Nước Mỹ tranh cãi việc xây dựng điện gió và điện mặt trời làm hại các loài chim

Nước Mỹ tranh cãi việc xây dựng điện gió và điện mặt trời làm hại các loài chim

Năm 2015, tiểu thuyết gia được giới phê bình đánh giá cao là Jonathan Franzen đã viết một bài luận gây sốc trên Tạp chí New Yorker lập luận rằng các nhóm bảo tồn như Hiệp hội Audubon đã quá tập trung vào biến đổi khí hậu mà gây bất lợi tức thời cho các loài chim. Ông ngụ ý rằng trong những mối đe dọa đó có cả năng lượng tái tạo.

Franzen nói: “Chúng ta có thể đắp đập cho mọi con sông và tàn phá mọi cảnh vật thiên nhiên bằng nông nghiệp phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, trang trại năng lượng mặt trời và tua-bin gió, để đổi thêm vài năm cho sự nóng lên "vừa phải". Hoặc chúng ta có thể chấp nhận một cuộc sống ngắn hơn với chất lượng cao hơn, bảo vệ những khu vực có động thực vật hoang dã, với cái giá là con người chấp nhận thảm họa về mình nhanh hơn một chút”.

Vào thời điểm đó, Franzen dường như không nắm bắt được tầm quan trọng của các mối đe dọa khí hậu đối với các loài chim nên mới nghĩ và viết như vậy. Còn bây giờ, các cơ sở khoa học cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến loài chim còn nhiều hơn việc xây dựng trang trại điện gió, điện mặt trời.

Cơ sở khoa học đó có một phần trong báo cáo của Hiệp hội Audubon Quốc gia Mỹ phát hiện ra rằng 314 loài chim ở Bắc Mỹ có thể mất ít nhất một nửa phạm vi sinh sống nếu nhiệt độ tiếp tục tăng do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Audubon kết luận rằng sự nóng lên toàn cầu có thể khiến 2/3 số loài chim ở Bắc Mỹ bị tuyệt chủng.

Vào ngày 1.8, Audubon đã đưa ra một báo cáo mới nêu việc cần thiết xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo hơn thay thế nhiên liệu hóa thạch, ngay cả khi một số cơ sở hạ tầng đó làm hại chim.

Với tiêu đề “Chim và sự truyền tải: Xây dựng lưới điện mà loài chim cần”, báo cáo trích dẫn nghiên cứu của Đại học Princeton cho thấy con số gây sốc. Theo đó, nếu Mỹ không đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới điện, thì 80% khả năng cắt giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh vốn có thể thực hiện được nhờ Đạo luật Giảm thiểu Lạm phát sẽ biến mất. Đó là bởi vì các đường dây truyền tải là những công cụ quan trọng để vận chuyển năng lượng mặt trời và gió từ những nơi rẻ và dồi dào đến các thành phố sử dụng nhiều năng lượng.

Audubon cũng tham khảo một nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia ước tính rằng Mỹ có thể cần phải xây dựng khoảng 16.000km đường dây điện mới mỗi năm để đạt được 100% năng lượng sạch vào năm 2035.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đường dây điện sẽ làm chết không ít loài chim - cũng như tua-bin gió và trang trại năng lượng mặt trời. Nhưng như Audubon đã chỉ ra, ước tính các hoạt động của con người mỗi năm đã giết chết vài tỉ con chim ở Mỹ— trong đó gồm ít nhất 365 triệu con do va chạm với các tòa nhà và 89 triệu con do va chạm xe cộ. Nếu so sánh giữa các con số thì mỗi năm, đường dây điện trên cao làm chết khoảng 57 triệu con chim còn số lượng chim chết ở các trang trại điện gió và điện mặt trời lại nhỏ hơn.

dien.jpg
Chim chết tại trang trại điện gió

Đọc những con số đó, chúng ta cảm thấy rằng báo cáo của Audubon dường như phản biện quan điểm những người yêu chim như Franzen - những người quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ đa dạng sinh học của loài chim và đã có thói quen phản đối bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào do con người xây dựng có thể phá vỡ môi trường sống, đẩy nguy hiểm đến các loài chim.

Tuy nhiên, lập luận của Franzen không hẳn là vô lý. Erik Molvar là một nhà sinh vật học tại Wyoming và là Giám đốc điều hành của Dự án tài nguyên phía Tây cũng đưa ra quan điểm không tán thành đối với báo cáo của Audubon, nói rằng việc xây dựng đường dây điện qua các khu vực yên tĩnh “sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến chim và nhiều động vật hoang dã nhạy cảm khác”.

Ông cho rằng, tốt hơn hết là bắt đầu bằng cách đặt càng nhiều tấm pin mặt trời càng tốt trên các mái nhà và bãi đậu xe rồi nếu thật sự cần thiết sau đó thì mới xây các đường dây truyền tải hiện có để hỗ trợ các trang trại năng lượng mặt trời và gió lớn, đồng thời chọn đi các đường dây điện mới ngay bên cạnh các dây điện hiện có để không làm xáo trộn thêm cảnh vật.

Ông viết: “Chúng ta không thể quá bất cẩn và cẩu thả trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo dù đó là điều chắc chắn là cần thiết và cấp bách. Sự bất cẩn khiến chúng ta làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu” và kêu gọi: “Hãy tránh xáo trộn môi trường không cần thiết và các nguồn gây tổn hại động vật hoang dã ở bất cứ nơi nào chúng ta có thể”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận