Được biết đến là nền tảng mạng xã hội cung cấp nội dung là video có thời lượng ngắn, ở thời điểm TikTok vừa được giới thiệu nền tảng này chỉ giới hạn video ở dưới 1 phút. Giai đoạn sau này, dù đã cho phép người dùng đăng những video dài 10 phút nhưng các video ngắn vẫn chiếm tỷ trọng lớn và có tỷ lệ lên xu hướng cao hơn.
Khác với YouTube, khi người dùng sẽ chủ động tìm kiếm dạng nội dung mà mình muốn xem, đối với TikTok hệ thống sẽ luôn đề xuất các nội dung phù hợp với sở thích của người dùng, bạn sẽ không thể biết chính xác mình sẽ được xem nội dung gì.
Hơn thế nữa, thao tác sử dụng của TikTok cho phép bỏ qua những nội dung thiếu sự thu hút và nhanh chóng đến với một nội dung mới chỉ bằng một thao tác vuốt, tất cả những điều này tạo nên sự tò mò, kích thích người dùng luôn muốn tiếp tục “lướt” để khám phá những nội dung mới lạ hơn.
TikTok - “Kẻ gây nghiện” trên nền tảng kỹ thuật số
Sẽ không quá lời khi gọi TikTok là “chất kích thích” trên nền tảng kỹ thuật số, bởi việc sử dụng TikTok mỗi ngày sẽ khiến người dùng có hiện tượng bị “nghiện” và luôn phải dành rất nhiều thời gian chỉ để sử dụng mạng xã hội này.
Một nghiên cứu có tên “How information is like snacks, money, and drugs-to your brain” được thực hiện bởi Trường Kinh doanh UC Berkeley Haas phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta sẽ tự thưởng cho bản thân khi đã tiếp thu thông tin giống, không như khi chúng ta có được những thứ mình thèm muốn (chẳng hạn như ăn bánh ngọt), não sẽ giải phóng một chất dẫn truyền thần kinh gọi là dopamine, cho phép chúng ta cảm thấy vui vẻ và hài lòng như một phần thưởng cho việc thỏa mãn cơn thèm của mình.
Khi bạn xem được một video thú vị trên TikTok, não bộ của bạn sẽ bắt đầu tiết ra dopamine, tạo nên khoái cảm, thỏa mãn và sự hưng phấn. Dopamine sẽ khiến người dùng khao khát mọi thứ và hành động dựa trên lượng dopamine mà người đó mong đợi nhận được từ một hoạt động nhất định, mà cụ thể ở đây đó chính việc lướt xem các video TikTok. Tiến sĩ Julie Albright, đến từ University of Southern California, từng chia sẻ với tờ Forbes: “Khi bạn đang lướt TikTok... đôi khi bạn nhìn thấy một bức ảnh hoặc thứ gì đó thú vị và thu hút sự chú ý của bạn, bạn sẽ nhận được lượng nhỏ dopamine... ở trung tâm khoái cảm của não”.
Dopamine tạo ra các vòng lặp tìm kiếm “phần thưởng” nghĩa là người dùng sẽ tìm cách lặp lại hành vi thú vị, giống như việc chúng ta cảm thấy thỏa mãn sau khi ăn một món ăn ngon và muốn được ăn tiếp món ăn đó.
Thứ đáng sợ ở đây đó là dopamin sẽ bị hao mòn khi người dùng phải rời TikTok để thực hiện các công việc cá nhân nhàm chán hàng ngày. Khi điều này xảy ra, người dùng có xu hướng tìm kiếm cảm giác thỏa mãn từ TikTok nhiều hơn và chu kỳ gây nghiện được tiếp tục. Tiến sĩ Julie chia sẻ thêm: "Khi lướt TikTok liên tục, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu vì đang ở trong trạng thái được cung cấp dopamine. Nó gần như thôi miên và khiến bạn tiếp tục xem, tiếp tục theo dõi".
Dường như đội ngũ phát triển TikTok biết được điều này và họ đã tìm cách xây dựng nên một cơ chế gợi ý nội dung vô cùng đặc biệt, để tạo nên những điều bất ngờ và luôn đưa đúng nội dung người dùng cần, đó gọi là thuật toán. Nền tảng mạng xã hội nào cũng có những thuật toán gợi ý nội dung của riêng họ, nhưng thuật toán mà TikTok tạo ra “mạnh” đến nỗi từng khiến Facebook có ý định sao chép và đã bị TikTok công khai cảnh báo.
Giống như Instagram, thuật toán TikTok dựa trên các đề xuất về tương tác của người dùng với nội dung trên ứng dụng. Bất kỳ tương tác nào cũng sẽ là dữ liệu cung cấp manh mối về loại nội dung mà người dùng sẽ thích hoặc không thích xem. Dưới đây là một số tiêu chí:
- Những tài khoản bạn theo dõi
- Người sáng tạo bạn đã ẩn
- Nhận xét bạn đã đăng
- Video bạn đã thích hoặc chia sẻ trên ứng dụng
- Video bạn đã thêm vào mục yêu thích của mình
- Video bạn đã đánh dấu là “Không quan tâm”
- Video bạn đã báo cáo là không phù hợp
- Các video mà bạn xem từ đầu đến cuối (còn gọi là tỷ lệ xem hết video)
- Nội dung bạn tạo trên tài khoản của chính mình
- Sở thích bạn đã thể hiện bằng cách tương tác với quảng cáo và nội dung không phải trả tiền
Vẫn còn rất rất nhiều những tương tác khác được TikTok theo dõi để đề xuất nội dung cho bạn. Tính hiệu quả trong thuật toán TikTok đã giúp nền tảng này gặt hái được nhiều “trái ngọt”, vào tháng 10/2022 TikTok ghi nhận 1 tỷ người dùng hàng ngày trên toàn cầu (Theo báo cáo từ Science and Technology Innovation Board Daily).
Tất nhiên, TikTok không phải là nền tảng mạng xã hội duy nhất giúp người dùng cảm thấy hưng phấn và thỏa mãn. Nhưng với thuật toán “mạnh mẽ” và thao tác lướt xem nội dung dễ dàng, TikTok có khả năng tác động lớn hơn đến não bộ người dùng. Nếu xem mạng xã hội là một thứ gây nghiện, thì Facebook, Instagram, Twitter,... là thuốc lá, rượu bia còn TikTok là thứ gây nghiện hơn thế nữa.
Suy giảm khả năng tập trung nếu “nghiện” TikTok
Thật khó để chấp nhận rằng việc sử dụng mạng xã hội như TikTok sẽ khiến cho não bộ của chúng ta bị ảnh hưởng, bởi vẻ bề ngoài của một video ngắn quá “đẹp đẽ” nó mang đến sự hài hước, đôi khi là sự thư giãn trong những giây phút căng thẳng. Nhưng ẩn sâu bên trong là những tiêu cực đang ảnh hưởng não bộ của chúng ta mỗi ngày.
Attention Span là khoảng thời gian mà một người có thể tập trung để giải quyết công việc mà không bị phân tán tư tưởng. Attention Span là bước đệm để con người có thể cải thiện trí nhớ tạm thời (Short term memory - Trí nhớ ngắn hạn/tạm thời đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình khả năng hoạt động của chúng ta trong thế giới xung quanh).
Trí nhớ tạm thời được lặp đi lặp lại sau một quãng thời gian nhất định, não bộ có thể chuyển hóa thông tin sang trí nhớ dài hạn (Long term memory). Hiểu đơn giản rằng, nếu Attention Span tốt thì lượng thông tin được đưa vào trí nhớ dài hạn sẽ nhiều, điều này rất tốt cho việc phát triển của con người.
Lấy ví dụ là việc học lái xe ô tô, bạn sẽ phải rất tập trung để lắng nghe và thực hiện theo đúng lời của giáo viên, việc tập xe được diễn ra liên tục trong nhiều giờ và nhiều ngày. Khả năng tập trung càng cao, ghi nhớ càng tốt thì việc học lái xe sẽ càng nhanh kết thúc. Và ngược lại, khả năng tập trung kém, ghi nhớ không tốt sẽ kéo dài thời gian học tập.
Do tính chất luôn phải vuốt để xem nội dung, người dùng sẽ phải liên tục tiếp thu những dạng thông tin mới, thêm vào đó, thời lượng video trung bình trên TikTok là dưới 60 giây. Tất cả những điều này sẽ làm giảm đi sự tập trung. Jessica Griffin, Phó Giáo sư Tâm thần học và Nhi khoa tại Đại học Massachusetts, chia sẻ với tờ Very Well Health: “Nếu bạn xem TikTok trong thời gian dài, nó có thể gây ra những vấn đề về khả năng chú ý, sự tập trung và trí nhớ ngắn hạn”.
Khi thói quen xem video ngắn và thao tác bỏ qua nội dung thiếu hấp dẫn được diễn ra liên tục sẽ tạo nên cho người dùng sự lười biếng. Thay vì kiên nhẫn ngồi theo dõi một nội dung có yếu tố thông tin cao, người dùng sẽ lướt đến các video có yếu tố “gây sốc” mà chủ yếu đều là những video giải trí, không mang lại nhiều giá trị về mặt thông tin, kiến thức.
TikTok ảnh hưởng không tốt đến não bộ của trẻ em?
Một bài báo từ The Wall Street Journal đã báo cáo rằng, việc say sưa xem các video clip ngắn trên TikTok đang gây hại cho não bộ của trẻ em. Các bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái họ không còn có thể ngồi xem hết những bộ phim dài tập vì chúng cảm thấy những bộ phim này chậm một cách khó chịu. Mặt khác, một số phụ huynh phàn nàn rằng con cái họ khó tập trung vào bài tập về nhà hoặc khi đọc sách.
Vấn đề vẫn nằm ở việc TikTok là một ứng dụng “hoàn hảo” để kích thích dopamine ở não bộ và khả năng gây nghiện của TikTok tác động không tốt đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Đối với trẻ em, khi nhận thức chưa được hoàn thiện đầy đủ, chúng sẽ không biết đâu là điểm dừng cho sự hưng phấn. “Các video ngắn tương tự như kẹo, giải phóng một lượng lớn dopamine trong trung tâm khoái cảm của não bộ. Sự vội vã đó khiến trẻ em muốn xem nhiều hơn, giống như đứa trẻ đang ở trong cửa hàng kẹo”, Phó Giáo sư Jessica Griffin chia sẻ thêm.
Việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc với TikTok từ sớm sẽ khiến giảm đi tương tác với thế giới xung quanh, thay vì chơi những trò chơi với bạn bè đồng trang lứa để có cảm xúc hưng phấn trẻ em có xu hướng lướt TikTok hàng giờ liền, điều này dẫn đến chậm phát triển về mặt cảm xúc xã hội. Tiến sĩ Michael Manos, Giám đốc lâm sàng tại Cleveland Clinic Children, chia sẻ với tờ Wall Street Journal: “Nếu não của trẻ quen với những thay đổi liên tục, não sẽ khó thích nghi với một hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy”.
Tổng kết lại, không phủ nhận TikTok là một nền tảng video có tính giải trí cao, người dùng có thể lướt TikTok ở bất cứ đâu để “giết thời gian”. Nhưng việc lạm dụng TikTok và sử dụng TikTok quá nhiều sẽ mang lại những tác động không tốt đến sự phát triển của cơ thể đặc biệt là với não bộ của trẻ nhỏ. Những vấn đề trên đây vẫn chưa phải là toàn bộ những tác hại mà TikTok đang gây ra mỗi ngày, vì vậy hãy thật tỉnh táo và sử dụng TikTok một cách hợp lý nhất đồng thời duy trì các hoạt động xã hội để bảo vệ sức khoẻ.
(Tham khảo: Forbes, Very Well Health, WSJ,..)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: genk.vn
Tham gia bình luận