Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị ngứa da?

Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị ngứa da?

TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích (chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, ngứa da là triệu chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường nếu không điều trị sớm gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người bệnh, nhất là người có da khô hoặc bệnh thần kinh tiểu đường thường gặp các vấn đề về da như: khô, ngứa, nhiễm trùng; thường xảy ra cục bộ hơn toàn thân. Những bộ phận dễ bị ngứa bao gồm: da đầu, mắt cá chân, bàn chân, thân hoặc cơ quan sinh dục.

Tình trạng này thường do máu lưu thông kém, phản ứng của da với thuốc trị tiểu đường hoặc tiêm insulin... Bệnh tiểu đường khiến cơ thể mất nhiều nước khi đi tiểu hoặc bốc hơi qua da làm da khô, ngứa. Ngứa thường xuất hiện nhiều ở cẳng chân, bàn chân. Các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này ở người bệnh tiểu đường type 2 bao gồm: tuổi, thời gian mắc bệnh, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh võng mạc, bệnh thận mạn tính, nồng độ đường trong máu lúc đói, nhiễm trùng, nhiễm nấm candida...

Bác sĩ Bích chia sẻ thêm, bệnh tiểu đường gây ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số lý do.

Suy thận và suy gan: Người bệnh tiểu đường gặp các biến chứng như: suy thận hoặc suy gan dễ gây ngứa da ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Vi khuẩn: Lượng đường trong máu cao làm hệ miễn dịch suy yếu, tăng khả năng nhiễm trùng da nếu vi khuẩn xâm nhập. Vết cắt, phồng rộp hoặc vết nứt trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, gây nguy cơ nhiễm trùng da, ngứa, viêm nang lông. Tùy vào tình trạng da, bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc uống bôi lên vùng da bị ngứa để tiêu diệt vi khuẩn, giúp da mau phục hồi.

Ngứa da do máu lưu thông kém, tác dụng phụ của thuốc tiểu đường khiến người bệnh khó chịu. Ảnh: Freepik

Ngứa da do máu lưu thông kém, tác dụng phụ của thuốc tiểu đường khiến người bệnh khó chịu. Ảnh: Freepik

Nhiễm nấm: Người bệnh có hệ miễn dịch yếu nên dễ nhiễm nấm, nhiễm trùng gây ngứa da, thường xuất hiện ở giữa các ngón chân. Bệnh nấm da chân do nấm candida thường phát triển ở các nếp gấp của da (nếp gấp ở khuỷu tay, chân, háng, cổ, nách...). Người bệnh cần thoa kem chống nấm tại chỗ để tiêu diệt nấm, ngăn nhiễm trùng để cải thiện tình trạng da.

Dị ứng thuốc: Khi gặp tình trạng ngứa da do dị ứng thuốc, người bệnh nên đến bác sĩ khám để điều trị kịp thời, thay đổi toa thuốc phù hợp, tránh làm tổn thương da. Các sản phẩm như: nước hoa, thuốc nhuộm, xà phòng chứa chất tẩy mạnh có thể làm khô da, dẫn đến ngứa. Một số loại thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe khác thường gặp ở người bệnh tiểu đường như: huyết áp cao, cholesterol xấu LDL trong máu cao cũng gây ngứa da.

Tổn thương mạch máu: Khi máu lưu thông kém, ngứa có nhiều khả năng xảy ra ở phần dưới của chân. Đôi khi, ngứa da xảy ra do các sợi thần kinh ở lớp ngoài của da bị tổn thương. Lượng đường trong máu cao làm tổn thương các sợi thần kinh, nhất là ở bàn chân, bàn tay gây biến chứng đa dây thần kinh hoặc bệnh thần kinh ngoại biên khiến người bệnh ngứa da.

Lượng cytokine (chất gây viêm) cao trong cơ thể cũng gây ngứa, tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu người bệnh tổn thương thần kinh không được điều trị sớm dẫn đến bệnh thần kinh phát triển, khiến ngứa lâu khỏi.

Khi có triệu chứng ngứa da, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường và chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để kiểm tra sức khỏe, điều trị, tránh nguy hiểm sức khỏe.

Mai Hoa

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận