
Theo một nghiên cứu gần đây, tổ tiên của loài người sống ở Thung lũng Hula (miền Bắc Israel ngày nay) có thể đã thổi sáo làm từ xương chim để thu hút con mồi khi đi săn, theo Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) ngày 9/6.
Nhóm nhà khoa học từ Israel, Áo, Mỹ và Pháp đã phát hiện ra rằng một số hóa thạch xương cánh của loài cầm được phát hiện tại Thung lũng Hula thực chất là cây sáo làm từ xương, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Scientific Report.
Những cây sáo này có thể bắt chước tiếng kêu của các loài chim săn mồi và có niên đại khoảng 12.000 năm.
Theo các chuyên gia, những mẫu vật trên được phát hiện tại khu định cư thời tiền sử Natufian Ain Mallaha, còn được biết đến với tên gọi Eynan, nơi nhiều dấu tích về những ngôi nhà của người săn bắn hái lượm được thiết kế với cấu trúc hình tròn và xương của nhiều loài động vật khác nhau đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật tiến hành từ năm 1996 đến 2005.
[Phát hiện "những kẻ săn mồi" đầu tiên trên Trái đất tại Úc]
Nhóm nghiên cứu kết luận các dấu vết trên bảy hóa thạch xương cánh của chim cu gáy Á-Âu và mòng biển Á-Âu là những lỗ nhỏ được khoan vào ống xương rỗng sau khi phân tích các mẫu hóa thạch xương cầm nói trên.
Các hiện vật này có thể được sử dụng trong biểu diễn âm nhạc hoặc để thu hút sự chú ý của các loài cầm. Họ cũng khẳng định rằng điều này góp phần mở ra manh mối về bằng chứng cho thấy người tiền sử đã sử dụng âm thanh trong săn bắn.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tạo ra các bản sao của các mẫu vật và phát hiện ra rằng mỗi hiện vật lại tạo ra một loại âm thanh khác nhau, kết luận rằng chúng là sáo. Ngoài ra, âm thanh phát ra từ các bản sao mẫu vật này giống với âm thanh của chim sẻ Á-Âu và chim cắt, cả hai đều là chim săn mồi.
Theo các chuyên gia, người tiền sử có thể dễ dàng săn bắt cầm bằng cách sử dụng những chiếc sáo này. Thanh âm của sáo sẽ thu hút những con chim săn mồi, buộc chúng tiếp cận và khuấy động đàn cầm, khiến con người dễ bắt được cầm hơn.
Người tiền sử cũng có thể bắt được cả những con chim săn mồi khi chúng bối rối trước tiếng sáo bằng cách này, đồng thời sử dụng móng của chúng để làm đồ trang trí và tạo ra những tiếng sáo mới.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng sáo còn được sử dụng để thực hiện các quá trình văn hóa-xã hội khác nhau trong xã hội của người tiền sử./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Tham gia bình luận