Bước chuyển mới của giáo dục trực tuyến

Bước chuyển mới của giáo dục trực tuyến

Giáo dục trực tuyến đã chuyển từ một nhu cầu mơ hồ, có thì tốt mà không có cũng không sao, thành một giải pháp có tính cách áp đặt của các trường.

Tác giả bài viết, TS Giáp Văn Dương. Ảnh: GD&TĐ
Tác giả bài viết, TS Giáp Văn Dương. Ảnh: GD&TĐ

Nếu được thừa nhận như một hình thức giáo dục chính thống và được hướng dẫn về mặt pháp lý, giáo dục trực tuyến sẽ chuyển mình sang một giai đoạn mới, tạo ra một hệ sinh thái giáo dục phong phú và đa dạng hơn so với hệ sinh thái giáo dục hiện thời.

Nhìn lại một chặng đường

Cách đây 7 năm, tôi khởi động dự án giáo dục trực tuyến GiapSchool dưới dạng MOOC (khóa học trực tuyến mở đại trà), với mong muốn góp phần thu hẹp khoảng cách tri thức giữa Việt Nam và thế giới. Lúc đó, MOOC được coi là một làn gió mới của giáo dục đại học, khi tất cả các trường đại học lớn trên thế giới đều nhập cuộc.

Sau một thời gian triển khai, dự án đã bị đình lại vì những khó khăn điển hình của một dự án xã hội – phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, sau này nhìn lại, thì thấy những lý do chính làm cho dự án phải dừng lại là:

• Nguồn lực tài chính và nhân sự quá hạn chế cho một dự án MOOC;

• Không chủ động được về công nghệ, chọn sai platform (Google Course Builder đã bị chính Google bỏ rơi sau đó);

• Nhu cầu giáo dục trực tuyến của phân khúc dự án nhắm tới (đại học và sau đại học) không rõ ràng, người học không có động lực học trực tuyến;

• Thay vì triển khai như một dự án khởi nghiệp thì lại triển khai như một dự án từ thiện-xã hội, dẫn đến không có doanh thu để bù đắp chi phí.

Ở Việt Nam, nhiều trường đại học công lập cũng đã có những dự án đầu tư cho giáo dục trực tuyến hoặc MOOC lớn, nhưng cơ bản là thất bại. Còn một số đại học tư có dự án giáo dục trực tuyến tuy thành công hơn so với các dự án của đại học công, nhưng cũng chưa đến mức có thể phát triển độc lập, tách ra khỏi trường đại học mẹ để tự sống. Lý do có lẽ cũng không nằm ngoài những điều mà tôi đã chỉ ra ở trên, dù đã được đầu tư bài bản và tương đối lớn.

Nhìn ra khối doanh nghiệp thì thấy, có một số doanh nghiệp triển khai giáo dục trực tuyến thành công, vì họ có mô hình kinh doanh thực sự, có doanh thu đủ lớn để bù đắp chi phí. Và ngay từ đầu, các dự án giáo dục trực tuyến này đã được xác định là một dự án kinh doanh, vì thế, họ đã chọn các phân khúc mà xã hội thực sự có nhu cầu, như: Luyện thi, Tiếng Anh, Kỹ năng mềm, Kỹ năng làm việc… thay vì tiến công vào các phân khúc có tính ‘hàn lâm’ và nhu cầu không rõ ràng như các khóa học chuyên ngành ở bậc đại học của MOOC.

Bước chuyển mới

Câu chuyện có lẽ sẽ tiếp tục nhiều năm như vậy nữa, nếu không có sự kiện Covid-19 từ đầu năm 2020.

Do sự xuất hiện và bùng phát của dịch Covid-19, nhà trường buộc phải đóng cửa. Sau 1-2 tháng chờ đợi mà dịch không qua, giáo dục trực tuyến trở thành công cụ duy nhất để tiếp tục các hoạt động giáo dục, ở tất cả các bậc học, từ tiểu học đến đại học. Nếu không, sẽ không có cách nào để kết thúc năm học. Vì thế, giáo dục trực tuyến đã chuyển từ một nhu cầu mơ hồ, có thì tốt mà không có cũng không sao, thành một giải pháp có tính cách áp đặt của các trường, đặc biệt là khối trường tư.

Trong sự dịch chuyển đó, tôi cũng đã trở lại giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, thay vì đầu tư cho platform và xây dựng các khóa MOOC, lần này, tôi thử nghiệm cách dạy trực tuyến như hầu hết các trường đang thực hiện: Dạy trực tuyến dưới dạng video conference (hội nghị trực tuyến) mà ở đó, cả thầy và trò cùng tham gia một lúc. Mục đích là để hiểu hơn về cách giáo dục này, và có trải nghiệm cụ thể, nhằm đánh giá hiệu quả của giáo dục trực tuyến.

Kết hợp trải nghiệm dạy trực tuyến của bản thân như một giáo viên, quan sát cách học trực tuyến của các con mình như một người học và trực tiếp tham gia một vài hội thảo trực tuyến do làm việc từ xa, tôi có thể rút ra vài kinh nghiệm sơ bộ, và chủ quan, như sau:

• Giáo dục trực tuyến hiện các trường đang triển khai hiện thời vẫn đang như một giải pháp tự phát và tình thế để đối phó với Covid-19, vì thế không có chuẩn và phương pháp chung. Chất lượng giáo dục thay đổi rất nhiều, phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của giáo viên và lựa chọn công nghệ của nhà trường.

• Hình thức học tập trực tuyến dưới dạng video conference có tính đồng bộ cao hơn so với MOOC hoặc e-learning, do người dạy và người học xuất hiện cùng một lúc, vì thế tỷ lệ bỏ học thấp hơn, kết quả học tập của học viên được cải thiện hơn so với các khóa học trực tuyến thông thường.

• Platform triển khai giáo dục trực tuyến đa dạng (Google Classroom, Zoom, Teams, Moodle, Canvas, các platform do các doanh nghiệp phát triển… ) có vai trò quan trọng để truyền tải nội dung khóa học, tạo sự thuận tiện khi giảng dạy, nhưng không phải là yếu tố quyết định.

• Yếu tố quyết định sự thành công của khóa học là nhu cầu học tập thực sự của người học, kỹ năng sư phạm của người dạy và sự hấp dẫn của nội dung được trình bày.

Như thế có thể thấy: Yếu tố quyết định sự thành công của giáo dục trực tuyến vẫn là giáo viên, chứ không phải là công nghệ. Ta có thể hình dung rõ hơn vai trò của hai yếu tố này qua so sánh với việc làm bếp, như sau: Công nghệ chỉ đóng vai trò như một cái nồi, dù có là cái nồi hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ là một công cụ. Chất lượng của món ăn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng nguyên vật liệu đầu vào và kỹ năng của người làm bếp.

Nếu có cái nồi hiện đại thì công việc của người đầu bếp sẽ nhanh hơn và thuận lợi hơn rất nhiều, và trong nhiều trường hợp, chính công nghệ và quy trình vận hành của cái nồi hiện đại sẽ bù đắp được thiếu hụt về kỹ năng của người đầu bếp. Tuy nhiên, chính kỹ năng và trình độ của người đầu bếp sẽ quyết định chất lượng của món ăn, chứ không phải cái nồi mà họ sử dụng.

Với cá nhân tôi thì đây là một nhận định nhất quán từ trước đến nay khi bàn về vai trò của công nghệ và giáo viên trong triển khai giáo dục trực tuyến. Trong ngắn hạn, sự thuận tiện của công nghệ sẽ phần nào làm choáng ngợp những người làm chính sách và các nhà giáo, nhưng sau một thời gian, chất lượng nội dung và kỹ năng sư phạm mới là yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình giáo dục trực tuyến mà họ triển khai.

Ngoài ra, một yếu tố tối quan trọng khác chưa bàn đến ở đây, đó là ngoài công nghệ và sư phạm thì tính pháp lý và chính danh của giáo dục trực tuyến, được các cơ quan quản lý giáo dục thừa nhận, cũng đóng vai trò quyết định cho sự thành công của giáo dục trực tuyến trên diện rộng.

Nếu được thừa nhận như một hình thức giáo dục chính thống và được hướng dẫn về mặt pháp lý, giáo dục trực tuyến sẽ chuyển mình sang một giai đoạn mới, tạo ra một hệ sinh thái giáo dục phong phú và đa dạng hơn so với hệ sinh thái giáo dục hiện thời.

Các hình thức giáo dục phi truyền thống như homeschooling (học tại gia), cách thức đánh giá và cấp chứng chỉ giáo dục, các phương pháp giảng dạy mới, cũng nhờ đó mà có cơ hội được thử nghiệm và phát triển.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận