Pan Jian, đồng chủ tịch của hãng sản xuất pin CATL, cũng là nhà cung cấp chính của Tesla, chia sẻ tại hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos, Thụy Sĩ, rằng các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang từ bỏ thuật ngữ truyền thống EV (xe điện) để thay bằng "EIV", tức xe điện thông minh.
Pan phát biểu tại phiên thảo luận rằng: "Chúng tôi thực sự không còn gọi nó là EV nữa. Chúng tôi gọi nó là EIV. 'I' đại diện cho thông minh".
Theo Pan, nguyên nhân thị trường ôtô điện Trung Quốc bùng nổ là nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa "E" (điện) và "I" (thông minh). "E hỗ trợ I, mang đến loạt tính năng mới cho người tiêu dùng mà ôtô động cơ đốt trong truyền thống không thể cung cấp", ông cho biết.
Đại diện của CATL cho biết thuật ngữ "EIV" chưa phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc nhưng đang ngày càng được ưa chuộng.
Trong những năm gần đây, thị trường ôtô điện tại Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ với nhiều mẫu xe giá cả phải chăng nhưng trang bị các công nghệ tiên tiến.
Tháng 3/2024, hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi ra mắt mẫu sedan SU7 với giá 30.000 USD, tích hợp tính năng lái tự động cao cấp và nhận diện giọng nói, cho phép người lái điều khiển thiết bị gia dụng từ trong xe. Cùng năm, hãng Xpeng giới thiệu mẫu P7+ giá 26.000 USD vào tháng 11, được mô tả là chiếc xe đầu tiên trên thế giới "định nghĩa bởi AI".
Vào tháng 1/2024, hãng xe đối thủ của Tesla là BYD thông báo sẽ chi 14 tỷ USD vào công nghệ trí tuệ nhân tạo và tự lái - một phần trong nỗ lực của các hãng ôtô nhằm cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông minh.
Theo Zoe Zhang, một nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rho Motion, thuật ngữ "EIV" đã phổ biến ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất ôtô đang nỗ lực duy trì sự hiện diện trong thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt của quốc gia này bằng cách cung cấp các hệ thống lái và phần mềm tiên tiến hơn.
"Tôi nghĩ rằng ngày càng nhiều nhà sản xuất ôtô sẽ thực sự cạnh tranh về trải nghiệm người dùng", Zhang nhận định.
Zhang cho biết các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ để làm cho các mẫu xe điện của họ thông minh hơn và tự xây dựng phần cứng, như chip.
Theo Zhang, việc tích hợp các chức năng thông minh trên xe điện dễ dàng hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống do sự hỗ trợ của chip. Đây là một trong những lý do mà các công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc như Xiaomi và Huawei chuyển hướng sang xe điện.
Tại Davos, Pan cũng ca ngợi lực lượng kỹ sư phần mềm tài năng của Trung Quốc, được nuôi dưỡng bởi các công ty trong nước như Xiaomi, Alibaba và Tencent. Ông cho rằng điều này mang lại lợi thế cho ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.
Nhận định của Pan diễn ra khi doanh số xe điện ở Trung Quốc dự kiến tăng 20% trong năm nay, đạt hơn 12 triệu chiếc và lần đầu tiên vượt qua doanh số dòng xe truyền thống.
Mỹ Anh (theo Business Insider)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận