CEO Ahamove đề xuất cải cách chính sách thu thuế cho các dịch vụ cung cấp trên nền tảng kết nối

CEO Ahamove đề xuất cải cách chính sách thu thuế cho các dịch vụ cung cấp trên nền tảng kết nối

Trao đổi mới ICTnews mới đây về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ vận chuyển, giao hàng dựa trên nền tảng kết nối, ông Trường Bomi, CEO của Ahamove cho rằng, hành lang pháp lý đối với đối với những dịch vụ mới như dịch vụ Grab, Ahamove, hay các dịch được cung cấp trên các Super App rất cần được cải thiện. Bên cạnh cải thiện về giấy phép hành nghề, Luật công bằng cạnh tranh, thì chính sách thuế là một lĩnh vực cần được cải thiện mạnh mẽ nhất. Theo đó, Nhà nước cần thiết kế một số mô hình thuế khác nhau, để có cách thu thuế và mức thu thuế phù hợp với những mô hình kinh tế mới, nền kinh tế chia sẻ như các dịch vụ Uber, Grab, hay Ahamove đang cung cấp.

Đơn cử như trường hợp của Ahamove, Ahamove là ứng dụng kết nối các shipper giao hàng trong nội thành Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày bình quân tài xế Ahamove giao từ 50.000 đến 70.000 đơn hàng ở mỗi thành phố. Ahamove là mô hình kết nối các tài xế (tương tự như Grab giao hàng), khi người bán hàng muốn giao hàng cho khách mua, họ sẽ đăng nhập trên ứng dụng Ahamoe, tài xế Ahamove ở gần nhất sẽ đến nhận hàng và giao hàng cho người mua. Tiền cước ship sẽ được trả trực tiếp bằng tiền mặt hoặc trừ trong ví điện tử của người dùng.

Ahamove hưởng doanh thu từ hoa hồng trên một đơn ship, mức hoa hồng tùy thuộc từng dịch vụ giao động từ 20-25%. Ví dụ, một đơn ship thu được 30.000 đồng, thì Ahamove được hưởng 6.000 đồng chẳng hạn. Với mức thu này thì nhà nước chỉ nên thu thuế 10% của khoản Ahamove được hưởng là 6.000 đồng, thay vì thu 10% của cả doanh thu 30.000 đồng. Doanh nghiệp cung cấp giải pháp kết nối phải chịu cả phần thuế của tài xế thì doanh nghiệp sẽ không thể sống được.

CEO Ahamove đề xuất cải cách chính sách thu thuế cho các dịch vụ cung cấp trên nền tảng kết nối

Ông Trường Bomi - CEO Ahamove.

Với mức tính thuế trên tổng doanh thu, thì doanh nghiệp sẽ buộc phải tính phần thuế VAT đó cho người mua hàng chịu thuế. Điều này dẫn đến hệ lụy là giá cả hàng hóa sẽ, người bán sẽ phải bán đắt và người mua sẽ mua ít đi hoặc không mua nữa. Dẫn đến không thể kích cầu được thị trường, khi đó hàng hóa không bán được, cuối cùng là nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Ông Trường Bomi cho rằng, đối với nền kinh tế chia sẻ, nhà nước cần có chính sách thuế riêng. Nếu nhà nước muốn thu thuế trên tổng doanh thu (bao gồm cả phần của tài xế được hưởng) thì phải tách ra làm hai phần riêng, tài xế đóng thuế thu nhập cá nhân trên phần của họ được hưởng, còn Ahamove đóng thuế riêng.

Tuy nhiên, tài xế lại có nhiều nguồn thu khác nhau, ngoài phần thu nhập từ chạy ship cho hệ thống Ahamove. Do đó, để thu được một cách chính xác nhất, cơ quan thuế phải có công cụ kiểm soát được nguồn thu của từng người để xem họ đủ hạn mức thu nhập để đóng thuế thu nhập theo quy định của chính phủ hay chưa. Tuy nhiên, ngành Thuế hiện nay chưa kiểm soát hết được nguồn thu nhập của các cá nhân, nên chỉ nắm ‘ông có tóc” là doanh nghiệp để thu thuế, dẫn đến doanh nghiệp như Ahamove phải chịu cả phần thuế trên số doanh thu mà doanh nghiệp không được hưởng.

“Điều quan trọng nhất của nền kinh tế mới, như kinh tế chia sẻ là nhà nước cần có một chính sách riêng để quản lý, cũng như hỗ trợ dịch vụ này phát triển. Bởi nếu không có chính sách phù hợp thì hệ quả cuối cùng là Chính phủ lại chịu thiệt vì không thu được thuế”, ông Trường Bomi phát biểu.

Nhóm các nhà sáng lập Ahamove đã có ý tưởng phát triển ứng dụng từ đầu năm 2015, khi đó thương mại điện tử Việt Nam đã bắt đầu phát triển mạnh. Ngoài các trang bán hàng lớn như Lazada, Shoppee, Adayroi, thì còn có một mảng bán hàng online quan trọng trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Các nhóm, chợ bán hàng online phát triển khá mạnh, cung tạo ra cầu, trên mạng xã hội đã hình thành các nhóm giao hàng tức thời cho những nhà bán hàng online như Ship tìm người – người tìm ship, tuy nhiên việc giao hàng qua các nhóm online này cũng có rủi ro cho người bán hàng. Nhiều trường hợp bị lừa mất hàng, mất tiền đã xảy ra. Do đó các nhà sáng lập Ahamove đã phát triển ứng dụng kết nối các shipper tham gia hệ thống giao hàng an toàn và tiện lợi hơn cho các nhà bán hàng online nhỏ lẻ.

Sau một năm thử nghiệm miễn phí, đến đầu năm 2016, Ahamove chính thức cung cấp dịch vụ giao hàng có thu phí và đưa dịch vụ phát triển tại Hà Nội và TP.HCM. Qua 3 năm, hiện Ahamove có trên 50.000 tài xế tham gia kết nối, tốc độ tăng trưởng bình quân của Ahamove đạt trên 100% mỗi năm, mỗi ngày có từ 50.000 – 70.000 đơn hàng được giao tại mỗi thành phố. Đối tượng người sử dụng Ahamove là các nhà bán hàng cho khách lẻ như: các shop bán đồ ăn, bán quần áo, thực phẩm.

Ứng dụng này kết nối người bán hàng, tài xế và người mua hàng theo cơ chế nhanh nhất và gần nhất. Khi người dùng đặt đơn ship, tài xế nào đang ở gần điểm giao hàng nhất sẽ đến nhận và giao hàng cho người mua. Ahamove còn có chính sách cho tài xế ứng trước tiền hàng và thu lại khi giao hàng thành công. Đây là một lợi thế rất lớn của Ahamove so với đối thủ cạnh tranh rất mạnh là dịch vụ Grab giao hàng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận