Bộ TT&TT sẽ trình Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019

Bộ TT&TT sẽ trình Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019

Hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hôm nay, ngày 19/11/2018 tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình chung đang diễn ra trên thế giới; tất cả các ngành, các lĩnh vực đều sẽ phải thay đổi, thực hiện công cuộc chuyển đổi số để có thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ.

“Công cuộc chuyển đổi số không còn là việc riêng của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào mà tất cả đều phải chấp nhận sự thay đổi, bởi nếu không thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau và thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn tại của tổ chức, doanh nghiệp, hay sự phát triển trong tương lai của tổ chức, doanh nghiệp đó”, Thứ trưởng nói.

Bộ TT&TT sẽ trình Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng bày tỏ mong muốn tại hội thảo “Chuyển đối số: Cơ hội và Thách thức” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia cùng nhau nhìn rõ hơn các cơ hội và thách thức của cuộc chuyển đổi số để có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới; cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong tiến trình chuyển đổi số để phù hợp với sự phát triển công nghệ, cũng như thay đổi cách thức quản lý cũng như phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh để cùng nhau phát triển.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, trong tham luận “Tổng quan về quá trình chuyển đổi số của Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - đơn vị hiện đang được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, đã làm rõ 6 câu hỏi lớn xoay quanh đến vấn đề chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng tại Việt Nam, bao gồm: Khái niệm chuyển đổi số? Tại sao phải chuyển đổi số? Khi nào chuyển đổi số? Ai phải chuyển đổi số? Chuyển đổi số ở các lĩnh vực trọng điểm nào? Và đâu là những giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Theo ông Phúc, trên thế giới có hàng ngàn định nghĩa, khái niệm về chuyển đổi số, tuy nhiên có 3 khái niệm tương đối gần gũi với nhận thức tại Việt Nam, bao gồm: Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh và tạo ra những cơ hội doanh thu và giá trị mới ; Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình lại với nhau để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh trong thế giới số (Microsoft); Chuyển đổi số là những thay đổi một cách tổng thể và toàn diện liên quan đến ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của đời sống và xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau (techopedia.com).

Trên cơ sở nghiên cứu các khái niệm, người đứng đầu Cục Tin học hóa đưa ra nhận định: Chuyển đối số gắn với 3 đối tượng rõ ràng là con người; doanh nghiệp; cơ quan nhà nước. Với con người, chuyển đổi số về bản chất là dùng công nghệ số để thay đổi cách thức con người sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số là dùng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, làm cho mô hình kinh doanh hoàn toàn khác với cách chúng ta đang làm (Ví dụ như Grab, Uber là mô hình kinh doanh dịch vụ taxi nhưng không sở hữu chiếc taxi nào; hay Airbnb cung cấp dịch vụ lưu trú mà không hề có phòng khách sạn); dùng dữ liệu số để thay đổi quy trình cung cấp dịch vụ ra ngoài; công nghệ số làm thay đổi sản phẩm, dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ không như truyền thống.

Còn với cơ quan nhà nước, đại diện Cục Tin học hóa phân tích, chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu số để thay đổi trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ mà cơ quan nhà nước cung cấp. Cơ quan nhà nước không chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến tích hợp, mà còn phải thay đổi quy trình nghiệp vụ, trong tương lai nhiều nghiệp vụ hiện nay sẽ không còn tồn tại mà được thay bằng những nghiệp vụ mới thông minh hơn. “Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi mô hình, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.

Bộ TT&TT sẽ trình Đề án chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, chuyển đổi số hiện đã và đang diễn ra ở Việt Nam song mới chỉ diễn ra ở từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, chứ chưa diễn ra ở góc nhìn tổng thể, toàn diện của một quốc gia.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc nêu rõ 3 xu hướng buộc các doanh nghiệp, tổ chức phải tiến hành chuyển đổi, đó là chuyển đổi số đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong GDP; góp phần làm tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm.

Ông Phúc thông tin, theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những gì chuyển đổi số đem lại cho GDP chiếm khoảng 6% vào năm 2017; đến năm 2019 dự báo sẽ là 25% và đến năm 2021 sẽ chiếm khoảng 60%.

Viện dẫn một số liệu khác của McKinsey&Company, đại diện Cục Tin học hóa cho hay, nghiên cứu của hãng này đưa ra dự báo tỷ lệ đóng góp của chuyển đổi số vào GDP tại một số nước vào năm 2025 là 25,3% với Mỹ; khoảng 35% với Brazil; EU là 36,2% và Úc là 44,1%. “Qua 2 con số của 2 tổ chức nghiên cứu độc lập đã cho thấy chuyển đổi số sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng GDP các nước”, ông Phúc chia sẻ.

Nhận định Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số sẽ làm tăng năng suất lao động, trong tham luận của mình, ông Phúc nêu, nghiên cứu năm 2017 của Microsoft và IDG cũng đã chỉ ra rằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển đổi số tác động, làm tăng năng suất lao động khoảng 15% trong năm ngoái nhưng con số này sẽ tăng lên 21% vào năm 2020.

Thông tin về những thay đổi trong cơ cấu việc làm do tác động của chuyển đổi số, theo đại diện Cục Tin học hóa, báo cáo của Microsoft và IDG cho thấy, trong vòng 3 năm tới, 85% công việc sẽ phải thay đổi, chuyển hóa; trong đó, có 32% công việc đòi hỏi người lao động phải được đào tạo nâng cao kỹ năng số thì mới làm việc lại; 26% công việc mới tạo ra nhờ chuyển đổi số (chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên gia AI); và có tới 27% công việc sẽ biến mất do tác động của chuyển đổi số…

Đề cập đến chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc nhận định, chuyển đổi số hiện đã và đang diễn ra ở Việt Nam song mới chỉ diễn ra ở từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, chứ chưa diễn ra ở góc nhìn tổng thể của một quốc gia. Đây chính là lý do Bộ TT&TT đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu là để chúng ta có cách nhìn tổng thể về công cuộc chuyển đổi số từ góc độ quốc gia. Đề án dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2019”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.

Trên cơ sở những nghiên cứu bước đầu về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đại diện Cục Tin học hóa đã nêu ra một số lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên chuyển đổi số như: Giáo dục; Y tế; Nông nghiệp; Môi trường; Du lịch; Thanh toán, ngân hàng; đô thị thông minh…

Cùng với đó, đại diện Cục Tin học hóa đã đề xuất 5 nhóm giải pháp cần được tập trung triển khai trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam sắp tới, bao gồm: Tuyên truyền; Hạ tầng số; An toàn thông tin cho chuyển đổi số; Nhân lực số; và Môi trường pháp lý cho chuyển đổi số.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận