Lần đầu tiên phát hiện virus Ebola ký sinh trên dơi tại Tây Phi

Lần đầu tiên phát hiện virus Ebola ký sinh trên dơi tại Tây Phi

Giới chức Liberia công bố các nhà khoa học quốc tế vừa tìm thấy chủng virus Ebola mới trong một loài dơi tại nước này và đây là lần đầu tiên loại virus chết người này được tìm thấy sống ký sinh trên một loài vật chủ tại khu vực Tây Phi.

Bộ Y tế Liberia cho biết nhóm các nhà khoa học từ Đại học Columbia đã tìm thấy tế bào virus Ebola và các kháng thể với virus Ebola trong cơ thể loài dơi "móng dài"’ sống rải rác tại tỉnh Nimna của Liberia. Mặc dù trước đó virus Ebola đã được phát hiện sống ký sinh trên nhiều loại dơi tại Trung Phi nhưng đây là lần đầu tiên lại virus này được phát hiện trong một loài dơi sống ở khu vực Tây Phi.

Kết quả những thí nghiệm ban đầu cho thấy đây là virus có họ hàng với Zaire - một chủng virus Ebola từng hoành hành tại khu vực Tây Phi khiến 30.000 người bị lây bệnh từ năm 2013-2016. Ngoài ra, chính chủng virus Ebola này cũng là thủ phạm khiến hơn 400 người thiệt mạng tại Cộng hòa Dân chủ Congo kể từ tháng 7/2018 và biến nước này thành một ổ bệnh Ebola lớn thứ hai trong lịch sử.

Theo Bộ Y tế Liberia, hiện chưa phát hiện bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola chủng Zaire vì kể từ khi đại dịch Ebola chấm dứt tại Liberia năm 2016, quốc gia này chưa ghi nhận thêm ca nhiễm virus nào. Tuy nhiên, đây là phát hiện rất quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu rõ thêm về nguồn gốc thực sự và cơ chế lây lan của loại virus nguy hiểm này.

Đây là lần đầu tiên lại virus này được phát hiện trong một loài dơi sống ở khu vực Tây Phi.
Đây là lần đầu tiên lại virus này được phát hiện trong một loài dơi sống ở khu vực Tây Phi.

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2019, các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore phát hiện ra Mengla - một chủng virus có liên quan chặt chẽ với virus Ebola trong một loài dơi chuyên ăn hoa quả ở huyện Mãnh Lạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học này cho biết virus Mengla lây nhiễm trực tiếp từ khỉ, vượn, chuột đồng, chó sang người và có thể gây chảy máu cấp làm suy lục phủ ngũ tạng dẫn đến tử vong.

Lâu nay giới khoa học quốc tế cho rằng loài dơi ăn quả họ Pteropodidae sống ở khu vực Trung Phi là vật chủ duy nhất của virus Ebola. Loại virus này xâm nhập vào người qua tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm như tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím rừng. Tiếp đó, Ebola truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị trầy xước) với máu và các dịch cơ thể khác của người bị nhiễm, và thậm chí với các bề mặt và các vật liệu (ví dụ như ra giường, quần áo) bị dính các chất dịch này.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1976, dịch Ebola gây hậu quả lớn nhất vào năm 2014 khi bùng phát Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người và lây nhiễm khoảng 28.600 người khi dịch bệnh quét qua Liberia, Guinea và Sierra Leone.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/1, vùng Kigoma nằm ở phía Tây Tanzania giáp biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo tuyên bố họ đã tăng cường các hệ thống giám sát và cảnh báo chống virus Ebola sau cảnh báo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ôông Paul Chaote, quan chức y tế khu vực Kigoma khẳng định "chúng tôi đang cảnh giác cao độ 24/24 giờ và trên cả 7 ngày/tuần." Và 14 trung tâm điều trị/lưu giữ bệnh nhân Ebola tạm thời đã được thành lập tại khu vực Kigoma.

Theo ông Chaote, quá trình sàng lọc và phát hiện virus Ebola đang được tiến hành tại năm điểm nhập cảnh ở các khu vực sân bay Kigoma, cảng Kigoma và ranh giới giữa Manyovu và Mabamba. Ông còn nói thêm rằng Phòng thí nghiệm ở Kigoma có 391 nhân viên y tế đã được đào tạo về quản lý dịch bệnh Ebola, thu thập mẫu và vận chuyển mẫu xét nghiệm.

Trước đó, WHO kêu gọi các nước khẩn trương tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo sớm virus Ebola để có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả. Theo WHO, tính đến ngày 15/1, tổng cộng 663 trường hợp đã mắc bệnh Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, trong đó có 407 trường hợp tử vong.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận