Thế hệ du học sinh đầu tiên của Trung Quốc

Thế hệ du học sinh đầu tiên của Trung Quốc

Ngày 11/8/1872, một nhóm du học sinh Trung Quốc dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Thanh đã khởi hành từ Thượng Hải đi Mỹ. Đến nơi, họ lại di chuyển bằng tàu hỏa tới vùng New England1 để bắt đầu việc học.

Xa nhà ở độ tuổi trung bình là 12, những nam sinh này vẫn mặc áo thụng và thắt bím tóc. Mặc dù chỉ nói được tiếng Quan Thoại và quen thuộc với nền giáo dục truyền thống Trung Hoa, nhưng tất cả đều là các học sinh ưu tú. Sau vài năm, họ đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để thích nghi với chuẩn mực giáo dục phương Tây và ghi danh vào những đại học nổi tiếng như Yale, Harvard, MIT,… Bên cạnh việc chăm chỉ học hành, họ cũng rất yêu thích thể thao (bóng rổ, bóng đá, bóng chày,…) và các hoạt động ngoại khóa. Một người trong số họ, Chung Văn Diệu còn là thành viên của đội chèo thuyền Yale từng hai lần liên tiếp đánh bại Harvard vào năm 1880 và 1881.

Thế hệ du học sinh đầu tiên của Trung Quốc
Nhóm du học sinh Trung Quốc đầu tiên được triều đình nhà Thanh gửi đi Mỹ. Ảnh do Milton Miller chụp năm 1872. Nguồn: Loewentheil China Photography Collection.

Do chính sách “bế quan tỏa cảng” mà nhà Thanh áp đặt, người Trung Quốc thế kỷ 19 hầu như không biết gì về phương Tây. Trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1842), triều đình thậm chí còn không biết đảo Anh của kẻ thù nằm ở đâu. Có giai thoại kể rằng Hoàng đế Đạo Quang còn nghĩ nước Anh chắc cũng giáp với Nga bởi bề ngoài của họ trông rất giống nhau. Khi các cường quốc thi nhau gây sức ép buộc Trung Quốc mở cửa, triều đình bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc thông thạo ngoại ngữ để hiểu biết về tình hình thế sự bên ngoài, cũng như để tiếp thu công nghệ phương Tây. Vì thế, đến cuối tháng 9/1871, triều đình lên kế hoạch tuyển chọn học sinh giỏi để gửi sang Mỹ.

Nhờ sự tham vấn và thúc giục của Dung Hoành (1828 – 1912), người Hoa đầu tiên tốt nghiệp Yale và một đại học Mỹ, chương trình gửi du học sinh đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được khởi động. Từ năm 1872 đến 1875, có tổng cộng 120 sinh viên sang Mỹ theo bốn đợt và được kỳ vọng sẽ trở về cống hiến sau 15 năm. Tuy nhiên, chương trình lại bị chấm dứt đột ngột chỉ sau 8,9 năm bởi triều đình lo ngại các lưu học sinh bị “Mỹ hóa” quá nhiều. Trong cuốn tự truyện Đời tôi ở Mỹ và Trung Quốc (1909), Dung Hoành viết rằng một số sinh viên đã tự cắt bỏ bím tóc, gia nhập đạo Ki-tô, chỉ trích văn hóa Trung Hoa và tư tưởng Khổng giáo, hay thậm chí còn đề xuất “Ki-tô hóa” toàn bộ xã hội Trung Quốc. Điều đó tất nhiên không thể được triều đình dung thứ. Năm 1881, họ bị buộc phải ngừng việc học và trở về Trung Quốc.

Thế hệ du học sinh đầu tiên của Trung Quốc
Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) nhiều năm liền được xếp số 1 Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia.

Mặc dù học lộ bị rút ngắn nhưng nhờ những trải nghiệm và tri thức thu nhận được từ Mỹ, các du học sinh này về sau đều trở thành những người tiên phong trong các ngành khai mỏ, đường sắt, điện báo,… của Trung Quốc. Có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như Jeme Chiêm Thiên Hựu – người đã tự thiết kế và giám sát việc xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên (không có yếu tố nước ngoài) của Trung Quốc nối Bắc Kinh với Trương Gia Khẩu (khánh thành năm 1909); Thái Thiệu Cơ – người sáng lập Đại học Hoàng gia Thiên Tân (nay là Đại học Thiên Tân); Lương Đôn Ngạn – nhà ngoại giao trụ cột của triều đình nhà Thanh và Chính phủ Bắc Dương sau này,… Nhiều người khác cũng tham gia mở trường học, xây nhà máy, lập công ty,…

Các tri thức khoa học công nghệ, tư tưởng và văn hóa phương Tây mà những du học sinh này mang về thực sự đã gây chấn động xã hội Trung Quốc, đồng thời khiến triều đình nhận thức rõ hơn về mối nguy hại của việc khép kín với thế giới bên ngoài. Muốn mạnh hơn, Trung Quốc không còn cách nào khác buộc phải học hỏi phương Tây. Năm 1909, triều đình cho khởi động lại chương trình du học và Nội các Đại thần (chính phủ) cho thành lập hẳn một ban để gửi lưu học sinh sang Mỹ. Từ năm 1909 đến 1911, đã có thêm 180 người nữa đi thành ba đợt; trong số này có Mai Di Kỳ (sau trở thành hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa kiêm Bộ trưởng Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc), Hồ Thích, Triệu Nguyên Nhậm, Trúc Khả Trinh (người sáng lập ngành khí tượng Trung Quốc),… những nhân vật xuất chúng về chính trị, giáo dục, văn hóa và học thuật ở Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Sau ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc năm 1912, chương trình cử người ra nước ngoài du học lại được tổ chức bài bản với quy mô lớn hơn nhiều. Bên cạnh số lượng sinh viên không ngừng gia tăng còn có thêm ba cơ sở giáo dục được thành lập để chuẩn bị cho họ trước khi đi du học. Đó là Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh – giảng viên được tuyển mộ trực tiếp từ Mỹ, sinh viên tốt nghiệp sang Mỹ sẽ được xếp vào thẳng năm thứ ba chứ không phải học lại từ đầu; trường Nam Dương Công học ở Thượng Hải (tiền thân của Đại học Giao thông Thượng Hải); và Trường dự bị Hà Nam (sau thành Đại học Hà Nam) với các khóa học nghiên cứu về Mỹ và châu Âu2.

Ngày nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, Chính phủ Trung Quốc vẫn thường khuyến khích thế hệ trẻ đi du học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong khoảng 40 năm từ 1978 đến 2018, số lượng sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học tập đã lên tới hơn 6 triệu. Chỉ riêng năm 2018, Trung Quốc chính là nước xuất khẩu du học sinh lớn nhất thế giới với hơn 662.100 người.

Chú thích:
1. New England (Tân Anh Cát Lợi) là khu vực bao gồm 6 tiểu bang ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ: Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Rhode Island và Vermont. 4 trong số 8 trường Ivy League danh tiếng (Brown, Dartmouth, Harvard, Yale) nằm tại vùng này.
2. Sau cuộc Nội chiến Quốc – Cộng (1945 – 1949) tại Trung Quốc, Quốc dân Đảng thua trận và chạy ra Đài Loan, mang theo rất nhiều thành phần ưu tú và các trí thức hàng đầu như Mai Di Kỳ, Hồ Thích,… Những người này sau đó tìm cách dựng lại các cơ sở giáo dục bị bỏ lại bên Đại lục. Vì thế mà Đài Loan hôm nay cũng có những ngôi trường mang tên Thanh Hoa, Giao thông,… giống như Trung Quốc. Có thể nói một yếu tố góp phần làm nên sự phát triển của giáo dục đại học Đài Loan và Trung Quốc đương đại là nhờ sự tiếp xúc với mô hình Mỹ từ khá sớm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận