Mughal - Viên ngọc lục bảo 300 tuổi chạm khắc tinh xảo

Mughal - Viên ngọc lục bảo 300 tuổi chạm khắc tinh xảo

Ngọc lục bảo Mughal được coi là viên ngọc lục bảo chạm khắc lớn nhất thế giới với hai mặt khắc chữ và hoa, trị giá 2,2 triệu USD.

Đá quý là một trong những biểu tượng của địa vị và sự giàu có suốt hàng nghìn năm qua. Thông thường, đá quý càng lớn thì càng giá trị. Về ngọc lục bảo, có rất ít viên lớn hơn hoặc giá trị hơn Ngọc lục bảo Mughal. Đây được coi là viên ngọc lục bảo chạm khắc lớn nhất thế giới, trị giá tới 2,2 triệu USD và tồn tại từ năm 1695, Ancient Origins hôm 10/12 đưa tin.

Ngọc lục bảo Mughal là một ví dụ ấn tượng về nghệ thuật chạm khắc đá quý thời xưa ở Ấn Độ.
Ngọc lục bảo Mughal là một ví dụ ấn tượng về nghệ thuật chạm khắc đá quý thời xưa ở Ấn Độ. (Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo)

Ngọc lục bảo Mughal được chạm khắc dưới triều đại của hoàng đế cuối cùng trong 4 hoàng đế Mughal vĩ đại của Ấn Độ, Aurangzeb (cai trị từ năm 1658 - 1707). Đây là viên ngọc lục bảo chạm khắc duy nhất từ thời Mughal cổ điển được ghi nhận cho đến nay. Vì lý do này, nó trở thành một dạng tiêu chuẩn để xác định niên đại cho tất cả các viên ngọc lục bảo chạm khắc khác của Ấn Độ.

Nguồn ngọc lục bảo lớn và tốt duy nhất được biết đến trong thời kỳ này nằm ở Colombia. Mọi nguồn ngọc lục bảo cổ đại khác như Ai Cập, Áo và Pakistan đã cạn kiệt. Khi những người chinh phục từ châu Âu đến Nam Mỹ và tìm thấy nguồn ngọc lục bảo tự nhiên tại Colombia năm 1537, họ bắt đầu khai thác và vận chuyển loại đá quý này về châu Âu.

Qua hoạt động thương mại, những viên ngọc lục bảo sẽ được đưa tới một trong ba đế quốc Hồi giáo vĩ đại của thời kỳ này: Ottoman (1299-1923), Ba Tư Safavid (1501-1722) và Mughal (1556-1707). Nguyên nhân là nhu cầu về ngọc lục bảo ở các đế quốc này rất lớn, đặc biệt là với tầng lớp thống trị. Nhiều khả năng đây cũng là con đường mà Ngọc lục bảo Mughal đến với Ấn Độ.

Khi đến Ấn Độ, viên đá quý được giao cho một thợ chạm khắc tài hoa. Người thợ đã khéo léo khắc những lời cầu nguyện của Hồi giáo dòng Shi'ite lên mặt đá. Điều này cho thấy chắc chắn hoàng đế Aurangzeb không phải người đặt làm, vì các hoàng đế Mughal đều theo Hồi giáo dòng Sunni.

Có thể viên ngọc lục bảo nổi tiếng thuộc về một chỉ huy Shi'ite của một đế quốc từ Ba Tư, hoặc một trong những vương quốc Deccan mà Aurangzeb chinh phục. Tuy nhiên, chủ sở hữu chính xác của nó vẫn là một bí ẩn.

Ngọc lục bảo Mughal không chỉ là biểu tượng cho đế quốc Mughal mà còn cho những thành tựu văn hóa nghệ thuật đỉnh cao Ấn Độ từng đạt được. Viên đá quý có kích thước 5,2 cm x 4 cm x 4 cm và nặng 217,80 carat, tương đương khoảng 43,56 gram. Nó được cắt thành hình chữ nhật với mặt phẳng, một mặt khắc những dòng chữ Hồi giáo, mặt còn lại được trang trí phức tạp bằng những bông hoa tinh xảo.

Ngọc lục bảo Mughal thuộc sở hữu của Alan Caplan, nhà nghiên cứu địa chất và khoáng vật học người Mỹ, đến khi ông qua đời vào năm 1998. Năm 2001, những người thừa kế của ông bán viên đá quý. Một người mua ẩn danh đã mua nó với mức giá kỷ lục 2,2 triệu USD trong buổi đấu giá. Ngày nay, nó được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo ở Doha, Qatar.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận