Viễn cảnh 'chủ và chó trông nhau' trong khi robot làm việc

Viễn cảnh 'chủ và chó trông nhau' trong khi robot làm việc

“Nhà máy của tương lai sẽ chỉ có hai nhân viên, một người đàn ông và một con chó. Người đàn ông sẽ ở đó cho con chó ăn uống. Con chó sẽ ở đó để canh chừng người đàn ông không nghịch ngợm thiết bị.”

Nhà báo Thomas Friedman, trích lại câu nói nổi tiếng của chuyên gia tư vấn tổ chức Warren Bennis, với một hàm ý được trình bày rất rõ trong cuốn sách được mong chờ nhất gần đây của ông mang tên ‘Cảm ơn vì đến trễ’.

Viễn cảnh chủ và chó trông nhau trong khi robot làm việc
Nhà báo Thomas Friedman. Ảnh: CNBC

Nếu như trong cuốn sách thương hiệu ‘Thế giới phẳng’ của mình, Friedman từng cảnh báo với người Mỹ rằng những công việc giá trị thấp của họ đang được thuê làm bên ngoài và bán sang các nước thuộc Thế giới thứ ba như Ấn Độ hay Trung Quốc, thì với lời trích dẫn trên, ông muốn cảnh báo một vấn đề cấp bách mới mang tính toàn nhân loại.

Câu hỏi mà chúng ta đều cần nghiêm túc trả lời là “Khi robot và phần mềm ngày càng ‘cướp’ đi những công việc có thể tự động hóa được, chúng ta sẽ phải làm gì với một tầng lớp người ‘vô dụng’ mới, không còn nhiều giá trị để đóng góp cho nền kinh tế?” Và trừ khi xã hội sẵn sàng xắn tay đối phó với tình trạng mất cân bằng mới này, nỗi tức giận của giới thất nghiệp mới sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi tốc độ của sự thay đổi sẽ ngày càng nhanh hơn, chứ không hề chậm lại.

“Đột phá xảy ra khi ai đó làm việc theo một cách thông minh đến mức bạn hoặc công ty của bạn sẽ trở nên dĩ vãng. Vô định hướng xảy ra khi toàn bộ môi trường bị thay đổi nhanh đến mức mọi người bắt đầu cảm thấy họ không thể bắt nhịp kịp,” Friedman viết.

Và đó chính xác là điều chúng ta đang cảm thấy trong hiện tại. Sự thay đổi. Đây là chủ đề đã được Friedman nhấn mạnh rất nhiều trong các cuốn sách trước đây của ông, khi Toàn cầu hóa, Internet, và Công nghệ đang định hình lại toàn bộ thế giới theo một hướng hoàn toàn mới, trong khi hệ thống giáo dục, an sinh xã hội, quản lý, chính trị vẫn đang chậm rãi chuyển mình theo sau vì ‘hụt hơi’ trước những đổi mới từng ngày.

Bởi vậy, bạn đọc có thể coi ‘Cảm ơn vì đến trễ’, xuất bản lần đầu năm 2016, như một tập tiếp theo trong các cuốn ‘best-seller’ trước đây của chuyên gia cảnh báo thay đổi này. Nhưng trong ‘Cảm ơn vì đến trễ’, Friedman cho rằng sự biến đổi sẽ còn xảy ra nhanh chóng hơn, khiến tất cả đều phải cảm thấy nôn nao bởi ba “bàn đạp ga” chính.

Viễn cảnh chủ và chó trông nhau trong khi robot làm việc

Ông viết: “Lập luận cốt lõi của cuốn sách này là ba sự tăng tốc đồng thời trong Thị trường, Mẹ Tự nhiên, và định luật Moore sẽ tạo nên ‘kỷ nguyên của những sự tăng tốc,’ mà chúng ta đang phải đối mặt. Đây là những bàn đạp chính điều hướng xã hội ngày nay.

Ba sự tăng tốc này tác động qua lại với nhau – định luật Moore ngày càng thúc đẩy toàn cầu hóa, và toàn cầu hóa ngày càng thúc đẩy biến đổi khí hậu, và định luật Moore cũng thúc đẩy những giải pháp tiềm năng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và hàng loạt các thách thức khác - và đồng thời biến chuyển gần như mọi mặt khác trong đời sống hiện tại.”

Chúng ta phải làm gì? Tiếp tục trở nên ‘bình thường’ không phải là một giải pháp. “Sự trung bình đã chính thức kết thúc. Khi tôi tốt nghiệp đại học tôi phải đi tìm một công việc, những đứa con gái của tôi thì chúng phải tự sáng tạo ra công việc cho mình. Tôi vào đại học để học kỹ năng và việc học cả đời với tôi chỉ là một sở thích. Các con tôi phải vào đại học để học những kỹ năng có thể giúp chúng có được công đầu tiên, và việc học cả đời với chúng là một điều kiện cần cho mọi công việc sau này.”

Friedman tuyên bố ‘Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài học cách thích nghi với nhịp độ thay đổi mới này’. Kháng cự thay với sự thay đổi không còn là một lựa chọn, trừ khi bạn muốn ở vào tình cảnh ‘chủ và chó' trông nhau trong câu nói đùa đầu bài. Nhưng chỉ không lâu nữa thôi, chuyện ‘đùa’ sẽ thành chuyện ‘thật’ và 700 trang sách vẫn còn nguyên chất ‘Friedman’ sẽ là một hướng dẫn đầy cho bạn trong kỷ nguyên tăng tốc nhiều cú sốc nhưng cũng đầy lạc quan này.

Với những độc giả tò mò vì cái tên độc đáo của cuốn sách, ngay trong chương 1, Thomas Friedman đã đưa ra lý giải đơn giản. Ông kể, đầu năm 2015, ông thường xuyên phải gặp bạn bè và phỏng vấn các quan chức, nhà ngoại giao tại Washington, và thỉnh thoảng ông bị đối tác cho trễ hẹn 10, 20, thậm chí 30 phút.

Rồi một lần, ông viết: Tôi nhận ra rằng mình không quan tâm lắm về sự chậm trễ của một vị khách, vì vậy tôi nói: ‘Không, không sao đâu - bạn không cần xin lỗi gì hết. Trên thực tế, bạn biết không, cảm ơn vì đến trễ!’

Friedman muốn cảm ơn họ vì đột nhiên ông có một khoảng thời gian không được lên lịch trước chỉ để một mình,ngẫm nghĩ và xâu chuỗi các ý tưởng trong đầu mình. Và khởi nguồn từ đó, cuốn sách được lấy tên ‘Cảm ơn vì đến trễ’

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận