Chi tiết về cặp đôi GTX 1080 và GTX 1070 mới: sự nhảy vọt về công nghệ

Chi tiết về cặp đôi GTX 1080 và GTX 1070 mới: sự nhảy vọt về công nghệ

Hai card đồ họaGTX 1080 và GTX 1070 mới ra mắt tối qua của NVIDIA đánh dấu một bước nhảy vọt rất lớn về sức mạnh xử lý so với những card đồ họa hiện có. Nhờ vào việc ứng dụng tiến trình sản xuất mới 16nm FinFET của hãng TSMC với số lượng bóng bán dẫn nhiều hơn, người ta có thể ép cho card chạy nhanh hơn trước đó và đồng thời cũng tiêu tốn ít năng lượng hơn. Khi NVIDIA nói đến việc một chiếc GTX 1080 dư sức đánh bại một cặp GTX 980 chạy SLI, hoặc cặp đôi GTX mới đều mạnh hơn tất cả những dòng GTX cao cấp trước đó bao gồm cả GTX Titan X (cựu flagship của NVIDIA) với một giá bán khá tốt thì người ta mới mau chóng nhận ra rằng cặp đôi 1000-series mới này chính là những con quái thú mới của làng GPU.

1. Tốc độ siêu nhanh
NVIDIA tuyên bố GTX 1080 chạy nhanh hơn hai card GTX 980 chạy SLI, đồng thời cũng mạnh hơn cả GTX 980 Ti (Ti là phiên bản cao cấp hơn) khi xét về chỉ số TFLOP. Thậm chí sản phẩm đầu bảng trước đó là Titan X hôm nay cũng phải nghiêng mình chịu thua "phiên bản giá rẻ" GTX 1070 chứ chưa cần nói đến GTX 1080 (đáng tiếc là NVIDIA chưa chịu tiết lộ nhiều về cấu hình của GTX 1070). Từ hôm qua đến giờ mình đọc khá nhiều bài viết của những bạn nước ngoài có tham dự buổi ra mắt sản phẩm mới của NVIDIA, hầu hết đều rất kinh ngạc trước sức mạnh của cặp đôi GTX này khi dùng để chơi các game mới, ví dụ như game Doom chơi Max Settings ở độ phân giải 1080p đã đạt tới 200 khung hình/giây, một con số vô cùng cao.

Demo game Doom trên GTX 1080

2. Nhảy vọt về công ngệ
Đây là hai card đầu tiên của NVIDIA chuyển sang dùng tiến trình 16nm FinFET cũng như tận dụng luôn kiến trúc Pascal. Chính hai yếu tố này đã giúp cho cặp đôi GTX mới mạnh hơn đáng kể so với những dòng GTX cao cấp trước đó (tuy cao cấp về thông số nhưng lại thua sút về kỹ thuật cốt lõi bên trong: kích thước, số lượng bóng bán dẫn, tiến trình 28nm cũ). Đồng thời bộ nhớ của hai card cũng được đẩy lên một mức cao mới là 8 GB (so với 6 GB và 4 GB của những card hiện tại), trong khi GTX 1070 dùng loại bộ nhớ GDDR5 cũ thì 1080 chuyển sang dùng loại mới luôn - GDDR5X, sự khác biệt giữa hai loại này bạn có thể đọc tại đây.

pascal.jpg
3. Mạnh hơn và cũng tiết kiệm năng lượng hơn
GTX 1080 yêu cầu công suất nguồn tối đa là 180W, thấp hơn nhiều so với một card Titan X hoặc cặp 980 chạy SLI. Do đó nếu bạn đã trang bị sẵn bộ nguồn để nuôi một cặp SLI hay một card tương đương với Titan X thì không cần phải bận tâm khi nâng cấp lên chiếc 1000-series này. Nó sẽ giúp máy tính của bạn tiết kiệm được thêm một chút công suất nguồn để gắn thêm các linh kiện khác nếu muốn, ví dụ như nâng cấp RAM hoặc ổ cứng.

[IMG]

4. Ép xung (Overclock)
Xung nhịp mặc định của GTX 1080 là 1.607 MHz (lúc chạy Boost là 1.733 MHz), mạnh hơn khoảng 500 MHz so với GTX 980. Tại buổi ra mắt, người ta đã thử ép xung với game Paragon thì có thể đẩy lên tới mức 2.114 MHz mà không cần phải trang bị thêm bất cứ một hệ thống tản nhiệt ngoài nào cả ví dụ như Nitơ lỏng hay tản nhiệt nước, tức là vẫn đang dùng cặp quạt tản nhiệt có sẵn trên card và nhiệt độ lúc này chỉ có 67 độ C mà thôi, một con số có thể nói là khá mát mẻ đối với GPU khi overclocking (tất nhiên còn tùy vào nhiệt độ trong phòng lúc đó nữa).

5. Công nghệ Simultaneous Multi-Projection hỗ trợ chơi game VR

SMP.jpg
Nhắc đến chơi game VR hay video VR người ta biết nó sẽ yêu cầu cấu hình máy tính mạnh hơn vì cùng một lúc GPU phải xử lý và xuất ra đến 2 màn ảnh cùng lúc cho cả hai mắt. Công nghệ Simultaneous Multi-Projection (SMP) cùng với "VR Ready" ngoài việc thông báo card này đủ sức trị VR thì nó còn giải quyết luôn cả nhược điểm méo hình thường hay gặp phải trong lúc chiêm ngưỡng các nội dung đó. Khi bạn nhìn vào một không gian ảo 360 độ hoặc thiết lập một máy tính sử dụng đa màn hình từ 2 cái trở lên thì việc hình ảnh game/video bị méo ở một vài điểm là rất khó tránh khỏi. Chính cái SMP này sẽ xử lý vấn đề đó cho bạn để tạo ra cảm giác nhìn dễ chịu nhất, đồng thời hỗ trợ tối đa đến 16 màn hình cùng lúc (bình thường ai dùng 3-4 màn hình là gấu lắm rồi).

SMP-1.jpg
Demo SMP khi chơi game bằng 2 màn hình, ảnh bên trái không bật SMP, ảnh bên phải bật SMP nên bàn ghế và cái cột nhà không còn bị méo nữa
Và ngay cả khi bạn chỉ dùng một màn hình cho máy tính của mình thì SMP vẫn có tác dụng tập trung hiệu năng xử lý cho màn hình đó. Bằng cách giảm độ phân giải pixel ở khu vực rìa màn hình (nhưng vẫn giữ nguyên độ phân giải ở các khu vực còn lại), SMP có thể dồn số sức mạnh thừa ra đó để làm tăng số khung hình chơi game lên. Kết quả là người ta sẽ đạt được con số fps cao hơn. Trong lúc demo game Obduction của hãng Cyan Worlds chạy ở độ phân giải 4K, số khung hình khi tắt SMP là 42fps và khi bật SMP là 60fps (bằng với tần số quét của cái màn hình demo lúc đó). Từ 42fps lên 60fps là một cách biệt rất quý giá đối với các gamer, nhất là khi chất lượng hình ảnh vẫn được giữ nguyên gần như trọn vẹn. Chỉ khi người ta đứng yên lại trong game và chú ý vào khu vực rìa màn hình thì mới có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng hình ảnh giữa hai khu vực, còn khi chơi chỉ tập trung vào khu vực trung tâm thì sự đánh đổi này hoàn toàn rất đáng giá. Theo các lập trình viên cho biết, bật SMP sẽ giúp tăng thêm khoảng 30% sức mạnh cho máy tính hoặc tăng số khung hình, tùy bối cảnh.

6. Công nghệ Ansel: chụp screenshot siêu khủng 61.440 x 34.560 pixel

NVIDIA Ansel.jpg
Ansel là một phần mềm/tiện ích dùng để chụp màn hình trong lúc chơi game nhưng nó không phải hạng cùi bắp như nhấn phím chụp màn hình trên bàn phím đâu, Ansel bá đạo hơn rất nhiều vì cho phép bạn "bay" tự do trong thế giới game để chọn khung hình trước, sau đó chụp và xuất ra file có độ phân giải to không tưởng, 61.440 x 34.560 pixel, mặc kệ độ phân giải màn hình của bạn là bao nhiêu.

ansel.jpg
Trong thế giới game, bạn thừa biết là có những nơi mà nhân vật trong game sẽ không bao giờ bước chân tới được, ví dụ như hình ảnh ngọn núi ở tít đường chân trời, hình ảnh các ngôi nhà cao tầng mờ ảo trong hậu cảnh của game Counter-Strike... Ansel sẽ giúp bạn "bay" tự do không giới hạn tới những nơi đó mà bình thường nhân vật không game không được phép đi tới, đặt góc máy tại những chỗ này và chụp lại màn hình quang cảnh thiên nhiên hùng vì. Tất nhiên để làm được điều này thì game phải hỗ trợ Ansel mới được, trước mắt gồm có các game sau: Witcher 3, The Division và Obduction. Ảnh screenshot sau khi chụp có thể áp thêm các filter màu, chỉnh sửa đơn giản bằng các công cụ cơ bản và thậm chí là xuất ra định dạng VR 360 độ để xem với các thiết bị khác ví dụ như kính thực tế ảo HTC Vive và Google Cardboard.

screenshot-ansel.jpg
Tấm screenshot siêu bự chụp bằng Ansel trong game Witcher 3

7. Phiên bản "Founders Edition" có thiết kế ngầu hơn

[IMG]
Phiên bản "Founders Edition" của cặp đôi GTX mới có giá mắc hơn từ 80-100 USD so với phiên bản gốc vì được trang bị bộ cánh ngầu hơn hẳn, bao gồm lớp vỏ bằng nhôm ở phía ngoài đi kèm với các đường nét thiết kế đầy góc cạnh. Các bản "Founders Edition" sẽ được bán trực tiếp bởi NVIDIA.

8. Giá bán đáng chờ đợi để mua
Hiện tại nếu bạn có ý định mua mới những dòng card như GTX 980 Ti, GTX 980 hay GTX 970 thì có lẽ nên dừng lại và bình tĩnh chờ đợi đến lúc GTX 1070 được bán ra. Như đã nói ở trên, GTX 1070 mặc dù yếu hơn GTX 1080 nhưng nó còn mạnh hơn cả Titan X trong đa số các tác vụ, cho nên nếu túi tiền không quá dư dả thì GTX 1070 rất đáng để nhắm tới với giá bán chỉ có 379 USD, thêm thuế phí này nọ thì về VN sẽ có giá trên dưới 10 triệu đồng, cực kỳ hấp dẫn nếu đem so với giá của những dòng card nói trên hiện đang có bán tại VN như:
  • Asus GTX 970 Strix Edition 4GB DDR5 (256-bit): ~9 triệu đồng
  • Asus GTX 980Ti Strix Edition 6GB DDR5 (384-bit): ~16,5 triệu đồng
  • Gigabyte GTX 970 Xtreme Gaming OC 4GB DDR5 (256-bit): ~9,9 triệu đồng
  • Gigabyte GTX 980Ti Extreme 6GB DDR5 (384-bit): ~17,9 triệu đồng
Dĩ nhiên mặc dù chung chipset 1080/1070 nhưng card của những hãng khác thường được cải tiến để có sức mạnh cao hơn so với phiên bản tiêu chuẩn. Đợi đến lúc hai chiếc GTX mới được bán ra thì người ta sẽ có đủ sản phẩm để test, benchmark và so sánh với những dòng card trước. Khi này bạn sẽ có đủ thông tin để quyết định có nên nâng cấp lên phiên bản mới hay không.

[IMG]

Theo PCWorld, PCGamer
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận