Crystal Bay Card: Tấm thẻ du lịch 'quyền lực' có lừa dối khách hàng?

Crystal Bay Card: Tấm thẻ du lịch 'quyền lực' có lừa dối khách hàng?

Hoạt động du lịch ở nước ta bắt đầu được mở cửa trở lại, sau thời gian dài bị “đóng băng” vì đại dịch Covid – 19 bùng phát, nhu cầu du lịch hiện nay của người dân là rất lớn. Các hoạt động quảng bá du lịch cũng xuất hiện rầm rộ, bên cạnh những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong nước thì cũng xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo sai sự thật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng. Điển hình như hoạt động quảng cáo về tấm thẻ “quyền lực” có tên gọi là Crystal Bay Card của Công ty TNHH Thẻ du lịch Crystal Bay.

Công dụng của tấm thẻ "quyền lực" Crystal Bay Card 

Trên website chính thức của công ty này tại địa chỉ crystalbaygroup.vn quảng cáo: “Sở hữu thẻ kỳ nghỉ Crystal Bay Card, bạn có quyền truy cập mạng lưới rộng khắp các địa điểm nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam, trao đổi, thuê tặng hay mua bán kỳ nghỉ. Lựa chọn kỳ nghỉ ven biển, núi non hùng vĩ, thành phố sôi động hay yên bình tùy theo sở thích và kế hoạch của bạn”.

Cụ thể, Crystal Bay đang quảng cáo rầm rộ trên website và các phương tiện thông tin địa chúng về 9 khu nghỉ dưỡng trọn gói của tập đoàn Crystal Bay và các đối tác kiến tạo, gồm: Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera Beach Resort&Spa; Khu nghỉ dưỡng Selectum Noa Resort; Tổ hợp Aparthotel Sunbay Park Hotel & Resort; Khu nghỉ dưỡng Vân Đồn Heritage & Resort Ninh Chữ; Khu nghỉ dưỡng Mũi Dinh Cap Pararan; Tổ hợp crystal Marina Bay; Khu nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort, Núi Chúa; Khu nghỉ dưỡng Chala Bay Resort, Bình Tiên, Núi Chúa.

Các khu nghỉ dưỡng được quảng cáo có hàng trăm tiện ích quốc tế và những trải nghiệm chưa từng có như: nhà tuyết top 3 thế giới, công viên chuyên đề, Interactive Sea – Khu giải trí tương tác biển công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam...

 Những quảng cáo hoành tráng về các khu nghỉ dưỡng của Crystal Bay.

Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, trong số 9 khu nghỉ dưỡng này, hiện chỉ có 2 khu nghỉ dưỡng đang hoạt động, 7 khu nghỉ dưỡng còn lại đều chưa có mặt trên thị trường và hơn nửa trong số đó mới chỉ có trên giấy, chưa xây dựng và chưa có kế hoạch vận hành, như khu nghỉ dưỡng Rocko Bay Resort, Núi Chúa; Khu nghỉ dưỡng Chala Bay Resort, Bình Tiên, Núi Chúa; Khu nghỉ dưỡng Vân Đồn Heritage Road…

Trao đổi với PV, một số khách hàng đã mua thẻ Crystal Bay Card cho rằng, việc quảng bá của Crystal Bay như trên rất dễ gây hiểu nhầm. “Tôi đọc trên trang web thấy có 9 khu nghỉ dưỡng hình ảnh sống động, cứ tưởng cả 9 khu nghỉ dưỡng này đang hoạt động, mình ký hợp đồng xong tha hồ lựa chọn, nhưng hóa ra không phải vậy. Như đọc quảng bá về Vân Đồn Heritage Road Quảng Ninh trên trang web, mô tả quy mô sầm uất nhưng trên thực tế mới chỉ trên giấy chưa được xây dựng...”, một khách hàng chia sẻ.

Văn phòng Crystal Bay rầm rộ giao bán thẻ kỳ nghỉ.

Không chỉ quảng bá rầm rộ về các khu nghỉ dưỡng, Crystal Bay còn đưa ra những quyền lợi hấp dẫn để mời chào khách. Theo lời của một khách hàng, khi được tư vấn để ký kết hợp đồng nghỉ dưỡng với Crystal Bay, nhân viên tư vấn cam kết rằng công ty sẽ “hỗ trợ thuê hoặc chuyển nhượng hợp đồng cho bất cứ khách hàng nào”.

Tuy nhiên đến thời điểm này, Crystal Bay chưa thực hiện việc hỗ trợ trên theo cam kết. Cũng theo lời của vị khách hàng, công ty còn cam kết mua lại hợp đồng sau 12 năm (theo giá trị còn lại của hợp đồng). “Nhưng trên thực tế, sau 12 năm trượt giá, giá trị hợp đồng còn lại rất ít, thử hỏi khách hàng nào muốn bán, cam kết này có cũng như không”, khách hàng nhận định.

Nguồn gốc tấm thẻ Crystal Bay Card

Được biết, hiện nay trên thị trường có 1 sản phẩm tương tự Crystal Bay Card, là sản phẩm Crystal Holidays (đều tập trung bán sản phẩm thẻ du lịch Crystal Holidays Active Pass). Crystal Holidays thuộc Công ty Cổ phần Crystal Holidays do ông Lê Đình Vinh làm chủ đầu tư.

Trước đây, ông Nguyễn Đức Chi và ông Lê Đình Vinh từng hợp tác phát triển thương hiệu Crystal Holidays. Sau này, hai bên tách ra và phát triển hai thương hiệu riêng. Ông Lê Đình Vinh vẫn kinh doanh thương hiệu Crystal Holidays, còn ông Nguyễn Đức Chi sáng lập và phát triển thương hiệu Crystal Bay Card. Hai bên đều bán thẻ du lịch và có sử dụng chung các khu nghỉ dưỡng để sắp xếp nghỉ dưỡng có sở hữu hợp đồng kỳ nghỉ của hai bên.

Cam Ranh Riviera, resort 5 sao đầu tiên của tập đoàn Crystal Bay tại Bãi Dài (Nha Trang, Khánh Hòa).

Crystal Holidays thuộc Công ty TNHH Thẻ Du lịch Crystal Bay do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ đầu tư, có trụ sở tại tòa nhà Capital Place, 29 Liễu Giai, Hà Nội. Công ty mẹ là Crystal Bay Group có trụ sở tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), là tập đoàn đầu tư và phát triển du lịch, chuyên khai thác hoạt động lữ hành quốc tế đến Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tập đoàn hiện khai thác 18 máy bay và 1.500 chuyến bay thuê nguyên chuyến mỗi năm, thuê lại phòng của các chủ đầu tư khác tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc.

Hệ sinh thái của Crystal Bay có khá nhiều công ty thành viên như: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (khai thác dịch vụ du lịch quốc tế), CTCP Câu lạc bộ du thuyền Horizon (khai thác dịch vụ du thuyền Nha Trang), Crystal Bay Card (khai thác thẻ du lịch), Crystal Bay Hospital (thương hiệu quản lý và vận hành bất động sản du lịch thuộc hệ sinh thái trọn vẹn của Tập đoàn Crystal Bay),...

Crystal Bay được biết đến nhiều qua các dự án mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Trong đó, nổi bật là siêu dự án con đường di sản Vân Đồn với quy mô hơn 3.300ha với điểm nhấn tòa cao ốc 88 tầng (tháp chữ V), quy mô 3.061 phòng. Dự án được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Vân Đồn Heritage Road - nơi mà Crystal Bay có mối quan hệ sở hữu gián tiếp. Dự án này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, thi công.

Bên cạnh đó, Crystal Bay tập trung đầu tư khá nhiều vào các dự án du lịch, nghỉ dưỡng dọc miền Trung như: Ninh Chữ Sailing Bay và SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại Ninh Thuận; Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa và SunBay Cam Ranh Resort & Spa tại Nha Trang... Đa số các dự án đều đang trong quá trình xây dựng.

Năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Crystal Bay được thành lập từ năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu đạt 250 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn, hiện Crystal Bay có tổng vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Đứng đằng sau hàng loạt dự án quy mô lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng sô liệu kinh doanh của doanh nghiệp này lại không mấy khả quan và không tương xứng với tầm vóc.

Năm 2019 được coi là năm doanh thu thành công nhất của Crystal Bay cũng chỉ vỏn vẹn được... 25 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn giảm 39% một năm sau đó xuống chỉ còn hơn 15 tỷ đồng. Doanh thu thấp, doanh nghiệp này cũng chỉ lãi tượng trưng vài trăm triệu mỗi năm.

Ngoài ra, Crystal Bay còn thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động với vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức trên 1.200 tỷ đồng xuống dưới 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Nhiều khả năng nguyên nhân do doanh nghiệp thực hiện giảm vốn.

Nợ phải trả chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu nguồn vốn, cũng giảm đáng kể từ 375 tỷ đồng xuống còn 172 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản cũng theo đó giảm hơn 400 tỷ đồng xuống còn 1.169 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Trước đó, trong năm ghi nhận doanh thu cao nhất kể từ khi hoạt động 2019, tổng tài sản của Crystal Bay cũng tăng 25% so với cuối năm 2018 lên 1.577 tỷ đồng.

Biểu đồ tài chính của Crystal Bay.

Cổ đông lớn nhất của Crystal Bay – ông Nguyễn Đức Chi, hiện đang là người đại diện pháp luật kiểm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Crystal Bay. Ông Chi sở hữu 60% cổ phần, còn lại 20% cổ phẩn thuộc về ông Nguyễn Đức Tân (em trai ông Chi) và 20% cổ phần thuộc về bà Nguyễn Thị Duyên (em gái ông Chi).

Ông Chi được biết đến là một đại gia bất động sản có tiếng ở tỉnh Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT), chủ đầu tư dự án Nàng Tiên cá – Rusalka đình đám một thời tại vị trí đắc địa ven biển Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, với vốn đầu tư 15 triệu USD.

Năm 2005, khi dự án Rusalka đang triển khai, ông Nguyễn Đức Chi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào khoảng tháng 6 năm 2005. Sau đó, ông Chi bị phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “giả mạo tài liệu cơ quan, tổ chức” và “sử dụng trái phép tài sản”. Sau khi mãn tù vào đầu năm 2010, ông Chi đã thành lập một công ty mới (Công ty Cổ phần Khu du lịch Champarama) để tiếp nối dự án Nàng tiên cá – Rusalka.

Dự án Nàng Tiên cá – Rusalka (sau được đổi thành Vega City).

Vào tháng 10/2017, dự án bị điều tra về các hành vi trái pháp luật như chiếm dụng đất, sử dụng trái phép di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với hành vi cải tạo, chiếm dụng Vịnh Nha Trang, đồng thời yêu cầu công ty phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm nêu trên và khôi phục lại trạng thái ban đầu.

Đầu năm 2018, dự án tiếp tục bị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa thanh tra, làm rõ hoạt động ngang nhiên gây ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang. Ngoài ra, sau khi mãn hạn tù, ông Chi sở hữu nhiều dự án tại Bãi biển Nha Trang và tiếp tục sai phạm, trong đó có việc cải tạo quy mô lớn tại dự án Công viên Bến du thuyền Nha Trang nhưng chỉ xử phạt hành chính.

Mới đây, vào năm 2019, dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) do Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Crystal Bay vận hành, ông Nguyễn Đức Chi làm chủ đầu tư bị xác định đã tổ chức lễ động thổ và đưa dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang ra quảng cáo rộng rãi trên thị trường từ ngày 9/4/2019, mặc dù chưa được cấp giấy phép xây dựng và chưa được phép mở bán. Cho đến tận ngày 8/7/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận mới phê duyệt đánh giá tác động cảu dự án này lên môi trường và 9 ngày sau mới chấp thuận.

Phối cảnh dự án Sunbay Park Hotel & Resort tại Ninh Thuận của Crystal Bay.

Đặc biệt, dự án Sunbay Park Hotel & Resort cũng từng bị cơ quan Công an tỉnh Ninh Thuận “tuýt còi” về hành vi huy động vốn trái phép. Ngoài ra, thời điểm đó Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (PC03, Công an tỉnh Ninh Thuận) cũng phát hiện một số dấu hiệu sai phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản liên quan đến dự án SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang.

Cụ thể, thời điểm đó có 5 công ty bất động sản bao gồm Công ty Hải Phát, Công ty Đất Vàng, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tư vấn Địa ốc An Vượng Land, Công ty Địa ốc TVN, Công ty TNHH Phú Gia Thịnh Land và các cá nhân rao bán căn hộ trong dự án và huy động vốn trái phép dưới hình thức “đặt cọc thiện chí”.

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận