Ở Nhật Bản, có một thị trường sôi động cho các loại xe kei-van được tùy chỉnh để giống như những mẫu cổ điển. Những phương tiện nhỏ gọn và thực dụng này thu hút cả những tài xế trẻ tuổi và những người đam mê tìm kiếm một chuyến đi vui vẻ và hoài niệm. Chẳng hạn như chiếc Daihatsu Atrai 1998 dưới đây, được chỉnh sửa để trông như mẫu Volkswagen Type II Microbus.
Sự giống nhau đã thu hút sự chú ý của Volkswagen và hãng Đức yêu cầu Cars & Bids - sàn đấu giá xe trực tuyến - gỡ bỏ cuộc đấu giá. Website hợp tác và thậm chí đồng ý không liệt kê các phương tiện tương tự trong tương lai.
Những ngày đầu của buổi đấu giá không có gì khác thường. Kể cả YouTuber nổi tiếng Doug DeMuro cũng đánh giá cao chiếc xe, nói rằng nó sẽ "chắc chắn thu hút mọi ánh nhìn ở bất cứ đâu nó đi qua". Nhưng mọi việc đã phải dừng lại giữa chừng.
Cars & Bids đưa ra thông báo dưới đây sau khi bất ngờ hủy bỏ phiên đấu giá, với tuyên bố trong phần bình luận của danh sách đấu giá:
"Đầu tuần này, chúng tôi đã nhận được một lá thư yêu cầu ngừng và hủy bỏ từ một công ty đại diện cho Volkswagen Bắc Mỹ, cho rằng thiết kế của chiếc van này vi phạm nhãn hiệu được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ - bao gồm cả logo cũng như thiết kế của xe buýt Volkswagen. Chúng tôi không tin rằng những yêu cầu này có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi muốn đảm bảo rằng người bán hay người chiến thắng trong phiên đấu giá không gặp phải vấn đề nào, và do đó, đã đưa ra quyết định khó khăn là hủy phiên đấu giá này".
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Volkswagen lại quan tâm đến việc có người gắn mác giả và sơn lại một chiếc xe mà đa số mọi người không bao giờ nhầm lẫn với một chiếc Type II Microbus thật? Thực tế là Volkswagen phải hành động để bảo vệ hình ảnh của các mẫu xe này.
Sự nhạy cảm của Volkswagen trở nên dễ hiểu hơn khi xét đến mẫu xe mới ID. Buzz, phiên bản Microbus điện có giá 70.000 USD với phạm vi di chuyển hơn 321 km, được xây dựng gần như hoàn toàn dựa trên sự hoài niệm về phiên bản gốc. Vì thế, một chiếc xe giả mạo giá rẻ là thứ hãng Đức không mong muốn và sẽ không để xảy ra.
Câu hỏi khác được đặt ra, tại sao Volkswagen không trao đổi với các chủ xe để gỡ bỏ logo? Hãng Đức dường như không có ý định làm việc với các cá nhân về vấn đề này. Vào năm 2021, hãng nhờ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) thu giữ một chiếc van tương tự.
Khi chủ sở hữu phát hiện ra, anh ta đề nghị Volkswagen sẽ gỡ bỏ logo hãng, sơn lại xe và ký một thỏa thuận bảo mật. Tuy nhiên, chiếc xe đã bị nghiền nát.
Mỹ Anh (theo Carscoops)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận