Lý do du khách buồn nôn và bị ảo giác khi đến Paris

Lý do du khách buồn nôn và bị ảo giác khi đến Paris

Bất chấp sự đa dạng của điểm đến văn hóa, kiến trúc tuyệt đẹp và hàng chục nhà hàng gắn sao Michelin, một vài người gặp phải "hội chứng Paris" - tình trạng tâm lý với triệu chứng buồn nôn, ảo giác và nhịp tim tăng lên khi đến thủ đô nước Pháp.

Mặc dù rất hiếm gặp và không được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần , hội chứng Paris vẫn được nhiều chuyên gia công nhận là hiện tượng có thật.

Hội chứng Paris là một dạng sốc văn hóa cực đoan.

Sốc văn hóa là thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự lo lắng và những cảm xúc như ngạc nhiên, mất phương hướng, bối rối... mà một người cảm thấy khi tiếp xúc với nền văn hóa hay môi trường xã hội hoàn toàn khác.

Theo The Atlantic, triệu chứng sốc văn hóa giống với lo lắng và rối loạn tâm thần. Khi ai đó cảm thấy lo lắng, tín hiệu sẽ được gửi đến dạ dày. Các tín hiệu làm thay đổi cách dạ dày và ruột xử lý, tiêu hóa thức ăn, gây ra cảm giác buồn nôn.

"Trong trường hợp lo lắng đặc biệt nghiêm trọng - như sốc văn hóa - cảm giác buồn nôn có thể dẫn đến nôn mửa và gây loạt phản ứng thể chất khác như hoang tưởng cấp tính, ảo giác, chóng mặt, đổ mồ hôi, cảm giác bị bức hại".

Hội chứng Paris là một dạng sốc văn hóa cực đoan.
Hội chứng Paris là một dạng sốc văn hóa cực đoan. (Ảnh: Hashcorner).

Đa số trường hợp sốc văn hóa là người nước ngoài hoặc sinh viên du học sinh sống vài tháng tại một quốc gia mới. Trong khi đó, hội chứng Paris xảy ra với du khách nghỉ dưỡng ngắn ngày.

Mathieu Deflem, Giáo sư xã hội học tại Đại học Nam Carolina (Mỹ), cho biết du khách có cái nhìn hơi lãng mạn hóa về kinh đô ánh sáng. Điều này chủ yếu do cách Paris được thể hiện qua các bộ phim như Amélie (2001), Before Sunset (2004) và Emily ở Paris (2020) hay sách A Night at the Majestic (2006), A Moveable Feast (1964).

Các tác phẩm tập trung vào nghệ thuật, văn hóa cà phê, nhà hàng cổ kính và những cuộc trò chuyện thông minh. Ông cho rằng kỳ vọng này không thực tế.

Trong một nghiên cứu năm 2020 của tạp chí CEOWORLD, 36% người được hỏi đánh giá Paris là thành phố thô lỗ số một châu Âu, cao gấp đôi so với London (xếp vị thứ hai).

Ngoài ra, có hàng loạt vấn đề mà thành phố này phải đối phó như chuột, rác, graffiti, móc túi và mùi hôi gây khó chịu.

Người Nhật Bản dễ mắc hội chứng Paris nhất

Theo Deflem, hội chứng Paris phổ biến nhất ở khách du lịch Nhật Bản. Ông cho biết Nhật Bản có một nền văn hóa rất trật tự và lịch sự. Trong khi đó, người Paris đôi khi coi thường ngay cả những người Pháp không sống tại thành phố này.

Những khác biệt văn hóa, kỳ vọng về sự lãng mạn không được đáp ứng, tình trạng kiệt sức, rào cản ngôn ngữ giải thích tại sao khách Nhật Bản có nguy cơ cao mắc hội chứng Paris.

Hai du khách Nhật Bản chụp ảnh trước tháp Eiffel ở Paris.
Hai du khách Nhật Bản chụp ảnh trước tháp Eiffel ở Paris. (Ảnh: SBS)

Năm 2006, NBC News báo cáo khoảng 10 khách du lịch trong tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế. Năm đó, đại sứ quán Nhật Bản tại Paris đã cho hồi hương ít nhất 4 du khách. Trong đó, 2 phụ nữ cho rằng phòng khách sạn của họ bị nghe trộm.

Đại sứ quán Nhật Bản cũng điều hành đường dây nóng trợ giúp người nước ngoài gặp phải hội chứng này 24/24 giờ.

Hội chứng Paris có thể xảy ra ở bất kỳ đâu

Liệu du khách đến các thành phố nổi tiếng, có lịch sử lâu đời khác như Vienna (Áo), New York (Mỹ) hoặc Bắc Kinh (Trung Quốc) có trải qua cảm giác, triệu chứng tương tự hội chứng Paris không?

TS Rodanthi Tzanelli (ĐH Leeds, Anh) cho rằng hội chứng Paris không dành riêng cho thủ đô nước Pháp. Bà coi đây "hiện tượng tâm lý phức tạp liên quan đến sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng khi thực tế không giống với mong đợi du khách".

Người trẻ có xu hướng đi vòng quanh thế giới nhiều hơn, chuẩn bị tốt cho những gì bản thân sẽ trải qua tại một điểm đến mới. Tuy nhiên, Tzanelli muốn chỉ ra rằng không ai miễn nhiễm với sốc văn hóa, bất kể tuổi tác hay số lượng quốc gia họ đã đi.

"Con người là những sinh vật có thói quen. Chúng ta bị cuốn vào một lối sống cụ thể, áp dụng hành vi, thói quen từ môi trường xung quanh và trở thành một phần của văn hóa, nhóm xã hội. Khi đột nhiên bị loại khỏi hệ thống niềm tin và thói quen thường ngày, con người không còn cách nào để định hình và xác định họ là ai, khi nào cần xin lỗi, khi nào thì không nên đặt câu hỏi", Deflem phân tích.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận