Nói chuyện theo cách của giáo sư Stephen Hawking

Nói chuyện theo cách của giáo sư Stephen Hawking

Kể từ tháng 1/2015, phần mềm giúp giáo sư vật lý nổi tiếng người Anh Stephen Hawking nói chuyện với mọi người sẽ được đưa lên mạng miễn phí.

Đây là ứng dụng hứa hẹn đem lại đổi thay đáng kể cho cuộc sống của hàng triệu người bị mắc chứng viêm tế bào thần kinh vận động trên toàn thế giới.

Giúp làm việc hiệu quả

Theo một hãng tin quốc tế, thông tin được công bố trong buổi họp báo tại thủ đô London hôm 2/12. Nhà vật lý gần như bị liệt hoàn toàn cũng có mặt.

Sử dụng chính phần mềm giúp nói chuyện trên máy tính, giáo sư Stephen Hawking chia sẻ: “Việc đưa ra sử dụng miễn phí phần mềm này có thể giúp cải thiện đáng kể cho cuộc sống của những người khuyết tật trên toàn thế giới. Không có nó, tôi đã không thể nói chuyện với các bạn hôm nay”.

Bản thân vị giáo sư vật lý lý thuyết đã 72 tuổi này từng mắc chứng viêm tế bào thần kinh vận động từ năm 21 tuổi. Đây là bệnh có liên quan tới chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS).

Như vậy phần mềm giao tiếp của GS do Tập đoàn Intel phát triển trong ba năm qua sẽ được bổ sung vào kho tài nguyên mã nguồn mở từ tháng 1/2015, mặc dù vẫn cần phải điều chỉnh thêm để dùng cho mục đích cá nhân.

Nói chuyện theo cách của giáo sư Stephen Hawking
GS Stephen Hawking tại buổi họp báo ở London ngày 2/12 - (Ảnh: một hãng tin quốc tế)

Phần mềm giao tiếp này giúp giảm bớt các cử động cần thiết khi nói, đồng thời giúp GS Hawking lần đầu tiên gửi được những tệp tin đính kèm trong email. Ông có thể “viết” trên máy tính bằng cách sử dụng thiết bị cảm ứng trên má gắn với công tắc hồng ngoại trên kính, giúp ông chọn các ký tự muốn diễn đạt.

Hãng Intel cho biết nhờ phần mềm này, “tốc độ gõ văn bản của GS Hawking đã tăng gấp hai và cải thiện hiệu quả gấp mười lần trong các thao tác thông thường”. Hãng SwiftKey của Anh còn số hóa toàn bộ tác phẩm của giáo sư để máy tính mau chóng đoán biết ông đang định nói gì.

Cũng tại cuộc họp báo, GS Stephen Hawking chỉ ra kinh nghiệm bản thân mình: “Thuốc thang đã không thể cứu chữa tôi, vậy nên tôi dựa vào công nghệ để giúp mình giao tiếp và tồn tại”. Hiện có hơn 3 triệu người bị bệnh liệt tứ chi và bệnh viêm tế bào thần kinh vận động trên toàn thế giới.

Theo BBC, giáo sư Hawking tuyên bố: “Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện có thể dẫn tới sự diệt vong của loài người”. Ông đưa ra cảnh báo bi quan này sau khi sử dụng một công nghệ AI do Hãng Intel phát triển để giao tiếp.

Công nghệ này học cách giáo sư Hawking tư duy và gợi ý những từ ngữ mà ông muốn sử dụng. Giáo sư mô tả phiên bản AI sơ khai này vô cùng có ích nhưng cũng khiến ông lo sợ.

“Loài người có thể sẽ chế tạo ra AI với khả năng tự tư duy, tự thiết kế lại bản thân với tốc độ cao. Loài người bị hạn chế bởi quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp sẽ không thể cạnh tranh với AI và sẽ bị vượt qua” - giáo sư Hawking nhấn mạnh.

Không chỉ có giáo sư Hawking, mới đây doanh nhân công nghệ nổi tiếng Elon Musk cũng lên tiếng cảnh báo AI là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với con người. Những người khác cũng bày tỏ mối lo ngại thuần kinh tế rằng sự phát triển của máy móc thông minh sẽ khiến hàng triệu người mất việc làm.

Tuy nhiên những chuyên gia khác cho rằng mối nguy cơ từ AI đã bị thổi phồng. Nhà khoa học Rollo Carpenter, người chế tạo phần mềm nổi tiếng Cleverbot, cho rằng loài người sẽ tiếp tục làm chủ công nghệ trong một thời gian dài nữa.

Ông dự báo phải nhiều thập niên nữa giới khoa học mới có thể chế tạo được những siêu máy tính và thuật toán đạt đến tầm trí tuệ nhân tạo đầy đủ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận