ở người sống. Trước đây từng có một ca tương tự nhưng trên bệnh nhân đã tử vong. Các bác sĩ cho rằng có thể một số bệnh nhân khác cũng gặp tình trạng đặc biệt này nhưng không được công nhận do tính chất bất thường và hiếm gặp của bệnh lý.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận