[Đánh giá] ASUS Zen AiO Pro Z240IC - thiết kế tốt, màn hình 4K chất lượng, cấu hình bất cập, giá cao

[Đánh giá] ASUS Zen AiO Pro Z240IC - thiết kế tốt, màn hình 4K chất lượng, cấu hình bất cập, giá cao

ASUS vẫn rất mặn mà với những chiếc máy tính All-in-One chạy Windows và sản phẩm mới nhất sắp được hãng này ra mắt tại thị trường Việt Nam là chiếc Zen AiO Pro Z240IC. Đây là chiếc máy mang đậm phong cách thiết kế Zen, hoàn thiện khá tốt, tích hợp nhiều công nghệ mới như màn hình 4K, Intel RealSense và sở hữu cấu hình đủ mạnh để có thể đáp ứng nhu cầu giải trí cao cấp cũng như xử lý đồ họa. Chiếc máy mình đánh giá trong bài này có giá khoảng 42 triệu đồng, một mức giá khá cao và chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu mức giá này có xứng đáng với những gì ASUS Zen AiO Pro Z240IC mang lại hay không nhé.
  • [Trên tay] ASUS Zen AiO Pro z240IC: đậm thiết kế Zen, màn hình 4K, Intel RealSense, giá 42 triệu
Thiết kế:

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-1.jpg

Zen AiO Pro Z240IC thuộc dòng Zen do đó nó mang thiết kế rất quen thuộc với vỏ nhôm nguyên khối phay xước và có màu Icicle Gold - một sắc vàng hơi lạnh của băng tuyết và màn hình được phủ kính tràn viền. Với tất cả các thành phần được tích hợp vào sau màn hình, Zen AiO Pro Z240IC có thiết kế bo cong dần từ sau ra trước, khá giống chiếc iMac của Apple.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-19.jpg

Tuy nhiên, các viền máy được ASUS được làm dày hơn, khoảng 6 mm và được xử lý dạng anodize thay vì phay xước và cũng được vát kim cương hướng lên màn hình. Cộng với phần lồi của lớp kính cường lực thì tổng độ dày của viền vào khoảng 9 mm. Điểm dày nhất của chiếc Zen AiO Pro Z240IC khoảng 52 mm.

Mặc dù vậy, về tổng thể thì chiếc AiO 24" của ASUS lại khá gọn nếu so với 1 dàn máy tính dùng màn hình 24", chiếm ít diện tích trên bàn và cũng khá nhẹ để có thể di chuyển với trọng lượng chỉ 7 kg.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-18.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-11.jpg

Phần màn hình được gắn trên một chiếc đế bằng kim loại nguyên khối và có thể nói đây là thành phần có thiết kế đẹp nhất và trau chuốt nhất trên chiếc Zen AiO Pro Z240IC. Phần đế cứng cáp được hoàn thiện tinh xảo với bề mặt phay xước, các viền xử lý anodize và thiết kế cách điệu từ chữ Nhân trong tiếng Trung nghĩa là con người. Khi đặt trên bàn, phần đế này mặc dù nhìn khá mỏng manh nhưng lại mang lại độ vững chãi cho phần màn hình với các thành phần phần cứng khá nặng bên trên.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-3.jpg

Chân đế kết nối với màn hình qua một bản lề ngang, do đó chúng ta chỉ có thể mở màn hình theo phương dọc, hướng lên hoặc hướng xuống và góc mở cũng không rộng. Thiết kế này khiến chiếc Zen AiO Pro Z240IC trở nên kém linh hoạt và hạn chế tình huống sử dụng của máy. Đầu tiên là việc chúng ta không thể xoay màn hình sang 2 bên nếu như không xoay cả phần đế. Khi đặt trên bàn và xoay chuyển màn hình thì phần đế bằng kim loại có thể làm trầy mặt bàn, đó là về mặt sử dụng lâu dài.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-5.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-6.jpg

Tiếp theo là chúng ta cũng không thể mở màn hình lên ở góc rộng hơn để thực hiện thao tác cảm ứng thuận tiện hay lật ngang màn hình lên để sử dụng như một "chiếc bàn" cảm ứng. Nếu đã định hướng là một sản phẩm máy tính giải trí dành cho gia đình thì ASUS nên nghĩ đến những tình huống sử dụng như vậy.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-8.jpg

Mặt sau của ASUS Zen AiO Pro Z240IC được trang bị rất nhiều cổng kết nối và cách bố trí có thể nói là không khác gì so với chiếc Apple iMac. Các cổng kết nối được xếp dọc và được chia thành 3 khu vực. Khu vực bên phải gồm cổng USB-C 3.1 tốc độ cao, 1 cổng USB 2.0, 4 cổng USB 3.0 và 2 cổng HDMI. Cần lưu ý là cổng USB-C này dùng chuẩn USB 3.1 với ký hiệu SS 10 mang lại tốc độ truy xuất cao, nó khác với cổng USB-C 3.0 thông thường.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-14.jpg

Chính giữa là cổng LAN đặt trên jack cắm nguồn. 2 cổng này nằm ẩn sau phần khoét lỗ trên bản lề, do đó khi cắm dây thì dây sẽ được dấu phía sau mà không lòng thòng ra trước màn hình. Khu vực ngoài cùng bên trái là các jack âm thanh, mic, đầu đọc thẻ nhớ SD và nút nguồn cỡ lớn.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-10.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-9.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-17.jpg

Như vậy về số lượng cổng kết nối thì Zen AiO Pro Z240IC hỗ trợ khá đầy đủ nhưng việc bố trí các cổng kết nối sát nhau khiến chúng ta khó có thể cắm cùng lúc nhiều thiết bị với kích thước lớn.

ASUS có tặng kèm theo máy một bộ bàn phím chuột không dây nhưng chất lượng hoàn thiện của chúng chưa tốt, chưa tương xứng với một chiếc máy tầm giá trên 40 triệu. Bàn phím và chuột cũng mang thiết kế mang hơi hướng từ Apple Magic Keyboard và Apple Magic Mouse nhưng thiết kế bằng nhựa, sơn màu vàng tiệp với màu của Zen AiO Pro Z240IC.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-19.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-20.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-21.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-22.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-23.jpg

Bàn phím dạng full-size, các phím thiết kế kiểu chiclet, ký tự và kích thước mỗi phím tương tự bàn phím trên những chiếc laptop của ASUS. Tuy nhiên, hành trình phím ngắn và kết cấu xương phím không ổn định khiến trải nghiệm gõ phím không đã tay và không tự tin như bàn phím thông thường. Thêm vào đó, bàn phím cũng không có đèn nền backlit nên khá bất tiện khi sử dụng trong bóng tối.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-22.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-21.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-24.jpg

Chuột thì được làm tốt hơn đôi chút, thiết kế tròn trịa dễ cầm. Chuột dùng cảm biến quang thông thường, DPI khá cao nên việc thao tác trên màn hình độ phân giải 4K khá dễ dàng.

Bàn phím và chuột đều kết nối không dây nhưng thay vì Bluetooth thì chúng dùng chung một chiếc receiver kích thước nhỏ (kiểu như Unify Receiver của Logitech). Cả 2 đều không được tích hợp một nút bấm để tắt đi khi không dùng. Chuột thì có chức năng tạm nghỉ để tiết kiệm pin nhưng để kích hoạt lại thì bạn phải nhấp chuột, khá bất tiện.Thêm vào đó, con chuột này đôi khi hoạt động không ổn định, nhất là sau khi được "đánh thức" từ chế độ sleep. Không rõ là do con chuột mình mượn từ ASUS có vấn đề hay là lỗi chung của sản phẩm. Có thể việc dùng chung một receiver khiến tín hiệu bất ổn định và gây ra tình trạng lag, nhận lệnh sai của chuột.

Màn hình và & âm thanh & Intel RealSense:

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-2.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-3.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-4.jpg

Điểm đáng chú ý nhất trên Zen AiO Pro Z240IC là việc nó được trang bị màn hình 24" (23,8") với độ phân giải lên đến 4K và hỗ trợ chức năng cảm ứng đa điểm. Chiếc màn hình này dùng tấm nền AH-IPS với độ phân giải 3840 x 2160 px cho mật độ điểm ảnh 185 ppi. Ngoài mật độ điểm ảnh cao, màn hình cũng có độ tương phản tốt với tỉ lệ khoảng 700:1 và độ bao phủ dải màu Adobe RGB đến 82%. Độ sáng của màn hình đo được vào khoảng 280 nit và góc quan sát của màn hình rất lớn, khoảng 170 độ.

Trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình mang lại chất lượng hiển thị rất tốt và mình nghĩ rất phù hợp đối với anh em làm thiết kế cũng như người dùng có nhu cầu giải trí cao cấp với bộ phim 4K. Mật độ điểm ảnh cao mang lại độ chi tiết và sắc nét cao cho hình ảnh cũng như các yếu tố đồ họa trên giao diện Windows. Thêm vào đó, độ tương phản khá lý tưởng và độ bao phủ dải màu Adobe RGB lớn khiến hình ảnh được tái hiện giàu màu sắc và độ chính xác màu cao nhất.

Tuy nhiên, màn hình có thêm một lớp cảm ứng khá dày và nó không được hoàn thiện theo kiểu ZeroGap nên nhìn từ các phía, chúng ta vẫn thấy được khoảng trống giữa tấm nền và lớp cảm ứng. Chất lượng hiển thị của màn hình cũng ít nhiều bị giảm đi do lớp cảm ứng này, nhất là khi bạn quan sát từ 2 bên, lớp cảm ứng tạo ra một lớp mờ khiến hình ảnh bị nhạt đi đôi chút và giảm độ tương phản.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-15.jpg
Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-14.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-13.jpgTinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-18.jpg

Về âm thanh, ASUS trang bị cho Zen AiO Pro Z240IC hệ thống âm thanh gồm 6 loa đặt tại cạnh dưới màn hình với thiết lập 4 loa stereo công suất 2 W + 2 loa sub công suất 4 W, tổng công suất 16 W, dùng công nghệ Sonic Master Premium. Hệ thống loa này cho âm lượng đầu ra lớn và chất lượng khá tốt. Điểm lôi cuốn nhất là âm bass sâu và mạnh, rất phù hợp khi giải trí bằng phim ảnh hay chơi game. Tuy nhiên, âm treble hơi yếu và hệ thống loa này cũng không thể hiện tốt các nốt cao, cảm giác hơi hụt. Nếu xét về khía cạnh một hệ thống loa tích hợp thì hệ thống loa trên Zen AiO Pro Z240IC rất tốt nhưng so với mức giá trên 40 triệu thì vẫn chưa tương xứng.

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-16.jpg

Ngoài màn hình và âm thanh thì ASUS Zen AiO Pro Z240IC còn được tích hợp hệ thống camera 3D Intel RealSense. Hệ thống camera này do Intel phát triển cho phép chúng ta tương tác không chạm với máy bên cạnh tính năng hội thoại video. Về chức năng và hiệu năng của hệ thống RealSense thì anh em có thể tham khảo trong bài dưới đây:
  • Trải nghiệm camera Intel RealSense trên ASUS Zen AiO Pro z240IC

Hiệu năng:

ASUS Zen AiO Pro Z240IC được trang bị cấu hình khá tốt và cũng khá lạ lẫm. Được định hướng là một thiết bị giải trí cao cấp nên máy sở hữu CPU Core i7, tích hợp GPU rời và được trang bị ổ cứng dung lượng cao. Zen AiO Pro Z240IC có nhiều tùy chọn cấu hình, phiên bản mình mượn được từ ASUS có cấu hình như sau:
  • CPU: Intel Core i7-6700T (Skylake) 4 lõi 8 luồng, tốc độ 2,8 GHz (Turbo Boost 3,6 GHz), 8 MB Cache, TDP 35 W;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 960M 4 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 530;
  • RAM: 2 x 4 GB SK Hynix DDR4-2133 chạy dual-channel (tổng 4 khe RAM, trống 2 khe);
  • Ổ cứng: Seagate ST2000LM003 dung lượng 2 TB, tốc độ 5400 rpm;
  • Kết nối không dây: Intel Dual-Band Wireless-AC 7265 + Bluetooth .40;
  • OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit.

Nhìn qua thì cấu hình của Zen AiO Pro Z240IC rất phù hợp với nhu cầu giải trí cao cấp và đủ sức để kéo chiếc màn hình 4K. Core i7-6700T là một phiên bản CPU trên desktop khá ít gặp. Về xung nhịp thì phiên bản 6700T có thể so sánh tương đương với các phiên bản 6820HK hay 6970HQ trên laptop. Trong khi đó nếu so với 2 phiên bản 6700 trên desktop phổ biến hơn là 6700 thường (3,4 GHz ~ 4 GHz) và 6700K (4 GHz ~ 4,2 GHz) thì xung nhịp của 6700T vẫn thấp hơn nhiều. Sở dĩ xung nhịp của 6700T thấp như vậy đơn giản là vì đây là một con chip thuộc dòng T và mức tiêu thụ điện năng của nó chỉ 35 W trong khi 6700 và 6700K lần lượt có mức tiêu thụ điện năng là 65 W và 91 W.

Tiếp theo là GPU GeForce GTX 960M, đây chính là phiên bản GPU xuất hiện nhiều trên những mẫu laptop giải trí và chơi game tầm trung - cao cấp. Thông số của GPU này rất tiêu chuẩn với chip GM107 (Maxwell 1) 640 shader, xung nhịp tối đa 1202 MHz, dùng bộ nhớ GDDR5 tốc độ 80 GB/s. ASUS cung cấp nhiều tùy chọn GPU với cả GTX 950M và GTX 960M, phiên bản mình mượn được dùng GTX 960M dung lượng 4 GB, bên cạnh đó còn có bản 2 GB.

Ngoài ra, ASUS cũng trang bị RAM DDR4 cho Zen AiO Pro Z240IC. Kiểm tra bằng Speccy thì máy có tổng cộng 4 khe, ASUS cũng nói rằng có thể nâng cấp tối đa 32 GB nhưng việc nâng cấp chiếc máy này không đơn giản như máy tính desktop truyền thống. Dung lượng RAM có sẵn trên máy là 8 GB gồm 2 thanh 4 GB chạy theo thiết lập kênh đôi.

Điểm thọt nhất về cấu hình của chiếc Zen AiO Pro Z240IC mà mình đánh giá chính là ổ cứng HDD tốc độ chậm. ASUS cũng cung cấp nhiều tùy chọn ổ cứng với thiết lập 2 ổ như 128 GB SSD + 1 TB HDD; 512 GB SSD + 1 TB HDD hay SSHD, 512 GB M.2 PCIe Gen 3 x 4 SSD cho tốc độ nhanh nhất theo thiết lập RAID 0. Chiếc máy mình mượn được chỉ có đúng 1 ổ HDD dung lượng 2 TB, do đó chưa cần test hiệu năng thì chúng ta cũng có thể đoán được chiếc máy này bị nghẽn cổ chai và hiệu năng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Phần benchmark dưới đây sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác hơn về hiệu năng của ASUS Zen AiO Pro Z240IC. Với cấu hình tương đương với một chiếc laptop chơi game tầm trung cao cấp nên mình sẽ so sánh điểm số của Zen AiO Pro Z240IC với một số mẫu máy có cấu hình tương đương:

PCMark 7 & 8:


PCMark 7 & 8 sẽ cho chúng ta biết được hiệu năng xử lý của CPU Core i7-6700T. Như đã nói ở trên, xung nhịp của 6700T chỉ tương đương với những phiên bản Core i7 trên laptop, chỉ có phần bộ đệm nhiều hơn 8 MB. Kết quả PCMark 7 & 8 cho thấy chiếc Zen AiO Pro Z240IC thật sự bị nghẽn cổ chai mặc dù sở hữu CPU mạnh hơn. Zen AiO Pro Z240IC chỉ đạt 3641 điểm PCMark 7, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với chiếc laptop Lenovo Ideapad 700-15SK mà lần trước mình có đánh giá. Tương tự với PCMark 8, ở tất cả các nội dung, Zen AiO Pro đều thua kém. Trong bảng so sánh trên, chỉ có Lenovo Ideapad 700-15SK và Zen AiO Pro Z240IC là sử dụng ổ cứng HDD 5400 rpm, những mẫu máy còn lại dùng SSD hoặc SSHD nên điểm số của 2 mẫu máy này đều thấp nhất. Như vậy, chúng ta có thể hiểu được vai trò của ổ cứng quan trọng như thế nào đối với mọi hệ thống máy tính. Tốc độ xử lý và hiệu năng tổng thể bị kéo tụt cũng vì ổ cứng quá chậm.

CrystalDisk_Mark.PNG

Kết quả benchmark ổ cứng cho thấy chiếc ổ Seagate trên Zen AiO Pro Z240IC có tốc độ đọc liên tục khoảng 124,1 MB/s và tốc độ ghi liên tục 123,5 MB/s nhưng tốc độ truy xuất 4K của ổ chỉ 0,41 MB/s đọc và 0,95 MB/s. Tốc độ này phản ánh tốc độ truy xuất ngẫu nhiên của CPU đối với những tập tin cấp thấp.

Trải nghiệm thực tế trên Zen AiO Pro Z240IC phản ánh chính xác những con số từ PCMark 7 và PCMark 8. Mặc dù sở hữu CPU tốt, dung lượng RAM cũng khá nhiều nhưng ổ cứng như "rùa bò" đã khiến mọi thứ trở nên chậm chạp đối với Zen AiO Pro Z240IC. Đầu tiên là tốc độ khởi động, chiếc máy mất trung bình khoảng 1 phút 22 giây để hoàn tất quá trình khởi động và nạp xong các phần mềm Start-up. Thêm vào đó, tốc độ ổ cứng và độ phân giải màn hình 4K cũng tác động đến tốc độ phản hồi khi mở ứng dụng hay tương tác với các yếu tố giao diện. Chẳng hạn như thao tác click chuột phải tại màn hình desktop cũng mất 2 giây để mở Context Menu.

3DMark 11 & 13:


Mặc dù ổ cứng chậm đã khiến hiệu năng sử dụng tổng thể của Zen AiO Pro Z240IC giảm đi đáng kể nhưng hiệu năng xử lý đồ họa của chiếc máy này vẫn rất tốt. Với nội dụng test 3DMark 11 và 3DMark 13, chiếc Zen AiO Pro Z240IC đạt điểm số ngang ngửa với những chiếc máy dùng GTX 960M trong bảng so sánh.

Một chiếc máy sở hữu màn hình 4K và card đồ họa rời GTX 960M liệu có thể đáp ứng nhu cầu chơi game ở độ phân giải này? ASUS Zen AiO Pro Z240IC là một chiếc máy giải trí chứ chưa phải là AiO chuyên game như dòng AiO Gaming G của MSI, do đó cấu hình của nó chưa đủ để có thể chơi game 4K. Điểm số Fire Strike Ultra của Zen AiO Pro Z240IC chỉ đạt 1020 điểm, điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn chơi các game 4K ở khung hình cao thì bạn buộc phải giảm chất lượng đồ họa xuống. Anh em có thể xem chi tiết hơn qua phần thử nghiệm game thực tế trên Zen AiO Pro Z240IC dưới đây:

Grand Theft Auto: V (GTA V):

GTA_V.jpg
  • Phân giải 1080p - Very High: Các thiết lập đồ họa đều Very High, Reflection MSAA x8, FXAA - On, MSAA x8, AF x16, Ambient Occlusion - High, Tessellation - High > 20 - 25 fps;
  • Phân giải 1080p - High: Các thiết lập đồ họa đều High, Reflection MSAA x4, FXAA - On, MSAA x4, AF x8, Ambient Occulsion - High, Tessellation - High > 30 - 43 fps.
  • Phân giải 4K - không thể chơi ở độ phân giải này do bộ nhớ GPU không đủ.
Rainbow Six: Siege:

RainbowSix.jpg
  • Phân giải 1080p - Custom: Các thiết lập đồ họa đều Very High, Anisotropic 16x, Ambient Occlusion - HBAO+, Post-Process AA - T-AA, Multisample AA - TXAA 4x > 15 - 18 fps;
  • Phân giải 1080p - Ultra: Các thiết lập đồ họa đều Very High, Anisotropic 16x, Ambient Occlusion - SSBC, Post-Process AA - T-AA, Multisample AA - Temporal Filtering > 33 - 40 fps;
  • Phân giải 4K - Ultra: như trên > 10 - 13 fps
  • Phân giải 4K - High: Các thiết lập đồ họa đều High, Anisotropic 4x, Ambient Occlusion - SSBC, Post-Process AA - T-AA, Multisample AA - Temporal Filtering > 15 - 18 fps
  • Phân giải 4K - Medium: Các thiết lập đồ họa đều Medium, Anisotropic 2x, Ambient Occlusion - Off, Post-Process AA - T-AA, Multisample AA - Temporal Filtering> 17 - 22 fps
Far Cry 4:

Far Cry 4.jpg
  • Phân giải 1080p - Ultra: các thiết lập đồ họa đều Ultra, Ambient Occulusion - SSBC, AA - SMAA > 24 - 35 fps
  • Phân giải 4K - Ultra: thiết lập đồ họa tương tự như trên > 6 - 9 fps
  • Phân giải 4K - High: thiết lập đồ họa High > 13 - 25 fps
Metro Last Light:

MetroLastLight.jpg
  • Phân giải 1080p - Custom: Quality - Very High, SSAA 4x, Anisotropic 16x, Tessellation - Very High > 7 - 8 fps
  • Phân giải 1080p - Custom: Quality - Very High, SSAA 0.5x, Anisotropic 16x, Tessellation - Very High > 45 - 53 fps
  • Phân giải 4K - Custom: Quality - Very High, SSAA 0.5x, Anisotropic 16x, Tessellation - Very High > 18 - 26 fps
  • Phân giải 4K - Custom: Quality - High, SSAA 0.5x, Anisotropic 4x, Tessellation - High > 25 - 32 fps.
Fallout 4:

Fallout4.png
  • Phân giải 1080p - Ultra: Các thiết lập đồ họa đều Ultra, AA - T-AA, Anisotropic 16x, Ambient Occlusion - SSAO > 26 - 30 fps
  • Phân giải 4K - Ultra: Các thiết lập đồ họa đều Ultra, AA - T-AA, Anisotropic 16x, Ambient Occlusion - SSAO > 8 - 10 fps
Hiệu quả tản nhiệt:

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO_Pro-12.jpg

Zen AiO Pro Z240IC được trang bị hệ thống tản nhiệt quạt thông thường và hơi nóng được giải phóng ra ngoài qua một khe tản nhiệt khá lớn đặt ẩn phía sau chân đến, gần bản lề. Hiệu quả tản nhiệt của hệ thống này khá tốt. Ở trạng thái không tải, nhiệt độ CPU ổ định ở 47 độ C. Khi tải nặng như chơi game thì tùy thiết lập cấu hình, nhiệt độ CPU giao động từ 65 đến 83 độ C, nhiệt độ GPU tương tự cũng giao động từ 60 đến 81 độ C.

Khả năng tản nhiệt tốt khiến CPU và GPU có thể đạt được hiệu năng tối đa, xung Turbo Boost của CPU khi chơi game lên đến 3,589 GHz (gần 3,6 GHz theo thông số của Intel) và tỉ lệ tải của GPU đạt 99%. Tuy nhiên, ổ cứng chậm đã khiến hệ thống bị thắt cổ chai và không thể phát huy được toàn bộ hiệu năng.

Khi chơi game, hơi nóng tỏa ra từ khe tản nhiệt và phần chân đế bằng kim loại hấp thụ luồng hơi này. Phần chân đến nóng lên rất nhanh, nóng trên 40 độ C. Mặc dù nó không ảnh hưởng đến hiệu năng của máy nhưng nếu để máy trên bề mặt kính, hay bàn bằng ván ép thì qua thời gian, hơi nhiệt lượng này sẽ làm nứt kính hoặc làm phồng bàn gỗ.

Tổng kết:

Tinhte.vn_ASUS_Zen_AiO-1.jpg

Zen AiO Pro Z240IC là một chiếc máy tính AiO khá đẹp, gọn và được hoàn thiện tốt. Định hướng là một chiếc máy giải trí trong gia đình, Zen AiO Pro Z240IC có thể đáp ứng được điều này nhờ màn hình 4K đẹp, có tính năng cảm ứng, CPU và GPU đủ tốt để xử lý nội dung phân giải cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng như một chiếc máy làm việc nhiều hơn thì bạn nên chọn phiên bản có ổ SSD, hiệu năng sẽ tốt hơn rất nhiều so với phiên bản mình mượn được từ ASUS dùng ổ HDD. Nhìn chung, Zen AiO Pro Z240IC là một chiếc máy khá đa năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng hỗn hợp. Tuy nhiên, với mức giá khoảng 42 triệu đồng như chiếc máy trong bài này thì nó một vài điểm chưa tương xứng, chẳng hạn như ổ cứng chậm, chất lượng bàn phím và chuột chưa cao.

Ưu điểm:
  • Thiết kế gọn gàng, hoàn thiện khá tốt;
  • Màn hình 4K chất lượng cao, cảm ứng nhạy;
  • Loa to, bass dày, giải trí tốt;
  • Nhiều cổng kết nối cao cấp;
  • Có webcam Intel RealSense.
Nhược điểm:
  • Thiết kế chân đế thiếu linh hoạt;
  • Bàn phím và bàn rê chất lượng thấp;
  • Cấu hình chưa tương xứng với mức giá, ổ cứng quá chậm;
  • Giá cao.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận