Thằn lằn bay tóm hụt mực cổ đại

Thằn lằn bay tóm hụt mực cổ đại

Chiếc răng găm ở hóa thạch con mực sống cách đây 150 triệu năm là bằng chứng về màn tấn công săn mồi thất bại của thằn lằn có cánh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thằn lằn có cánh Rhamphorhynchus muensteri bay sát mặt nước để bắt loài mực cổ đại nhưng bị mất chiếc răng trong quá trình săn mồi, theo báo cáo công bố trên tạp chí Scientific Reports. Thằn lằn có cánh xuất hiện trên Trái Đất cách đây khoảng 228 triệu năm. Chúng tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước, cùng thời điểm với khủng long. Hơn 100 loài thằn lằn có cánh từng sống trên hành tinh, một số loài lớn nhất có sải cánh lên tới 9,8 mét.

Thằn lằn có cánh mất răng trong lúc săn mực
Thằn lằn có cánh mất răng trong lúc săn mực. (Ảnh: Newsweek).

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch của mực Plesioteuthis ở phá nước trên quần đảo Solnhofen, Đức, cách đây một thập kỷ. Sinh vật này sống cách đây 150 - 155 triệu năm. Do cấu tạo cơ thể mềm, mực Plesioteuthis có rất ít hóa thạch. Tuy nhiên, nhờ lượng muối cao và nồng độ oxy thấp trong khu vực, cá thể mực được bảo quản hoàn hảo.

"Trong điều kiện thông thường, 99% mực chết bị phân hủy mà không để lại bất kỳ dấu vết nào có thể nhận ra", hai nhà nghiên cứu là René Hoffmann ở Đại học Ruhr, Bochum, Đức và Jordan Bestwick ở Đại học Leicester, Anh, cho biết.

Bằng chứng về chuyến săn mồi thất bại rất hiếm gặp trong ghi chép hóa thạch nhưng lại đóng vai trò thiết yếu giúp phục dựng mạng lưới thức ăn đã tuyệt chủng. Phân tích hóa thạch mực Plesioteuthis cho thấy thằn lằn có cánh tấn công con mồi ở mặt nước hoặc sát bên trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa rõ mực lesioteuthis chết sau cuộc tấn công hay sống sót với chiếc răng gãy găm vào mình nó.

Theo Hoffmann và Bestwick, không giết chết con mồi ngay từ nhát cắn đầu tiên, các bằng chứng hé lộ phản ứng quyết liệt nhằm trốn thoát của mực. Họ giải thích Rhamphorhynchus có thể không lướt qua mặt nước giống như chim ngày nay hay lặn xuống như ó biển. Thay vào đó, chúng tóm con mồi từ mặt nước trong lúc bay.

Phát hiện cho thấy thằn lằn có cánh là động vật săn mồi, không phải loài ăn xác thối. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh trừ khi tìm thấy thêm bằng chứng tương tự, không thể loại trừ khả năng thằn lằn có cánh nhầm mực Plesioteuthis với một loại thức ăn khác.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận