Phát hiện những người có khả năng kháng COVID-19 cực mạnh

Phát hiện những người có khả năng kháng COVID-19 cực mạnh

Dữ liệu từ hàng chục nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Anh cho thấy: một số người có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể nhanh đến mức họ không bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cũng như không tạo ra kháng thể chống lại nó.

Trong một nghiên cứu công bố ngày 10/11 trên tạp chí Nature, nhóm tác giả đã kiểm tra các mẫu máu lấy từ gần 60 nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Anh. Tất cả đều làm việc trong bệnh viện, khiến họ có nguy cơ cao nhiễm COVID-19, nhưng họ chưa bao giờ có kết quả dương tính hoặc tạo ra bất kỳ kháng thể nào chống lại virus.

Phát hiện những người có khả năng kháng COVID-19 cực mạnh
Một nhân viên y tế chạy thử nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Ankara,Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, ở 20 trong số 60 người "hoàn toàn âm tính", các tế bào T đã nhân lên - một dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch chuẩn bị sẵn sàng chống lại nhiễm trùng. 19 trong số 20 người đó cũng có mức độ protein IFI27, một protein trong hệ thống miễn dịch, gia tăng. Nhóm tác giả cho rằng đây là bằng chứng cho thấy ở nhóm 20 người đang diễn ra tình trạng "cản trở nhiễm trùng", có nghĩa là virus đã xâm nhập vào cơ thể nhưng không thể lây nhiễm được.

Từ dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết rằng: ở những người này, tế bào T ngăn chặn SARS-CoV-2 ngay khi virus xâm nhập cơ thể, bằng cách vô hiệu hóa nhóm protein phức hợp sao chép phiên mã của virus, có tác dụng giúp virus sinh sản. Họ cũng tìm thấy thêm bằng chứng ủng hộ giả thuyết này: hầu hết tế bào T ở những người "hoàn toàn âm tính" tham gia nghiên cứu nhận ranhóm protein phức hợp, trong khi tế bào T ở những nhân viên chăm sóc sức khỏe đã từng nhiễm COVID-19 thì không.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, ngay cả tế bào T từ các mẫu máu được thu thập trước đại dịch cũng có thể nhận ra nhóm protein phức hợp ở SARS-CoV-2. Họ dự đoán, các tế bào T có thể được tạo ra do nhiễm các virus corona gây cảm lạnh thông thường. Nhưng chưa có bằng chứng chắc chắn về cách thức hoặc thời điểm các tế bào T này hình thành, không loại trừ khả năng có thể có các tác nhân khác.

Trong khi các protein gai khác nhau đáng kể giữa các virus corona thì các nhóm protein phức hợp sao chép khá giống nhau, khiến phần này của virus trở thành mục tiêu đầy hứa hẹn để phát triển vaccine "pan-coronavirus" - một loại vaccine chống lại một loạt các loại virus corona, nhóm tác giả nghiên cứu mới gợi ý.

Nhưng các nhà khoa học khác không tham gia vào nghiên cứu lưu ý rằng: chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy những nhân viên y tế trong nghiên cứu có virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Do đó, rất khó để đưa ra bất kỳ kết luận nào về vai trò của những tế bào T tìm được, Donna Farber, nhà miễn dịch học tại Đại học Columbia, TP New York, cho biết.

Đồng tác giả nghiên cứu Mala Maini, nhà nghiên cứu miễn dịch học về virus tại Đại học College London, thừa nhận, nhóm không có bằng chứng trực tiếp về virus ở những người tham gia nghiên cứu để xác nhận khả năng "cản trở nhiễm trùng". Nhưng Maini lưu ý, ở các thời điểm lấy mẫu, virus lây lan không kiểm soát ở Vương quốc Anh, và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những người "hoàn toàn âm tính" tham gia nghiên cứu có nhiều tế bào T hơn so với những người đã mắc COVID-19 trong cùng thời điểm.

Marcus Buggert, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Viện Karolinska, Thụy Điển, lưu ý, nghiên cứu mới chỉ ghi nhận hiện tượng này ở các nhân viên y tế, do đó có khả năng là họ thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại virus đường hô hấp nên mới phát triển phản ứng "cản trở nhiễm trùng".

Nghiên cứu mới cũng không được thiết kế để xác định có phải các tế bào T thực sự giúp "cản trở nhiễm trùng” hay không; bởi vậy, cần kiểm tra giả thuyết này ở động vật, hoặc thậm chí là một thử nghiệm phơi nhiễm ở người.

Nhóm tác giả đặc biệt cảnh báo, kết quả của họ không cho thấy những người đã từng nhiễm cảm lạnh do virus corona có khả năng chống lại COVID-19. Họ cũng thừa nhận những kết quả mới còn nhiều điểm cần xác minh, và chưa thể khẳng định chắc chắn những người tham gia có thể ngăn chặn virus khi bị lây nhiễm.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-021-03110-4

https://www.nature.com/articles/s41586-021-04186-8

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận