Giấy phép lái xe hạng B2 của Ngọc Hưng (36 tuổi, Bình Dương) hết hạn vào cuối tháng 1 năm nay. Để đỡ phải ra tận nơi, Hưng thực hiện thủ tục đổi bằng online qua Cổng Dịch vụ công. Thủ tục chuyển đổi được duyệt nhanh chóng, Hưng nhận bằng lái mới sau đó một tuần. Tuy vậy, Hưng bất ngờ khi thấy bằng lái hạng B mới không còn cho phép anh chở hàng nặng như trước.
Cụ thể, bằng B mới cho phép tài xế lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn, khối lượng này ngoài trọng lượng xe, còn tính cả người ngồi trên xe, hành lý, hàng hóa. Trong khi đó, với bằng B2 cũ, tài xế được lái xe tải có khối lượng hàng dưới 3,5 tấn, tức không cần quan tâm khối lượng của xe, người.

Như vậy, bằng B mới có giới hạn chở hàng ít hơn bằng B2 cũ. Nếu như trước đây sử dụng bằng B2, tài xế có thể lái những loại xe tải 3,5 tấn thì với bằng B hiện nay, nếu muốn chở đầy hàng, tài xế chỉ có thể sử dụng loại 1,9 hoặc 1,5 tấn thì mới đảm bảo khối lượng toàn bộ không quá 3,5 tấn.
"Do tôi không tìm hiểu trước điều này, và anh em bạn bè của tôi họ chủ yếu đổi qua B, không có nhu cầu chở nặng như tôi, nên tôi đã sai sót trong việc đổi bằng", Hưng nói, và mong muốn rằng các cơ quan chức năng có giải pháp thu hồi những trường hợp sai sót như anh, cho tài xế có cơ hội đổi lên hạng bằng như mong muốn, thay vì phải học và thi lại.
Trên các hội nhóm tài xế xe tải, nhiều người cũng rơi vào tình trạng như Hưng, vì cho rằng chữ cái vẫn là B, chỉ nhóm lại cách gọi tên thay cho B1, B2 nên không xem xét kỹ quy định cụ thể về trọng tải.
Trả lời về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết nếu để phục vụ mục đích lái xe tải có trọng tải đến 3,5 tấn, tài xế được phép đổi từ bằng B1, B2 cũ sang bằng C1 mới. Cụ thể, bằng C1 có thể lái các xe bằng B và xe tải có khối lượng toàn bộ trên 3,5 đến 7,5 tấn.
Tuy vậy, Cục cho biết hiện nếu thực hiện đổi giấy phép online, tài xế chỉ có thể chọn chuyển sang bằng B. Nếu muốn chuyển sang C1, cần nộp đơn trực tiếp tại các cơ sở cấp đổi, và phải có giấy khám sức khỏe chứng nhận đủ điều kiện lái xe hạng C1, với những yêu cầu về thể chất/tinh thần cao hơn so với hạng B.
Bên cạnh đó với những tài xế lỡ chuyển từ B1, B2 sang B, nếu muốn chuyển lên hạng C1 có thể liên hệ Sở GTVT (nơi cấp bằng lái hạng B) để làm thủ tục hủy giấy phép đã cấp và làm lại thủ tục cấp sang C1.

Một dòng xe tải 3,5 tấn với trọng tải 3.490 kg, có thể lái bởi bằng B2 trước đây. Ảnh: Isuzu Cần Thơ
Trong những ngày qua, đổi bằng lái xe trở thành đề tài nóng ở TP HCM và một số tỉnh thành khác. Kể từ Tết Nguyên đán, lượng người đi đổi bằng tăng đột biến vì nhiều lý do khác nhau, gây quá tải các trung tâm cấp đổi.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng một trong những nguyên nhân là người dân chưa hiểu đầy đủ quy định mới, đổi hạng bằng lái, lo lắng về các mức phạt, hoặc các xáo trộn về quy trình cấp đổi khi sắp tới việc này chuyển quản lý qua Bộ Công an, thay vì Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay. Bên cạnh đó, việc thiếu phôi, vật tư in cũng khiến nhiều tài xế phải chờ lâu để có thể nhận được bằng mới khi cấp đổi.
Hiện đến sáng 19/2, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tiếp tục cấp đổi giấy phép lái xe trong lúc chờ chuyển giao nhiệm vụ này cho Bộ Công an.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận