Những người sống cùng xác chết tại ngôi làng Indonesia

Những người sống cùng xác chết tại ngôi làng Indonesia

Người dân đảo Sumba, Indonesia sống cùng thi thể người thân trong thời gian hàng chục năm chuẩn bị cho tang lễ. Họ nghèo, nhưng phải gánh chi phí tang lễ quá lớn.

Ngôi nhà của ông Umbu Mbora tại làng Lewa, phía đông Sumba, nhìn có vẻ không có gì khác lạ, với mái rơm, tường gỗ và ít đồ đạc. Tuy nhiên, điều có thể làm kinh ngạc bất kỳ ai đặt chân vào nơi này là hai chiếc quan tài. Một chiếc được đặt trong phòng nhỏ cạnh bếp, chiếc còn lại ở ngay ngoài phòng khách.
Người chết kết nối người sống với thánh thần
Cả hai chiếc quan tài đều được lau chùi, phủ vải. Trong khi người ngoài cảm thấy ghê rợn bởi sự có mặt của hai thi thể trong căn nhà, Mbora và gia đình lại tương đối điềm tĩnh, không hề lo lắng về việc sống cùng hai cái xác đang phân hủy trong 10 năm qua.
“Việc giữ họ trong nhà chẳng có gì kỳ lạ. Tôi rất thân với họ khi họ còn sống”, Rambu Herlina, vợ ông Mbora chia sẻ. “Tôi thấy là họ chỉ đang ngủ thôi. Khi dọn dẹp vào lễ Tết hay Giáng sinh, tôi bày bàn thờ và thuốc lá cho họ. Tôi cũng xin phép họ mỗi khi vào để quét phòng”.
Nhung nguoi song cung xac chet tai ngoi lang Indonesia
Giống nhiều người trong khu vực, ông Umbu Mbora giữ thi thể người thân trong nhà. Ảnh: SCMP. 
Hai thi thể cũng không gây mùi quá khó chịu bởi người thân đã đặt các lớp vải, lá thuốc lá và canxi phía dưới thi thể. Theo ông Mbora, với nhiều lớp thuốc như vậy, thi hài có thể ở trong tình trạng “tốt” suốt nhiều năm.
Nghi thức này không hề giống bất kỳ nghi thức nào khác tại Indonesia, nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi, một tôn giáo quy định người chết phải được chôn sớm nhất có thể. Tại Sumba, thi hài được giữ trong nhà nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm, cho đến khi gia đình có đủ tiền để đưa tiễn người đã khuất sang thế giới bên kia.
Hơn 18.000 người trên đảo vẫn thực hiện tín ngưỡng do tổ tiên truyền lại, gọi là Marapu, thờ một vị thánh với đôi mắt, đôi tai to được cho là nhìn và nghe thấy mọi thứ. Những người thân đã khuất chính là cầu nối người sống với vị thánh này.
Cả gia tài cho một đám tang
Tín ngưỡng thờ cúng đòi hỏi nghi thức tang lễ cầu kỳ, nhiều tiền của, đặc biệt đối với gia đình hoàng tộc như gia đình Mbora. Tổ tiên của ông là vua của vương quốc Lewa Kambera tại phía đông Sumba. Vua có vô số nô lệ và vợ, nhiều người trong số đó có quan hệ huyết thống. Những cuộc hôn nhân trong dòng họ là điều phổ biến tại Sumba cho tới ngày nay. Vợ chồng ông Mbora là một ví dụ. “Trước kia, nếu nhà vua không thể có con với vợ, ông ấy có thể cưới một người phụ nữ khác, số lượng bao nhiêu tùy vào ông ấy. Điều này được cho phép vì vua rất quyền lực”, ông Mbora nói.
Khi băng hà, vua được chôn cùng trang sức bằng vàng và trong nhiều trường hợp, nô lệ cũng bị chôn theo để tiếp tục phục vụ nhà vua trong kiếp sau. Những lễ tang kiểu này có thể kéo dài hàng tháng. Gia đình cần có nhiều nhà cho hàng nghìn khách tới viếng. Tang gia sẽ phải chuẩn bị hàng trăm con heo để phục vụ các đoàn.
Ngày nay, tục chôn nô lệ sống không còn tồn tại. Thay vào đó, con gái sẽ phải mang trâu, bò, ngựa tế lễ tại đám tang của cha. Mỗi con có giá trị tới 2.200 USD. Trong khi đó, mỗi con heo gần 250 USD sẽ bị giết thịt để phục vụ khách. Chưa kể đến chi phí chăm nom những con vật này.
“Chúng tôi vẫn chưa có đủ tiền để xây nhà cho họ hàng tới viếng”, Mbora nói. “Nếu tôi mời 50 khách, mỗi người sẽ đưa ít nhất 50 người nữa đến cùng, nên chúng tôi sẽ phải cần đến hàng trăm con bò, con heo”.
Nhung nguoi song cung xac chet tai ngoi lang Indonesia-Hinh-2
Mộ của người đã khuất trên đảo Sumba. Ảnh: SCMP. 
Một nhiệm vụ tốn kém nữa là việc xây dựng mộ đá nguyên khối. Theo truyền thống, mộ phải được làm từ đá vuông, nặng, với 4 cột đá nhỏ khai thác ở cùng một mỏ. Kích cỡ có thể thay đổi nhưng đối với gia đình quý tộc như ông Mbora thì mộ càng to càng tốt. Gia đình người đã khuất có nghĩa vụ cung cấp đồ ăn cho hàng trăm người giúp vận chuyển đá từ mỏ về. Chưa hết, họ còn phải chuẩn bị ít nhất 4 nghi lễ triệu hồi đấng quyền năng, tổ tiên để giúp những người thợ chuyển đá.
“Để vận chuyển đá, chúng tôi cần ít nhất 7.000 USD và 300 thợ", ông Mbora giãi bày.
Ngày nay, người Sumba theo đạo Thiên Chúa có thể lựa chọn mộ làm từ xi măng và gạch ngói được trang trí với hình ảnh Chúa Jesus và Đức mẹ Mary. Những ngôi mộ này được đặt trước nhà và lau dọn định kỳ. Mộ thường có cửa ra vào để con cháu qua đời sau này có thể được chôn cùng người thân.
Chính chi phí cho những nghi lễ như vậy là lý do Marapu được coi là tín ngưỡng đắt đỏ nhất thế giới. Điều này cũng giải thích vì sao Sumba là một trong những vùng nghèo nhất Indonesia. Người dân cúng tế gia súc không chỉ trong đám ma mà còn trong đám cưới. Nghi thức này phổ biến thậm chí cả trong những gia đình nghèo vốn chỉ có gạo, ngô và rau để ăn.
Thách thức thay đổi truyền thống
“Tôi sửng sốt mỗi khi thấy những người dân Sumba không thể cho con đi học mà lại mang ngựa, trâu hay heo tới đám tang”, Giáo sĩ Debora Wuri Wuryaningrum nói. Ông chuyển tới Sumba từ miền đông Java hồi năm 2014. “Nếu tính toán chi phí, một ngày tang lễ tương đương với giá của một chiếc xe máy; đối với những gia đình hoàng tộc... chắc chi phí phải bằng cái xe tải hoặc một cái ôtô mới”.
Nhiều người phê phán một số khía cạnh của truyền thống là quá mức, nhưng những nỗ lực cắt giảm chi phí cho tang lễ và các dịp đều là vô nghĩa trừ khi chính phủ hạn chế tế lễ động vật.
“Tang lễ là một sự kiện cần nhiều người, nhiều tiền. Tại Sumba, nó bao gồm cả việc tế lễ động vật. Đây là truyền thống. Nếu các thành viên trong gia đình không tế trâu thì đó là nỗi hổ thẹn”, Đức cha Robert Ramone, nhà sáng lập Viện Bảo tồn và Nghiên cứu Văn hóa Sumba cho biết. “Mặt khác, nghi thức này khiến người Sumba đã nghèo còn nghèo hơn. Chúng tôi phải cố gắng giảm bớt vấn đề này, nhưng chính phủ cần ban hành quy định bởi nỗ lực của chúng tôi thôi là không đủ”.
Việc thay đổi truyền thống và niềm tin đã tồn tại hàng thế kỷ có thể đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt tại Sumba, nơi tín ngưỡng Marapu hòa quyện với các đức tin khác như Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Hai người thân đã qua đời của ông Mbora theo đạo Thiên Chúa vẫn được đối xử như những người sống.
“Dù họ không thể trả lời, chúng tôi vẫn đang giao tiếp với họ để thể hiện lòng tôn kính”, ông Mbora nói. “Chúng tôi sẽ đoàn tụ ở kiếp sau. Kinh thánh nói rằng những gì đã được gắn kết thì không thể bị chia tách, nên chúng tôi vẫn sẽ là một gia đình, dù trong hầm mộ hay trong ngôi nhà này”.
Theo Ngọc Hà/Zing News

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận