Hơn 4.600 cơ sở bán buôn, nhà thuốc tại Hà Nội sẽ hoàn thành kết nối mạng trong 2018

Hơn 4.600 cơ sở bán buôn, nhà thuốc tại Hà Nội sẽ hoàn thành kết nối mạng trong 2018

Hơn 4.600 cơ sở bán buôn, nhà thuốc tại Hà Nội sẽ hoàn thành kết nối mạng trong 2018

Tháng 9/2018 là thời hạn UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế và UBND quận/huyện/thị xã phải hoàn thành kế hoạch chi tiết về triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc và thực hiện Kế hoạch 155 trên địa bàn Thành phố và tại các quận/huyện, thị xã (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế, Công Thương, TT&TT và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và thực hiện Kế hoạch 155 ngày 7/8/2018 của UBND Thành phố về thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020” (Kế hoạch 155).

UBND Thành phố cho biết, Hà Nội là một trong những trung tâm sản xuất và phân phối dược phẩm lớn của cả nước, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân, công tác quản lý nhà nước về dược thời gian qua đã được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng và bán thuốc kê đơn không có đơn.

Trong công văn mới ban hành, UBND TP.Hà Nội giao Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch 155; đề xuất thành lập tổ công tác của Thành phố gồm lãnh đạo các Sở Y tế, Công Thương, TT&TT, Viettel Hà Nội trình Ủy ban phê duyệt; đồng thời tổ chức kết nối các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nhà thuốc/quầy thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh và tủ thuốc trạm y tế xã trên địa bàn Thành phố, hoàn thành trong năm 2018.

Cụ thể, tháng 9/2018 là thời hạn UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế và UBND quận/huyện/thị xã phải hoàn thành kế hoạch chi tiết về triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc và thực hiện Kế hoạch 155 trên địa bàn Thành phố và tại các quận/huyện, thị xã, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp CNTT tham gia.

Cũng trong tháng 9/2018 này, các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc/quầy thuốc/tủ thuốc trong các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế cùng các Bệnh viện, Trung tâm Y tế và Trạm Y tế phải được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để có thể sử dụng thành thạo phần mềm kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc; đồng thời nắm vững các quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc (gồm các cơ sở bán buôn, các nhà thuốc/quầy thuốc/tủ thuốc trong các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) phải được hoàn tất trong quý IV/2018.

Quý IV/2018 cũng là thời hạn UBND các quận/huyện, thị xã và Viettel Hà Nội cùng các Công ty cung cấp phần mềm phải hoàn thành việc kết nối liên thông phần mềm của các nhà thuốc tư nhân. Riêng với các quầy thuốc tư nhân, việc tổ chức kết nối các cơ sở cung ứng thuốc này được yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2019.

Sở TT&TT có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, thực hiện kê đơn và bán thuốc theo đơn. Sở Công Thương đảm trách tăng cường kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc việc mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, thuốc giả, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Trước đó, như ICTnews đã đưa tin, ngày 24/8/2018, gày 24/8, tại TP.Hưng Yên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh Hưng Yên và Viettel đã bấm nút khai trương hệ thống CNTT quản lý chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, phát lệnh kết nối mạng các nhà thuốc trong cả nước. Tại thời điểm đó, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, đã có 25 tỉnh, thành phố tham gia kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, có 1915 cơ sở đã thực hiện kết nối mạng, quản lý được  22.196 đơn thuốc.

Với Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế, Hà Nội hiện có 41 bệnh viện, 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, 2 Trung tâm chuyên khoa trực thuộc; 40 bệnh viện Trung ương, Bộ ngành; 34 bệnh viện tư nhân. Riêng các cơ sở kinh doanh y dược, có 1.160 cơ sở bán buôn, 3.470 nhà thuốc và 2.250 quầy thuốc.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc ứng dụng CNTT đối với các cơ sở bán lẻ thuốc đã được triển khai thực hiện. Trong đó, tính đến trung tuần tháng 8/2018, đã có 22,5% nhà thuốc, 5% quầy thuốc có kết nối Internet; 18,3% nhà thuốc, 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc với hơn 10 nhà cùng cấp phần mềm. Một số nhà thuốc bệnh viện đã có phần mềm kết nối với khoa khám bệnh, đơn thuốc bác sỹ kê được chuyển ra nhà thuốc. Đặc biệt, có nhà thuốc ở một số bệnh viện đã có mã dán trên từng sản phẩm, thuận lợi cho việc bán hàng, theo dõi xuất nhập tồn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận