Việc mua lại một nhà máy có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ôtô nổi tiếng của Đức, nơi có một số thương hiệu ôtô lâu đời và danh tiếng nhất thế giới.
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp lớn tại châu Âu, từ viễn thông đến robotics, nhưng vẫn chưa thiết lập việc sản xuất ôtô truyền thống ở đây mặc dù Mercedes có hai cổ đông lớn từ Trung Quốc.
Volkswagen từ lâu đã là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Đức, nhưng thương hiệu này đang bị đe dọa bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu và sự chuyển đổi sang công nghệ xanh.
Sản xuất ôtô điện tại Đức để bán tại châu Âu sẽ giúp các hãng xe điện của Trung Quốc tránh được thuế quan đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời có thể tạo ra thêm thách thức đối với khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất châu Âu.
Trong khi đó, tập đoàn ôtô lớn nhất châu Âu Volkswagen, sở hữu các thương hiệu như Porsche, Audi và Skoda, đang nghiên cứu các giải pháp thay thế cho nhà máy Dresden và Osnabrueck trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ các công ty Trung Quốc. Doanh số của Volkswagen đã giảm sút, dẫn đến nhu cầu phải tiết giảm hoạt động tại thị trường quê nhà.
Các giám đốc của Volkswagen đã có ý định đóng cửa một số nhà máy nhưng vấp phải sự phản đối từ công đoàn. Trong thỏa thuận đạt được trước Giáng sinh, việc ngừng sản xuất sẽ được thực hiện tại Dresden, nơi có 340 công nhân sản xuất mẫu xe điện ID.3, từ năm 2025, và Osnabrueck, nơi 2.300 nhân viên sản xuất T-Roc Cabrio, từ năm 2027.
Theo một nguồn tin của Reuters, Volkswagen có thể bán nhà máy Osnabrueck cho một khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn lo ngại về cách họ sẽ được đón nhận bởi các công đoàn Đức, những tổ chức nắm giữ một nửa số ghế trong ban cố vấn của các công ty Đức.
Stephan Soldanski, đại diện công đoàn từ Osnabrueck, cho biết: "Chúng tôi có thể sản xuất cho một đối tác liên doanh Trung Quốc nhưng dưới logo Volkswagen và theo tiêu chuẩn Volkswagen. Đó là điều kiện chính yếu".
Nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc tin rằng việc chinh phục được người tiêu dùng khó tính của Đức là một tiêu chí quan trọng đánh dấu sự thành công.
Việc bán nhà máy có thể hiệu quả hơn so với đóng cửa đối với Volkswagen, theo một chuyên gia ngân hàng, và có thể thu về 100-300 triệu euro (103 triệu USD đến 309 triệu USD) mỗi nhà máy.
Lúc này, nhiều nhà sản xuất ôtô của Trung Quốc đang tìm kiếm các địa điểm để xây dựng nhà máy tại châu Âu, thị trường ôtô điện lớn thứ hai thế giới, nhằm tránh các thuế quan do Ủy ban châu Âu áp đặt trong 2024.
Hầu hết các hãng đã chọn xây dựng nhà máy mới tại các quốc gia có chi phí thấp hơn, như BYD tại Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Leapmotor đang lên kế hoạch sản xuất cùng Stellantis ở Ba Lan, và Chery sẽ bắt đầu sản xuất ôtô điện trong năm nay tại một nhà máy từng thuộc sở hữu của Nissan ở Tây Ban Nha.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã khảo sát các nhà máy ở Tây Âu, bao gồm cả nhà máy của Ford ở Saarlouis, Đức, và nhà máy Audi của Volkswagen ở Brussels, Bỉ.
Vào tháng 11/2024, các nguồn tin cho biết Leapmotor đang xem xét sử dụng một nhà máy ở Đức để sản xuất ôtô điện. Chery nói đang đánh giá các lựa chọn để sản xuất tại châu Âu và dự kiến đưa ra quyết định trong năm nay.
Một giám đốc của Chery tại châu Âu từng tiết lộ rằng việc mua một nhà máy hiện có sẽ nhanh hơn, nhưng một nhà máy mới sẽ cho phép Chery xây dựng theo tiêu chuẩn mới nhất. BYD cũng cho biết hãng có mục tiêu dài hạn tại châu Âu.
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận